Lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn sữa không đảm bảo chất lượng, nhiều người lựa chọn phương pháp tự làm ngũ cốc dinh dưỡng để chăm sóc sức khỏe.
Với kinh nghiệm làm ngũ cốc lâu năm, chị Loan cho biết khâu chọn lựa hạt đậu rất quan trọng. Bởi nếu chọn loại đậu không chất lượng, bị non hoặc sâu mọt sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe chung. Khâu rang đậu cũng quan trọng không kém, nếu rang lửa ít thì đậu sẽ sống khiến bột thành phẩm có mùi ngai ngái, lửa già quá đậu sẽ cháy khét. Vì vậy, làm ngũ cốc đòi hỏi công phu, sự tỉ mẫn, khéo léo. Tùy theo đối tượng, nhu cầu dinh dưỡng từng người mà tỷ lệ hạt có sự thay đổi; các loại chủ yếu gồm đậu đỏ, đậu nành, đậu xanh, đậu đen, mè đen. Hoặc muốn có thêm dinh dưỡng thì có có loại hạt nhập như macca, óc chó… Chị Võ Thị Một (ở thôn Phú Đa, xã Duy Thu) chia sẻ: “Ngày trước đời sống khó khăn, không có tiền mua sữa cho mẹ già, tôi đành trồng các loại đậu rồi tự rang xay uống. Ngờ đâu, từ khi uống ngũ cốc, sức khỏe của mẹ tôi tốt lên, da dẻ hồng hào. Vậy là tôi kiên trì làm cho đến bây giờ, ngoài ra có ai đặt thì tôi bán kiếm thu nhập”.
Tại thị xã Điện Bàn, chị Đặng Thị Hồng Anh (ở thôn Viêm Tây 2, xã Điện Thắng Bắc) cũng thường xuyên xay bột ngũ cốc uống cải thiện sức khỏe. Không chỉ thế, chị Anh còn tận dụng đất vườn nhà để trồng đậu đen, đậu xanh và mè đen để lấy hạt làm ngũ cốc. Chị Anh cho biết, làm ngũ cốc không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn tiết kiệm chi phí, so sánh giá tự làm với giá mua sẵn có thể tiết kiệm 200% số tiền bỏ ra mua. Nhờ trào lưu làm bột ngũ cốc, một số cơ sở xay xát ăn nên làm ra. Tại cửa hàng xay xát ông Nguyễn Hữu Dũng (ở phường Thanh Hà, TP.Hội An), ngày nào cũng có khách đến xay bột, có ngày cơ sở xay đến hơn 100kg bột. Ông Dũng cho biết: “Trước kia, máy xay xát ngũ cốc rất ế khách nhưng gần đây, rất nhiều người tìm đến chỗ tôi xay bột. Vợ tôi phải sắp xếp việc buôn bán để ở nhà phụ việc, cơ sở cũng ăn nên làm ra hơn”.