Nợ thuế khó đòi, chờ xử lý… ngày càng gia tăng, nhưng vẫn chưa có thuốc “đặc trị”.
Nợ thuế gia tăng
Theo thống kê của Cục Thuế Quảng Nam, tổng nợ thuế tính đến ngày 31.12.2012 là 661,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu hồi khoảng 56,8 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 95,6 tỷ đồng và nợ thông thường có khả năng thu khoảng 509,2 tỷ đồng. Riêng nợ thuế, tiền thuê đất theo cơ chế ưu đãi của Quảng Nam đã là 83,2 tỷ đồng. Con số thuế nợ này tiếp tục không giảm vì lãi suất nợ thuế vẫn không hề dừng lại. Theo ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, mặc dù Cục Thuế đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh thu hồi nợ như thông báo nợ thuế và phạt nộp chậm 50.015 lượt, đôn đốc qua điện thoại 39.848 lượt, mời làm việc 1.403 lượt, cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng 309 lượt… nhưng cũng chỉ thu được 39,2% tổng số nợ thuế của năm 2011 chuyển sang với số tiền là 122,9 tỷ đồng (tổng số nợ tính đến 31.12.2011 là 313,5 tỷ đồng). Con số nợ thuế đến cuối năm vẫn còn quá cao, không thể đạt chỉ tiêu thu nợ của Tổng Cục Thuế giao.
Nguyên nhân dẫn đến nợ thuế tăng là do hoạt động doanh nghiệp (DN) vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN thua lỗ, các công trình có vốn ngân sách nhà nước chậm thanh toán, và cũng không loại trừ cả việc DN chờ giảm thuế theo Nghị quyết 29 của Quốc hội nên số nợ dài hạn gia tăng. Mặt khác, một số DN đang chờ xử lý miễn, giảm, xóa nợ tiền thuế đất do di chuyển địa điểm và chờ xử lý bù trừ số tiền giải tỏa đền bù vào số tiền sử dụng đất, thuê đất phải nộp… đã dẫn đến tăng nợ. Đặc biệt, số nợ thuế thu nhập DN và tiền thuê đất mà các chủ dự án, DN được hưởng ưu đãi theo giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh cấp trước ngày 1.1.2006.
Theo nhìn nhận của Cục Thuế Quảng Nam, UBND tỉnh đã hủy bỏ cơ chế ưu đãi đầu tư từ ngày 8.3.2006 nhưng những giấy phép, chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp trước ngày 1.1.2006 vẫn được các DN, chủ đầu tư làm căn cứ để kê khai, xác định số thuế, tiền thuê đất được hưởng miễn, giảm không nộp vào ngân sách nhà nước nên dẫn đến nợ đọng thuế. Tổng số tiền thuế thu nhập DN, tiền thuê đất (về ưu đãi vượt trội) còn nợ tính đến hết năm 2012 khoảng 83,2 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập DN của 40 DN là 28,8 tỷ đồng và tiền thuê đất của 40 dự án đầu tư là 54,4 tỷ đồng… Ông Đinh Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói, việc để nợ đọng kéo dài này ngành Thuế đã bị UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi ý kiến của Chính phủ quá lâu, DN không chấp hành nộp tiền này vào ngân sách nhà nước nên số nợ ngày càng tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp khó khăn hoặc chờ miễn, giảm, gia hạn... dẫn đến nợ thuế. Ảnh: T.DŨNG |
Cần cơ chế giải quyết nợ đọng
Sự sụt giảm bất ngờ và đột biến số thuế nộp của các DN khiến cơ quan hành thu nghĩ tới việc thu hồi nợ đọng thuế để bù đắp sự thiếu hụt chỉ tiêu cho năm 2013, nhưng thiếu một cơ chế “an toàn” cho ngành thuế nên công việc này đang gặp khó. Ông Minh cho rằng nợ chờ xử lý vẫn là nợ thông thường nên lãi phạt cứ phát sinh vì cơ quan thuế không có quyền đưa vào xử lý. Ngay như 80 tỷ đồng thuế nợ của Ô tô Trường Hải dùng dằng nhiều năm vẫn chưa giải quyết được. Kiến nghị Tổng cục Thuế thì Tổng Cục Thuế cũng “động viên” Cục Thuế Quảng Nam giải quyết chứ không dám chịu trách nhiệm. “Nếu Cục Thuế Quảng Nam “giải quyết” thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước kiểm toán, thanh tra. Không thể giải quyết theo ý của họ được mà không có một văn bản hay giấy tờ gì chỉ đạo” - ông Minh nói.
Cơ quan thuế đã đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến UBND tỉnh báo cáo với Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế thống nhất chủ trương chỉ đạo ngành thuế về số tiền thuế thu nhập DN, tiền thuê đất còn nợ do hưởng cơ chế vượt trội. Trước mắt, Cục Thuế tỉnh sẽ chưa thu số nợ này và đưa vào nợ chờ xử lý, chờ cho đến khi có ý kiến chính thức của Chính phủ để Cục Thuế có cơ sở thực hiện. Nếu Chính phủ không đồng ý, các cấp chỉ đạo trích một phần nguồn ngân sách vượt thu hàng năm để hỗ trợ DN nộp vào ngân sách nhà nước để khỏi ảnh hưởng đến dự án đầu tư và hiệu quả kinh doanh của DN. Đây chính là điều tốt nhất để giữ uy tín của UBND tỉnh với các nhà đầu tư. Ông Lê Mai Khắc Hưng nói, ngành đã quản lý thu theo đúng quy định mà vẫn bị kiểm điểm trách nhiệm vì còn nợ đọng lớn do cơ chế của tỉnh. “Cục Thuế đã báo cáo số liệu ưu đãi vượt trội này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo cụ thể. Nếu không có cơ sở giải quyết dứt điểm thì nợ thuế và số tiền phạt chậm nộp theo qui định càng ngày càng tăng. Điều này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho DN và công tác quản lý của cơ quan thuế các cấp” - ông Hưng nói
Trịnh Dũng