Thiếu cơ chế, biện pháp xử lý khiến nợ thuế không có dấu hiệu thuyên giảm, đã tạo ra áp lực trong việc tăng thu ngân sách và ảnh hưởng đến tính nghiêm minh trong thực hiện pháp luật về thuế.
Không có dấu hiệu giảm
Thu ngân sách nhà nước 3 tháng qua được công bố tăng hơn 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những biện pháp tăng thu, bù đắp sự thiếu hụt ngân sách là dựa vào việc thu hồi các khoản nợ đọng thuế. Có thể dễ dàng nhìn thấy nỗ lực tìm các biện pháp quản lý, thu nợ lẫn đề đạt các kiến nghị xử lý nợ thuế lên cấp trên của Cục Thuế đã bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực. Câu chuyện nợ thuế của hai công ty khai thác, sản xuất vàng của Tập đoàn Besra và nợ ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp lưu cữu đã thực sự “sang trang”. HĐND tỉnh đã quyết định xóa nợ ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp, gỡ bỏ các khoản nợ này trên các bản báo cáo của ngành thuế và Ngân hàng TMCP Việt Á đã chính thức nộp thay số tiền nợ thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn kể từ tháng 8.2016. Công ty và ngân hàng này cam kết sẽ hoàn tất các khoản nợ đọng thuế trong một vài tháng tới…
Kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, làm ăn có lãi là một trong những lý do sẽ bớt dần doanh nghiệp nợ thuế kéo dài. (ảnh minh họa). Ảnh: T.PHONG |
Cơ quan thuế cho hay đã thực hiện tốt các biện pháp quản lý nợ theo quy trình, nghiêm túc và cương quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, phấn đấu giảm số nợ thuế năm trước chuyển sang. Hạn chế tối đa số nợ thuế mới phát sinh và phấn đấu đạt chỉ tiêu thu nợ năm 2017 theo đúng quy định của ngành thuế. Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương hy vọng với số nợ ưu đãi đã được xử lý khỏi sổ sách và việc thu hồi nợ công ty vàng đang tiến triển tốt sẽ giúp số nợ đọng thuế ngày càng ít đi. Song thực tế lại không như mong muốn. Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, việc tiến hành xác minh thông tin về tài khoản, hóa đơn để tiến hành cưỡng chế thuế được triển khai đã thu hồi khá nhiều khoản nợ thuế vào ngân sách nhà nước, nhưng nợ thuế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo thống kê của cơ quan thuế, tổng số nợ thuế toàn ngành khoảng 904,7 tỷ đồng hồi cuối năm 2016 và 15/19 đơn vị có số nợ thuế tăng vẫn chưa có gì thay đổi. Theo lý giải của cơ quan quản lý, một trong những lý do khiến nợ thuế gia tăng phải kể đến là việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước buộc phải đưa vào quản lý nợ đối với tiền sử dụng đất, thuê đất của các dự án còn vướng về bồi thường giải tỏa hoặc dự án đang chờ xử lý miễn, giảm, bù trừ nhưng chưa xử lý được. Số tiền nợ khó thu lớn kéo dài đã phát sinh tiền chậm nộp. Ngoài ra, nợ đến hạn phải thu hồi buộc cưỡng chế theo đúng pháp luật nhưng đạt tỷ lệ quá thấp hoặc không kịp thời đôn đốc thu hồi, xử lý sau thanh tra, kiểm tra cũng đã góp phần gia tăng số nợ thuế tại Quảng Nam.
Không lẽ bó tay
Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ mới đây, ông Đường cho hay cơ quan thuế đã tiến hành rà soát, phân loại nợ, giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, cán bộ, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các biện pháp cưỡng chế nợ. Số nợ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đang được phân kỳ thu sẽ tiếp tục thực hiện, nhưng việc xử lý số nợ thuế của Công ty Vàng Bông Miêu đang gặp khó khăn, phức tạp do vướng yếu tố nước ngoài và pháp luật chưa chặt chẽ. Hiện 100 tỷ đồng nợ thuế của công ty này rất khó thu hồi. Chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ tiếp tục có những cuộc làm việc để xử lý dứt điểm chuyện nợ thuế dây dưa nhiều năm nay.
Tại cuộc họp bàn triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2017 gần đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế Quảng Nam) cho biết nợ khó thu hồi chiếm hơn 40%. Nhiều chi cục thuế ở các địa phương cho rằng vẫn không thể thu hồi được nợ dù đã ban hành lệnh cưỡng chế. Cơ quan quản lý không thể tìm ra địa chỉ của các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản hoặc bỏ trốn để thu hồi nợ. Đó là chưa kể đến việc cơ quan quản lý dường như chỉ quan tâm đến cưỡng chế doanh nghiệp nợ mà quên cưỡng chế nợ thuế của cá nhân (số nợ này không phải là ít, nhất là cá nhân nợ tiền sử dụng đất). Nợ tiếp tục treo, tiền phạt chậm nộp gia tăng từng ngày dẫn đến tỷ lệ nợ thuế tăng cao trên sổ sách. Chính việc để treo số nợ thuế trên các báo cáo, những cuộc phân tích không đi đến kết quả cuối cùng đã đẩy áp lực thu nợ, khó có thể đạt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến thi đua của từng chi cục thuế địa phương dù họ đã thường xuyên phân tích chi tiết khoản nợ, xác minh thông tin, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp.
Công luận vẫn hiểu ngành thuế luôn gặp khó khăn và áp lực khi phải đối mặt với việc luôn tìm kiếm giải pháp tăng thu (năm nào tỷ lệ thu cũng gia tăng 10 - 20%) và thu hồi nợ đọng. Tuy nhiên, việc nợ đọng thuế không giảm, thậm chí không thể thu hồi được, ít nhiều thể hiện sự “bất lực” trước những doanh nghiệp chây ì, không thực thi pháp luật khi Luật Quản lý thuế với các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu, nộp thuế, không dễ gì để các doanh nghiệp có thể chây ì. Chắc chắn, người nộp thuế sẽ không thể làm như vậy được nếu như các cơ quan thuế vụ, quản lý nhà nước… làm đúng thẩm quyền theo luật định. Chưa kể đến việc không thể thu hồi được số nợ đọng này, liệu kế hoạch thu ngân sách năm 2017 có toàn mỹ hay không khi dư địa nhiều ngành thu thuế không còn nhiều, thì không ít doanh nghiệp cần một sự công bằng từ chính sách và câu trả lời thỏa đáng. Theo họ, không lẽ doanh nghiệp thực thi đúng trách nhiệm lại “thiệt thòi” hơn những đối tượng chây ì, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp. Suy cho cùng nợ thuế hay chậm nộp cũng là cách chiếm dụng ngân sách nhà nước để quay vòng vốn. Nếu điều này không được xử lý rốt ráo, thì việc doanh nghiệp lần lữa chuyện nộp thuế, chờ chính sách, gây bất ổn cho ngân sách sẽ có mảnh đất để phát sinh!
TÙY PHONG