Tám năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, nợ toàn cầu hiện ở mức cao kỷ lục.
Báo cáo giám sát tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 5.10 cho biết, nợ toàn cầu hiện nay chạm mức 225% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tương ứng với 152 nghìn tỷ USD. Số nợ này bao gồm của các chính phủ, doanh nghiệp không thuộc ngành tài chính và hộ gia đình. Trong đó, nợ tư nhân chiếm 2/3, còn lại là nợ công. Theo các chuyên gia IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm trong những năm qua khiến việc trả nợ ngày càng khó khăn. Do đó, vòng luẩn quẩn khó khăn kinh tế - giảm mức trả nợ, nợ gia tăng đã tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, nay ở mức báo động. Giám đốc về các vấn đề tài khóa của IMF, Vitor Gaspar nói: “Mức nợ tư nhân cao tác động ngược lại cho phát triển nền kinh tế và sự ổn định tài chính thế giới. Lịch sử cho thấy chúng ta thường đánh giá thấp về rủi ro nợ tư nhân đối với nền kinh tế”.
IMF hối thúc các nước tăng tốc giảm nợ cả lĩnh vực công và tư nhân. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Bloomberg, cảnh báo này được đưa ra trước khi Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương 189 nước thành viên IMF họp thường niên ở Washington (Mỹ) trong tuần này. Món nợ toàn cầu khổng lồ đang gây áp lực rất lớn cho các nhà làm chính sách. Bởi vai trò của ngân hàng trung ương ngày càng yếu trong việc sử dụng công quỹ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nợ tư nhân không chỉ cao ngất ngưởng ở các nước phát triển mà một vài nền kinh tế mới như Trung Quốc hay Brazil cũng không tránh khỏi. Thời báo tài chính - Financial Time đưa tin, đến hết quý I.2016, tổng nợ của Trung Quốc bao gồm cả nợ của khối doanh nghiệp, nợ công và nợ của toàn bộ các hộ gia đình tại đây tăng 237%, từ mức 148% GDP năm 2007. Cũng theo Chính phủ Trung Quốc, trong đó nợ công chính phủ và nợ của các hộ gia đình tương đương nhau ở mức trên 5.000 tỷ USD - khoảng 65% GDP.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, thay vì phải giảm nợ thì sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, nhiều nền kinh tế lại đi vay nhiều hơn so với tổng thu nhập quốc gia. Nhiều nền kinh tế buộc phải sống chung với nợ nần chìm ngập. Hơn nữa, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Việc các ngân hàng trung ương đua nhau cắt giảm lãi suất để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khuyến khích hoạt động vay nợ. Vào năm 2015, Hy Lạp tuyên bố khủng hoảng nợ công với 282 tỷ USD, chiếm 180% GDP, không chỉ khiến châu Âu mà cả thế giới rúng động. Hệ lụy đó làm cho nền kinh tế, chính trị và xã hội Hy Lạp rơi vào bất ổn đến nay vẫn chưa tìm ra lối thoát.
Để hỗ trợ quá trình giảm nợ, IMF hối thúc các chính phủ cần phải khôi phục tăng trưởng và đưa lạm phát trở về mức bình thường, như thông qua đầu tư, cải cách tài chính, kinh doanh cũng như đưa ra các chương trình mục tiêu để giúp các công ty giảm nợ. Bởi nếu không thực hiện được, các nước sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính, dễ phát triển thành suy thoái, kéo theo sự rủi ro mới cho tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
NAM VIỆT