Nợ xấu đã giảm

TÙY PHONG 29/07/2015 09:07

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, số liệu giám sát cho thấy tổng nợ xấu nội bảng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 6.2015 là 414 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng (tăng 63%) so với đầu năm và giảm 445 tỷ đồng (tương đương 52%) so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 1,24%. Số liệu này chênh lệch khá lớn với báo cáo UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 27.7, công bố tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn gần 230 tỷ đồng, chiếm gần 0,8%/tổng dư nợ, giảm gần 8,6% so với đầu năm. Nghĩa là chỉ trong vòng 1 tháng, nợ xấu ngân hàng đã giảm đến 184 tỷ đồng và được lý giải nguyên nhân giảm đáng kể chủ yếu là do các ngân hàng thương mại bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Cũng theo thống kê này, nợ xấu khách hàng doanh nghiệp chiếm 152 tỷ đồng (37%) với 59 doanh nghiệp có nợ xấu và khách hàng cá nhân, hộ gia đình hơn 262 tỷ đồng, chiếm 63%/tổng nợ xấu. Theo nhận định của giới ngân hàng, nợ xấu một phần do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho ứ đọng nhiều. Môi trường đầu tư, kinh doanh gặp nhiều trở ngại làm suy giảm chất lượng tín dụng và nợ xấu gia tăng. Ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, nông sản rớt giá… cũng đã khiến sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các TCTD thiếu thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với khách hàng còn mang tính chủ quan, thiếu chặt chẽ và liên tục, chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, các hướng dẫn của nội bộ ngành.

Nợ xấu giảm đáng kể cho thấy các TCTD đã rất nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dung, hạn chế phát sinh thêm nợ xấu. Dấu hiệu tốt cho nền kinh tế chính là giới ngân hàng đã cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay, thực hiện lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với nhu cầu cho vay mới có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ, tiếp tục kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay… Tất cả điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu trả nợ.

Đó là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên công luận vẫn phân vân bởi việc giảm nợ xấu chủ yếu là xử lý rủi ro (chiếm 96%) và bán nợ cho VAMC. Nhưng bản chất của việc sử dụng nguồn dự phòng rủi ro bù đắp tổn thất hay bán nợ chỉ làm giảm vốn chủ sở hữu ngân hàng, chuyển từ hạch toán nội bảng sang ngoại bảng. Rốt cuộc nợ xấu vẫn chưa được thu hồi. Khởi kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài. Vì vậy, vấn đề chính để giải quyết tình trạng ách tắc tín dụng cần xử lý nợ xấu kết hợp với sự tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Ngoài ra cần cơ cấu lại nợ để giúp doanh nghiệp vượt khó hay kiểm soát, giám sát dòng tiền khi đã cho vay có lẽ vẫn là một trong những giải pháp tốt nhất để nợ xấu khó có điều kiện phát sinh.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nợ xấu đã giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO