Sau nhiều tháng công bố nợ xấu khoảng trên 3,5%, bất ngờ ngày 28.7.2014, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Quảng Nam cho biết tổng nợ xấu trên địa bàn Quảng Nam chỉ còn hơn 285 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 1%/tổng dư nợ, nghĩa là nợ xấu đang ở ngưỡng rất an toàn. Cơ quan này cho rằng, nợ xấu giảm đáng kể là do các ngân hàng thương mại đã tiến hành xử lý các khoản nợ xấu ngoài địa bàn. Tuy nhiên, số nợ xấu được công bố đã nhanh chóng giảm đến 64,6% so với đầu năm chỉ trong một thời gian ngắn thì dư luận không thể không dấy lên mối hoài nghi một số ngân hàng lâu nay giấu giếm với mục đích muốn “neo giữ” lãi suất cao để hưởng lợi trên “sức khỏe” yếu ốm của doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã từng tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là ưu tiên của hệ thống ngân hàng trong những tháng tiếp theo. Doanh nghiệp và ngân hàng cùng khó thì phải thống nhất, chia sẻ với nhau. Cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng và ngược lại. Nhưng con số đáng thất vọng nhất là tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ đạt rất thấp, khoảng 3,4%. Với một nền kinh tế hoạt động chủ yếu chỉ dựa vào vốn vay thì tín dụng ở mức đó hầu như đã không hỗ trợ gì cho doanh nghiệp. Trước vô vàn khó khăn như hiện nay, cần từng bước tháo gỡ từng nút thắt, nhưng cần nhất là sự công tâm, có tầm khi cứu nền kinh tế.
Có thể lý giải rằng nền kinh tế đã trở thành “con tin” của ngân hàng khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay. Chẳng ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp vay nếu không có tài sản thế chấp. Ngân hàng cũng không thể dễ dàng cho vay nếu xét thấy dự án đầu tư của doanh nghiệp kém khả thi và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng có thể cho rằng hiện nay ngân hàng phải lo giải quyết nợ xấu cũng đã ngập đầu làm sao trông mong họ giảm lãi suất hay nới lỏng điều kiện để tăng cho vay. Ngược lại, ở phía doanh nghiệp, làm sao để giảm bớt tỷ lệ vay nợ so với tỷ lệ vốn chủ sở hữu nên không thể trông mong họ hăm hở đi vay. Mối quan tâm hiện nay là phải tháo nút thắt từ khu vực sản xuất, nơi tạo ra của cải thực tế cho nền kinh tế. Nói đúng hơn, vấn đề cần giải quyết trước hết là hàng hóa ứ đọng và chi phí vốn cao.
Nợ xấu chính là vấn đề mấu chốt phải tháo gỡ để giải quyết tình hình. Các biện pháp mà ngân hàng thực hiện là đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới trả nợ cũ. Không cơ cấu lại nợ xấu, chẳng mấy doanh nghiệp có thể tiếp tục vay ngân hàng. Những gì diễn ra hiện nay chính là cái giá phải trả cho những khoản vay dễ dãi, những khoản tín dụng chỉ định, những dự án bất động sản dang dở, những kế hoạch đầu tư đổ bể… của một chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức trong suốt một thời gian dài. Mà để chữa khỏi bệnh cần không ít thời gian và không ít kẻ hy sinh. Hiện không một ngân hàng nào lo vượt chi tiêu cho vay mà ngược lại, đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép nhưng có thể đạt được. Nghịch lý này chung quy cũng tại nợ xấu, vậy nợ xấu đã được giải quyết thì liệu ngân hàng có tháo van tín dụng cho doanh nghiệp? Nếu tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch thì nền kinh tế có quyền đặt câu hỏi là nợ xấu đi đâu, hay chỉ là một cách “hoán đổi tài tình” nào đó trong nghiệp vụ ngân hàng để làm đẹp báo cáo, còn nợ xấu vẫn cứ đi lòng vòng và doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc “tìm tiền”!
TÙY PHONG