Nợ xấu lại tăng

NHẬT PHONG 06/07/2016 08:20

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tính đến cuối tháng 6.2016, tổng nợ xấu trên địa bàn Quảng Nam khoảng 314 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,8%/tổng dư nợ. Con số này giảm 23,51% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 145,3% so với đầu năm. Nợ xấu tăng đột biến trong tháng 4.2016. Có một món nợ của doanh nghiệp lên đến 157 tỷ đồng vẫn chưa thu hồi được do doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng đang trình Hội sở cơ cấu lại nợ và tái cấp hạn mức để hỗ trợ cho khách hàng khôi phục sản xuất. Dự kiến chỉ trong một vài ngày tới sẽ hoàn tất hồ sơ xử lý nợ cho doanh nghiệp.

Không chỉ các ngân hàng thương mại loay hoay với đống nợ xấu tồn lưu nhiều năm mà ngay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng cũng lâm vào nợ xấu. Theo công bố của ngân hàng này, tổng nợ xấu đến 20.6.2016 khoảng 9,882 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,28%, trong đó nợ quá hạn 2,626 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 1,547 tỷ đồng (0,07%), nợ khoanh 7,256 tỷ đồng. Số nợ không nhiều so với tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Quảng Nam, nhưng với ngân hàng vốn được mệnh danh là “mành đất” không có chỗ cho nợ xấu phát sinh nhiều năm bất ngờ gia tăng nợ xấu là điều cũng đáng lo ngại cho kênh vốn đầu tư của nhà nước vào nền kinh tế.

Theo nhận định của giới ngân hàng, môi trường đầu tư, kinh doanh gặp nhiều trở ngại làm suy giảm chất lượng tín dụng và nợ xấu gia tăng. Trong lĩnh vực xây dựng, đơn vị thi công công trình bị chủ đầu tư chậm thanh toán, nhất là các công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, dẫn đến khách hàng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ. Áp lực về chi phí tài chính, lãi vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, nông sản rớt giá… cũng đã khiến sản xuất, kinh doanh thua lỗ, người vay không đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các tổ chức tín dụng còn mang tính chủ quan, thiếu thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với khách hàng; chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, hướng dẫn của nội bộ ngành. Việc kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của khách hàng còn chưa kịp thời, hạn chế, dẫn tới bị lừa đảo nhưng chậm phát hiện. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến đầu tư không hiệu quả; hoặc doanh nghiệp không có thông tin thị trường, chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không có nguồn trả nợ khách hàng. Có doanh nghiệp thiếu ý thức trả nợ, không hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo, dây dưa cố tình không trả nợ.

Nợ xấu lại tăng là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế. Bởi đây là chỉ dấu bất an sẽ khiến ngân hàng lại “siết chặt” tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng đang bàn thảo đến các phương thức xử lý nợ xấu, chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp như cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc mua bán nợ… Với những giải pháp đó, có thể hy vọng về việc đưa con số nợ xấu về mức thấp nhất hay không? Vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nợ xấu lại tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO