Hai nhà khoa học của Đại học Pennsylvania vừa nhận giải “Nobel của Mỹ” cho nghiên cứu về phát triển vắc xin dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), giúp cứu sống nhiều người trên thế giới.
Giải “Nobel của Mỹ” là cách gọi dành cho giải thưởng danh giá về nghiên cứu y học lâm sàng Lasker- DeBakey của Mỹ, ra đời từ năm 1945. Năm nay, hai Giáo sư y khoa Drew Weissman và Katalin Karikó cùng nhau chia sẻ số tiền 250.000 USD của giải thưởng này.
Trước đó, hai nhà khoa học trên cũng nhận giải thưởng đột phá trong khoa học đời sống trị giá 3 triệu USD do ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập hãng tìm kiếm trực tuyến Google - Sergey Brin và tỷ phú Nga - Yuri Milner thành lập. Cạnh đó, họ cũng nhận giải thưởng Louisa Gross Horwitz về Hóa Sinh của Đại học Columbia.
Sau nhiều năm nghiên cứu, hai nhà khoa học Drew Weissman và Katalin Karikó chứng minh mRNA là một công cụ có giá trị lớn trong y học.
Điển hình, công nghệ mRNA trở thành nền tảng sản xuất vắc xin bao gồm vắc xin ngừa Covid-19 của các hãng dược phẩm lớn của thế giới là Moderna và Pfizer/BioNtech, mang lại tính an toàn và hiệu quả cao.
Nhờ những nỗ lực tiên phong của hai nhà nghiên cứu trên, đến nay hơn 1 tỷ liều vắc xin mRNA Covid-19 được sử dụng, bảo vệ cho nhiều người trên khắp thế giới khỏi bệnh nặng và tử vong khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Theo các nhà khoa học, sức mạnh của mRNA nằm ở khả năng cung cấp các chỉ dẫn di truyền để tạo ra protein - các khối xây dựng của sự sống.
Trong vắc xin, mRNA thúc đẩy các tế bào của người nhận tạo ra protein “tăng đột biến” của vi rút SARS-CoV-2, cho phép hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể và các biện pháp phòng thủ khác một cách an toàn trong trường hợp nó gặp phải vi rút thực sự.
Để điều trị các bệnh khác, mRNA sẽ được sử dụng để thúc đẩy sản xuất các protein khác mà bệnh nhân không thể tự tạo ra.
Nhà nghiên cứu Katalin Karikó nói: “Thật là thú vị vì chúng tôi đã dành 23 năm làm việc với công nghệ mRNA và luôn hy vọng một ngày nào đó, thứ mà chúng tôi đang nghiên cứu sẽ ứng dụng trên con người, như góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một cảm giác tuyệt vời”.
Drew Weissman (62 tuổi) và Katalin Karikó (66 tuổi) cho biết họ có kế hoạch sử dụng một phần tiền thưởng để hỗ trợ nghiên cứu của mình.
Cụ thể, bà Katalin Karikó nằm trong số những người đang nghiên cứu việc sử dụng mRNA để điều trị các bệnh khác như ung thư, cúm, HIV và một số bệnh tự miễn dịch khác. Trong khi đó, một trong những dự án của ông Drew Weissman là cải thiện tiếp cận công bằng vắc xin.
Trong nhiều tháng, ông đã làm việc với các nhà khoa học ở Thái Lan về một loại vắc xin mRNA khác phòng Covid-19. Nhà nghiên cứu Drew Weissman cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với 150 phòng thí nghiệm khác nhau trên khắp thế giới, phát triển các loại vắc xin mRNA và phương pháp điều trị khác nhau. Vì vậy, sự quan tâm đến công nghệ mRNA trong y học đang tăng lên từng ngày”.
Bà Katalin Karikó (người Mỹ gốc Hungary) hiện là Phó Chủ tịch cấp cao của công ty công nghệ sinh học BioNTech có trụ sở tại Đức, vừa là trợ giảng tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania. Bà Karikó có bằng đại học về Sinh học và tiến sĩ về Hóa Sinh tại Đại học Szeged ở Hungary.
Còn ông Drew Weissman là Giáo sư y khoa cũng tại Trường Y Perelman. Ông có bằng đại học về Hóa Sinh tại Đại học Brandeis và bằng tốt nghiệp tại Trường Y của Đại học Boston (Mỹ). Bằng sáng chế chung của hai nhà khoa học này được BioNTech/Pfizer và Moderna/NIH sử dụng để tạo ra vắc xin mRNA Covid-19.