Đây đó trên địa cầu này trở nên nhộn nhịp và vui tươi hẳn lên khi tháng mười hai về. Có lẽ với người Việt, niềm vui từ tháng mười hai kéo dài sang tận tết Nguyên đán, xuân về.
Hồi ở Sài Gòn mình chơi cùng một cô gái có nick name Hoa tháng mười hai. Hỏi, tên gì không tên đi lấy cái tên sến bà cố. Nàng trợn mắt, môi miệng đùng đùng như bắp nổ, sến gì mà sến, người ta yêu hoa, người ta yêu tháng mười hai không nick name Hoa tháng mười hai thì là tên gì, hở, hở???...
Hỏi, tháng mười hai có gì đâu mà yêu với thích dữ. Nàng làm một hồi như pháo giòn tan, sướng rêm bụng nàng. Này nhé, tháng mười hai là tháng cuối năm nè, vậy là một năm nữa sắp kết thúc, một năm bao chuyện vui buồn và thăng trầm sắp qua đi ai mà hổng thấy nhẹ nhõm. Này nhé, tháng mười hai phố xá tươi sáng lộng lẫy hẳn lên, chúng ta sắp sửa được đón Noel, đi chơi Noel, đón tết tây rồi tết ta cận kề. Này nhé, tháng mười hai chúng ta được tăng lương, thêm thưởng, trong năm ta chật vật thì tháng mười hai túi rủng rỉnh tiền. Này nhé... Nói rồi nàng cười, ung dung sướng mấy ngày liền như vậy. Khuôn mặt, thần thái cô gái rạng ngời đến vậy là cùng. Phải nói, tháng mười hai, một chất xúc tác khó tưởng.
Đà Lạt, nơi mà sự yên ắng vốn là truyền thống, ngoài khu trung tâm, ngoài phố xá du khách lại qua thì phần lớn còn lại của thành phố đều đi ngủ sớm. Tháng mười hai phố xá như hồi sinh, đây đó chẳng chịu đi ngủ dù khuya đã ngấp nghé tự bao giờ, lạnh sương tê tái, mưa thản nhiên lất phất.
Du khách của tháng mười hai chịu khó ra đường hơn, đợt này mà nói, sữa đậu nành bán chạy dữ ác. Ly sữa nóng hổi dậy khói giữa đêm lạnh âm ỉ, hỏi còn gì bằng. Mấy quán cà phê thường ghé, thông lệ độ chín giờ trở nên vắng sao mà vắng dù trước đó một tiếng là giờ cao điểm, hết bàn hết ghế. Tháng mười hai, chẳng biết vì điều gì người ta cứ ngồi lỳ, mười giờ nhiều người còn ngồi uống cà phê. Có thằng bạn hài, cái câu “có những thứ khoa học không thể chứng minh được”. Chỉ bản chất cái câu thôi nghe đã cười rũ. Với tháng mười hai, nó cũng phán như vậy, “có những thứ khoa học không thể chứng minh được”.
Và thật lạ, hiếm thấy người người đi uống cà phê trở nên một phong trào như tháng mười hai. Khi tháng ngày trong năm, sự vội vã mưu sinh, lo toan bủa vây mọi thời khắc từ nơi làm việc đến vị trí ngồi uống cà phê, ai nấy với cái đầu nằng nặng, hồn để đâu đâu, vội. Tháng mười hai người đi uống cà phê, nghiền ngẫm. Thôi, đã đến lúc gác cái công việc của năm mà đi khuây khỏa một bữa cho ra trò.
Tháng mười hai người xuất ngoại trở về nước sum họp gia đình, thành ra câu chuyện của một năm biệt xứ thì một đêm bên bàn cà phê làm sao cho đủ.
Tháng mười hai mọi nơi trên đất nước hình chữ S se se lạnh, mùa rét. Tình người là khởi tạo và duy trì ấm áp.
Tháng mười hai, ngay Sài Gòn cũng chịu hạ nhiệt. Trai gái Sài Gòn đã chờ đợi biết bao lâu mới lại được dịp lôi áo bông ra diện.
Ở Sài Gòn, những con người phải thật vội vã trong tháng mười hai. Thường hay nghe câu “kiếm tiền về tiêu tết”. Là thế thôi chứ vội vã ấy không hề thực, ngoại trừ công ty ấy cả năm trời làm ăn bết bát, cuối năm nhân viên cố gồng sức cày. Làm ăn ngon lành, không ai dốc hết sức lực vào tháng cuối năm. Sức ấy phải để dành mà chơi tết.
Và vui, háo hức, được chờ đợi nhất của tháng mười hai là Noel.
Nhẩm lại, đã bao nhiêu tháng mười hai trong đời và đã bao lần nếm mùi vị Noel.
Năm tháng tuổi thơ trong nghèo đói, nghe người luống tuổi nói Đông chí rồi, sắp Noel rồi, sắp hết năm rồi. Nói rồi người lớn thở phào. Thở phào ấy lan sang đứa con nít lóc chóc niềm vui khôn tả. Khi ấy, trong đầu chẳng gì khác ngoài biết rằng sắp tới tết. Thật sự không biết Noel méo tròn ra làm sao.
Rồi lớn, đến khi học cấp ba nghe đến ông già Noel, công chúa tuyết y như nghe chuyện cổ tích. Ừ nghe thì nghe vậy thôi vẫn không thể mường tượng Noel méo hay tròn.
Và khi vào sinh viên, rời làng quê đi xa lắc, sống ở phố thị mới biết Noel. Noel năm ấy mượn thằng bạn con xe cùi, đạp bể hơi tai rồi cũng nổ, đèo cô bạn đi chơi giáng sinh. Ừ thì đi. Để khỏi thua thiệt với người ta. Khi ấy chính xác đập vào mắt không gì khác, một màu Noel.
Mới biết người ta háo hức chờ mùa Noel như thế nào. Xứ đạo, đâu cũng gặp nhà thờ trang hoàng đẹp quá trời đất. Cảm giác lần đầu vào nhà thờ, sợ. Nhưng được một lần rồi về sau cứ đi miết. Hôm hứng cái gì không biết vào nhà thờ ngắm nghía ngẫm nghĩ, y như rằng mình là dân đạo, mộ đạo, sùng đạo và sành đạo ghê gớm.
Mới biết hang đá. Mới biết cây thông Noel. Mới biết vòng lá. Mới biết Mùa Vọng. Mới được nghe câu chuyện Chúa giáng sinh.
Sinh viên, đêm Noel, nhỏ Quỳnh – nhỏ mà thường ngày vẫn bị coi là vô duyên vô đối, lén gửi thiệp đến từng người, từng phòng trọ. Lời chúc ấm áp. Ai nấy động lòng không nói nổi nên lời. Sáng ra nhỏ Quỳnh cười tít mắt, hai mắt nhỏ long lanh, thấy được hạnh phúc tràn trề nơi nhỏ.
Ngày ở xứ người, đêm ấy, một đêm Noel, một đêm hiếm có, chưa đêm nào trong đời như đêm ấy. Nhớ nhà, nhớ đất nước kinh khủng. Khi Paul, anh bạn ca sĩ người Philippines say sưa hát hết ca khúc này đến ca khúc khác để mang lại bầu không khí sôi động vui tươi cho du khách, thì có những kẻ lầm lũi làm việc nuốt trọn lời ca, đếm thời gian qua chậm, cố ngăn nước mắt. Hơn cả tủi thân, đó là tổn thương ghê gớm với người dứt quê hương ra đi tìm kế sinh nhai. Thi thoảng gặp Paul, cùng uống bia mới cảm được thấu nỗi buồn sâu thẳm trong anh. Noel nào cũng thế, gọi điện gửi lời chúc đến gia đình, xong rồi Paul đi hát phục vụ khách du lịch đến sáng.
Buồn không? Là cái câu người xa xứ này thường hỏi người xa xứ kia.
Quen rồi. Là câu trả lời quen thuộc của những ai xa xứ.
Noel này ở Đà Lạt, đêm ấy ta ngủ thật ngon, có một ông già Noel leo qua ống khói đem quà để trong đôi bít tất cho ta. Chắc chắn là như vậy!
NGÔ THUẬN