Anh bạn tôi vừa nói lại được, anh gào lên trong điện thoại: “Tui nói được rồi ông ơi!”. Giọng anh tuy vẫn còn hơi khàn nhưng tôi vẫn nhận ra trong đó niềm vui khôn xiết đến rưng rưng!
Đền thờ Chu Văn An (núi Phượng Hoàng, xã Văn An, thị xã Chí Linh, Hải Dương) - một bậc hiền nho, một vị quan cương trực. Nguồn: Internet |
Sáu tháng “tắt tiếng ca”, anh phải nhập viện xạ trị khối u trong vòm họng đến phờ phạc. Bạn bè thân thiết vào thăm chỉ biết ái ngại nhìn nhau, thở dài… Nhưng rồi đột nhiên anh nói lại được như một phép màu. Đó là cái tin mà tất cả bạn bè đều rất mừng, bởi anh mà “tắt tiếng” vĩnh viễn thì những cuộc hội ngộ sẽ kém vui, cho dù có hay không có mặt anh. Xem thế, “nói được” quan trọng biết dường nào! Hãy nhìn nỗi vui mừng của người mẹ khi đứa con bé bỏng của mình bập bẹ được những tiếng “ma ma, ba ba” đầu tiên, bởi “biết nói” chính là một trong các biểu hiện của “loài người khôn ngoan” (Homo sapiens).
Con người có thể nhận biết được sự vật, hiện tượng gián tiếp qua lời nói, trong khi động vật cần phải có kích thích trực tiếp qua các giác quan (mùi vị, hình ảnh, cơ thể…). Tuy nhiên, khi loài người ngày càng có những mối quan hệ phức tạp, tiếng nói, lời nói lại bị phân hóa ý nghĩa theo những chiều hướng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Có thứ tiếng nói trung thực như của Galilée (nhà bác học Ý, 1564 - 1642) khi bị tòa án dị giáo bắt buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm, đại để: “Vâng, tôi nói trái đất đứng yên… Nhưng, dù sao nó… vẫn quay”. Có tiếng nói can trường như trong giai thoại Mao Tiêu trước lưỡi gươm của bạo chúa Tần Thủy Hoàng, quyết làm người thứ 28 bị rơi đầu cho đủ “nhị thập bát tú” nếu không khuyên can được nhà vua đừng trở thành “tấm gương… bất hiếu” khi đày đọa mẹ mình là Triệu Cơ xuống lãnh cung. Hay lời nói trở thành danh ngôn bất hủ của Nguyễn Thái Học trên đoạn đầu đài: “Không thành công cũng thành nhân”… Và còn biết bao lời nói yêu thương chân thật tận đáy lòng của những người mẹ hiền, của những mối tình chung thủy, của những người yêu nước xả thân vì đại nghĩa…
Nhưng đồng thời, trên thế gian cũng có vô số những kẻ buông lời dối trá, ngoa mị, nói để lợi mình, hại người. Đọc truyện Tàu, thấy hình như ở triều đại nào cũng có những bọn nịnh thần, xiểm thần chuyên gièm pha bức hại trung lương như Tần Cối thời Tống, Triệu Cao nước Tần, và đặc biệt tay đại gian thần Hòa Thân thời nhà Thanh. Càn Long tuy là một ông vua giỏi nhưng lại ưa nịnh nọt. Hòa Thân đã lọc lõi tận dụng “đức tính” này của nhà vua, lúc nào cũng ton hót những lời ngon ngọt nên chỉ trong vòng 10 năm đã thăng tiến thần tốc từ một anh thị vệ nhảy lên đến chức Đại học sĩ, Quân cơ đại thần. Rồi từ vị trí quyền lực “dưới một người, trên muôn người” này, y đã ra sức vơ vét của dân, đòi hối lộ của các quan viên lớn nhỏ, ăn chặn cống phẩm của triều đình, thao túng các nguồn tài nguyên quốc gia… Tài sản của y lớn tới mức tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh thu được trong 15 năm, ước khoảng 1,1 tỷ lạng bạc thời đó. Sức công phá từ… nước bọt của y không những làm cho kiệt quệ sức dân mà còn để lại một “di sản” tham nhũng cho đám quần thần về sau học đòi theo, dẫn đến nội loạn ngoại xâm bằm nát đất nước, kéo theo sự sụp đổ của cả một triều đại. Y quả xứng đáng là “sư tổ” muôn đời của tất cả bọn quan tham hậu thế. Lịch sử nước ta cũng không thiếu những nhân vật tương tự. Thời Trần Dụ Tông có nhóm 7 nịnh thần như Trâu Canh, Bùi Khâm, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu… chuyên bày trò dẫn dắt vua quan vào mê lộ, ăn chơi bê tha trác táng, xa lánh lương thần. Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” đòi chém đầu bọn này nhưng không được nhà vua chấp thuận. Ông đành cáo quan về núi Phượng Hoàng dạy học. Đó cũng là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ suy trị của triều Trần.
Lời nói nhiều khi còn được sử dụng như một phương tiện chính trị, thậm chí như một thứ vũ khí. Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, Khổng Minh chỉ bằng lời nói đã khiến Vương Lãng uất ức, hộc máu ngã nhào xuống ngựa mà chết ngay trước trận. Trong Đông Chu liệt quốc, những kẻ du thuyết như Trương Nghi, Tô Tần chỉ dùng “ba tấc lưỡi” mà định nên những cuộc hòa hay chiến giữa các nước chư hầu, và bản thân cũng đạt tới đỉnh công danh tột bậc. Tuy nhiên, lời nói đôi khi cũng thành vạ miệng, bởi “lỡ lời khó gượng”. Ngày nay trên các diễn đàn, nhiều nhân vật tiếng tăm bị cộng đồng mạng “ném đá” tơi bời chỉ vì lỡ miệng nói những câu dại dột; một vài vị nguyên thủ quốc gia vì sơ ý hoặc bực dọc điều gì mà buông lời nói thiếu chuẩn mực, lập tức uy tín đã bị mất điểm cả trong đối nội và đối ngoại. Ngược lại, ở chốn nghị trường, lời nói phản biện có trách nhiệm của đại biểu dân cử có thể chỉnh đốn, sửa sai các chính sách, mang lại nhiều phúc lợi cho nhân quần, xã tắc.
Người xưa bảo “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nhưng vấn đề là “uốn” theo chiều nào? “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” nên có thể “uốn” theo chiều “cho vừa lòng nhau” hoặc với ý đồ “hàm huyết phún nhân” (ngậm máu phun người). Lại có những kiểu “ăn theo nói leo”, “nói quấy nói quá”, “nói một đàng làm một nẻo”… không xuất phát từ tư duy logic nên chẳng mang lại ích lợi gì cho người nghe. Ở chiều ngược lại, con người cần phải được nói lên những suy nghĩ có trách nhiệm của mình trước thực tại để góp phần làm cho cuộc đời được “sạch sẽ” hơn, cho dù đôi khi “nói thật mất lòng”.
PHAN VĂN MINH