Nơi anh đi vào cõi bất tử

DUY HIỂN 25/07/2021 05:58

Tháng 5 vừa rồi, tròn 50 năm Chu Cẩm Phong nằm lại bên bờ sông Thu Bồn, công viên tưởng niệm nơi anh và đồng đội hy sinh đã được trùng tu tôn tạo khang trang. Nhiều năm nay vào ngày 1.5, tại nhà ông Văn Công Mịch, những cán bộ và người dân trụ bám Vinh Cường vẫn cúng giỗ nhà văn. Chu Cẩm Phong thực sự đã đi vào tâm thức người dân Vinh Cường. Và cũng chính từ nơi đây, ông đi vào cõi bất tử.

Ông Lê Yến tại bia tưởng niện Chu Cẩm Phong và đồng đội hy sinh.
Ông Lê Yến tại bia tưởng niện Chu Cẩm Phong và đồng đội hy sinh.

1. Ông Lê Yến - nguyên chính trị viên xã đội Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên gặp nhà văn Chu Cẩm Phong: “Chắc chắn anh Chu Cẩm Phong khi xuống đồng bằng công tác đã qua lại Vinh Cường nhiều lần nhưng có lẽ chúng tôi không biết. Hôm nớ anh về địa phương, trình giấy giới thiệu do Mặt trận 4 Quảng Đà cấp, đề nghị địa phương giúp đỡ đồng chí Chu Cẩm Phong thực hiện nhiệm vụ.

Ban đầu tôi tưởng anh là lính trinh sát. Nhưng mãi chẳng thấy anh yêu cầu gì mà chỉ ngồi lấy sổ ghi chép. Tối đó tôi đi họp chi bộ bí mật trong khu dồn, anh bảo cho anh đi với. Mấy hôm sau tôi đưa anh bò vào quan sát địch trong sân bay thuộc khu kỹ nghệ An Hòa.

Những gì tai nghe mắt thấy về cuộc sống, chiến đấu của quân dân vùng tây Duy Xuyên, anh Phong ghi chép rất kỹ. Chuyến công tác này mở đầu cho những gắn bó rất sâu đậm của anh Chu Cẩm Phong với cán bộ và dân trụ bám Vinh Cường”.  

Vinh Cường là một thôn khá trù phú của xã Duy Tân ngày nay, trong chiến tranh thuộc xã Xuyên Phú. Từ năm 1964, ở Vinh Cường ta đã giành quyền làm chủ. Cả thôn hồi đó độ  35 - 40 hộ dân, không ai theo địch nên như một vùng giải phóng thu nhỏ bên dòng sông Thu. Nơi đây trở thành một trong những điểm nút trọng yếu trên tuyến hành lang vận tải của chiến trường Quảng Đà.

Và trong số những đoàn cán bộ, bộ đội qua lại Vinh Cường có Chu Cẩm Phong. Trong nhật ký, nhà văn ghi chép khá sống động cuộc sống gian khổ nhưng kiên cường của người dân trụ bám vùng Xuyên Phú, Xuyên Hòa. Đó là hình ảnh những đám rau muống xanh mướt quanh những miệng hố bom sâu hoắm như thách thức sức mạnh của kẻ thù.

Trang nhật ký ngày 19.3.1968 ghi cảnh tượng người mẹ cùng đàn con tự giác đi đào những hầm trú ẩn dọc đường làng để cán bộ bộ đội qua lại có nơi ẩn nấp khi địch bom pháo: “Người mẹ cầm cuốc đào, hai em lớn hơn khiêng chuối cây đã đẵn thành khúc, hai cháu bé nhất lăng xăng bên hầm dùng mẻ chén và tay cào đất. Ba mẹ con làm việc hăng say, hứng thú như nhau, giống hệt nhau”.      

Tháng 5 năm 1968 một đơn vị quân Mỹ càn vào Vinh Cường, trong phút chốc đã bắn giết 37 người dân vô tội gồm người già, phụ nữ và trẻ em. Khoảng 6 gia đình ở Vinh Cường bị thảm sát toàn bộ. Một số hộ dân Vinh Cường bỏ làng chạy, dẫu vậy vẫn còn khoảng 20 gia đình quyết bám trụ, thủy chung với cách mạng.

Bà Hồ Thị Cúc - một trong ba đảng viên hợp pháp của Vinh Cường nhớ lại: “Để giữ dân, chúng tôi luôn đứng mũi chịu sào, mà dân ở đây cũng rất quyết tâm, dù đói dù no họ cũng không rời mảnh đất này. Địch càn xuống đốt nhà, thì dân đi cắt tranh, kiếm tre che lại. Năm, bảy ngày sau chúng lại càn xuống đốt. Đốt cái nớ rồi mình làm nên cái khác”.

Chính trong giai đoạn ác liệt, gian khổ ấy, Chu Cẩm Phong đã về trụ bám khá lâu ở Vinh Cường. Nhật ký cho thấy ông đã “chia lửa” với Vinh Cường suốt từ ngày 10.4.1971 cho đến khi hy sinh vào ngày 1.5.1971.

Chia sẻ hiểm nguy, cần mẫn lấy tư liệu, Chu Cẩm Phong đã viết nhiều trang nhật ký về đất và người Vinh Cường. Trang nhật ký ngày 18.4.1971 ghi: “ … 22 giờ đêm đến thôn Vinh Cường. Làng xóm lạ hẳn mình không nhận ra. Cây cối bị phát quang, đốt cháy. Ánh lửa trong các bếp hắt ra tận xa, đường sá thấp cao những hang hố… Trong vòng mấy ngày làm nhà hai lần. Đi trên đường mình vẫn ngửi thấy mùi thuốc đạn, thuốc rốc két, mùi cỏ tranh cháy”.

Những trang nhật ký chiến tranh ám mùi thuốc súng này của Chu Cẩm Phong cho thấy cuộc sống của người dân trụ bám Vinh Cường thật gian khổ, sống chết chỉ gang tấc, nhưng cũng thấy rõ sự gan lỳ và tư thế ung dung của họ - những người biết rõ cuộc chiến đấu của mình là chính nghĩa và tất thắng. Vài người trong số họ, như vợ chồng ông Hồ Phong, bà Cường bây giờ vẫn còn giữ những kỷ những kỷ niệm sâu đậm về nhà văn.

2. Và đất Vinh Cường cũng đã chứng kiến trận chiến đấu cuối cùng của nhà văn chiến sĩ Chu Cẩm Phong. Ông Lê Yến nhớ lại: “Buổi chiều hôm nớ mới khoảng 6 giờ anh Phong từ bên Giảng Hòa xã Đại Thắng vượt sông Thu Bồn qua. Tôi nói tối nay anh cứ nghỉ, tôi đi họp. Anh Phong bảo cho anh đi với. Tôi nói anh tháo gùi khỏi lưng, tháo dép cầm tay, nếu pháo bắn chạy khỏi trật dép, chui hầm khỏi vướng gùi.

Hồi này ở Vinh Cường rất căng. Vừa nói xong đã nghe tiếng pháo trên Đức Dục đề - pa rụp, rụp, rụp… rồi tràng pháo nổ lộng óc. Anh Phong bảo có gì không mà địch bắn sớm thế. Tôi nói chắc ngày ni bị du kích Vinh Cường đánh rát nên bọn chúng nổi điên. Đêm đó pháo địch bắn nhiều.

Sáng ra địch đổ 6 chiếc trực thăng ở An Hòa. Đến 7 giờ chiếc tàu gáo quần lượn do thám. Nó quần lên Duy Thu rồi quần lại, lập tức bọn trực thăng đổ quân xuống. Chúng tôi xuống hầm bí mật bên bờ suối, gần cầu Mỹ Lược bây giờ. Chiếc hầm được chúng tôi làm công phu, có hai tầng để chống lụt, miệng hầm nằm giữa bụi tre, trên nắp hầm gắn một cây tre khô ngụy trang, địch rất khó phát hiện.

Nhưng sáng đó anh Tiềm - Ban An ninh huyện ở dưới Duy Hòa chạy theo suối Mỹ Lược lên kêu cho núp, thằng tàu gáo trinh sát nhìn thấy và chỉ điểm. Cuộc chiến đấu quyết liệt đã nổ ra, anh Chu Cẩm Phong cùng 3 người nữa hy sinh. Tôi cùng 2 người khác bị bắt đưa đi, tối đó nhờ trời mưa to tôi đã tìm cách trốn thoát”. Hôm ấy là ngày 1.5.1971.

Ông Văn Công Mịch - nguyên Bí thư xã ủy Xuyên Phú khi còn sống đã kể với chúng tôi chuyện an táng, rồi chuyện tìm mộ Chu Cẩm Phong: “Sau khi địch rút, tôi cùng ông Lê Hường - cha anh Yến và ông Phụng đào huyệt chôn cất các anh chị. Hai cô Ca, Ta nằm phía trên, tiếp theo là anh Phong rồi anh Tiềm.

Tháng  8.1971, địch đem xe ủi cày trắng cả Vinh Cường, dãy mộ ven bờ suối Mỹ Lược bị vùi lấp cả. Rồi hòa bình vô hợp tác xã, công việc lút đầu, chẳng kịp quy tập. Với lại nơi anh Phong nằm chia về địa phận xã Duy Hòa mà không ai tìm kiếm cất bốc.

Đến khi mẹ anh Phong ở Hội An lên tìm tôi mới nhớ lại, bởi bờ suối nơi an táng các liệt sĩ có cây ngái bên cạnh, không hiểu sao dù bị xe ủi cày lấp nó vẫn sống sót, nứt đọt. Lấy mốc cây ngái, chúng tôi tìm đúng hài cốt từng người. Anh Phong được đưa về an táng tại quê nhà Hội An”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi anh đi vào cõi bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO