Khuất sau bức tường cao xám lạnh của trung tâm, biết bao con người đang miệt mài trong hành trình hướng thiện cho những người trót sa chân vào ma túy. Họ - cán bộ của Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh (đóng tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) - như những người thắp lửa, dùng chính trái tim nhiệt thành của mình soi rọi cho bao người lầm lỡ tìm lối để quay về...
Phía sau cánh cửa khép
Nắng chảy tràn trên khu nội trú của học viên. Giữa trưa, nếu không có tiếng chim rừng réo rắt phía bên ngoài khu nội trú, thì có lẽ thanh âm duy nhất lọt vào tai chỉ là tiếng quạt máy, vọng ra từ những căn phòng. Anh Lương Văn Cường - Trưởng phòng Quản lý hồ sơ, tư vấn giáo dục của trung tâm - đưa tay ra hiệu giữ im lặng, rồi dẫn chúng tôi vào phòng. Học viên đang ngủ. Trong căn phòng nhỏ nằm ngay cạnh dãy phòng, anh Cường kéo chiếc bàn con, rồi lần giở xấp hồ sơ, làm nốt những trang dang dở. Là trưởng phòng, nhưng anh vừa phải kiêm nhiệm hoàn thiện, quản lý hồ sơ học viên, vừa phải chia ca trực với một đồng nghiệp khác trong tuần. Ngoài giờ trực, anh tranh thủ chút thời gian nghỉ giữa trưa, xử lý cho xong những hồ sơ còn thiếu. Chuông báo hết giờ nghỉ trưa, bàn làm việc vẫn ngổn ngang giấy tờ, chờ anh trở lại sau giờ cơm tối. Suốt hai mươi bốn tiếng, nếu không đi cùng học viên, anh lại quay về với vai trò một cán bộ hành chính mẫn cán, đến độ, có khi quá nửa đêm, căn phòng nhỏ ấy mới tắt đèn…
Học viên và cán bộ trung tâm cùng chăm sóc vườn rau. Ảnh: Trung tâm cung cấp. |
Anh dẫn chúng tôi đi dọc theo khu trại. Đến từng cánh cửa, anh lại cẩn thận đảo mắt một lượt khắp căn phòng, đảm bảo không có gì bất trắc, rồi mới lần qua phòng khác. “Công việc bắt buộc đấy. Khu này là khu kỷ luật, tức là những học viên “cộm cán” nhất, “sừng sỏ” nhất đều được tập trung vào đây. Có học viên bước vào trung tâm, mang theo 7 tiền án, đều liên quan đến ma túy. Giáo dục, hỗ trợ cai nghiện đối với người bình thường đã khó, với những học viên này càng không cho phép mình lơ là” - anh giải thích. Khung cảnh yên bình giữa trưa, như lúc này, thực ra, chỉ là khoảnh khắc khi mạch ngầm dữ dội bên trong mỗi học viên tạm thời lắng lại. Bởi phía sau từng cánh cửa, là những câu chuyện có lẽ sẽ không đi đến hồi kết, mà các cán bộ trung tâm phải đối mặt, hàng ngày, thậm chí hàng giờ: Học viên cai nghiện tìm cách để trốn trại!
Cán bộ quản lý khu tập trung Ngô Văn Hợi đều đặn kiểm tra từng phòng ngủ của học viên. Ảnh: T.C |
Học viên trốn tại, luôn là áp lực đè nặng lên vai những cán bộ trong mỗi ca trực, như anh Cường. Không thể thoát khỏi những cám dỗ đầy ma mị của ma túy, học viên sẵn sàng làm những việc không ai dám nghĩ. Nuốt lưỡi dao lam, nuốt mảnh vỡ bóng đèn, uống nước rửa bồn cầu, treo cổ… Chỉ một phút mất cảnh giác, là hậu quả có thể ngoài tầm kiểm soát, dù chỉ cách một cánh cửa khép lạnh lùng kia. Anh Cường kể, có bận, học viên đi lao động, giấu mang vào phòng chỉ một viên đá nhỏ bằng ngón tay cái. Vậy mà sau vài đêm được tỉ mẩn mài giũa, viên đá đó trở thành công cụ để học viên… tự cắt động mạch tay mình. Được đưa đi viện, lại tiếp tục giở những chiêu trò khác, chỉ chờ sự mất cảnh giác của cán bộ quản lý, là học viên bỏ trốn. Những cán bộ lão luyện như anh Cường, không ít lần phải vất vả đối diện với mánh khóe của học viên, trong đó có không ít đối tượng đã sống gần nửa đời trong trại giam, vì “dính án”. Đỉnh điểm của những vụ này, là quãng thời gian từ giữa đến cuối năm ngoái, khi có đến 29 vụ việc tương tự xảy ra, đằng sau từng cánh cửa khép im lìm của học viên, ngay sát căn phòng trực. Chưa kể, ngay cả người thân của học viên, cũng không ít lần tìm cách giấu ma túy trong hộp sữa, bao bánh còn nguyên niêm, để tìm cách đưa vào trung tâm cai nghiện…
Thung lũng hồi sinh
Mười hai năm, kể từ ngày bước chân vào nhận công tác tại trung tâm, anh Cường đã quen với nhịp làm việc như một cỗ máy “vĩnh cửu” ấy. Nghĩa là ngày bình thường thì làm việc với sổ sách ở khu hành chính. Còn ngày trực, mớ sổ sách đó theo chân anh về căn phòng chung dãy với học viên, chỉ ở lại khi anh theo chân học viên đi lao động, đi ăn, hoặc giờ giải lao cuối ngày. Việc nối việc. Ngày bình thường, anh còn tranh thủ ngoài giờ hành chính để về với vợ con. Đến ca trực, là chịu, suốt hai mươi bốn giờ không bước chân ra khỏi bức tường cao của khu nội trú. Lo cho học viên từng bữa ăn, giấc ngủ, từ lúc thức dậy đến khi tất cả đều đã ngủ, hành trình ấy cứ lặp lại ngày này qua tháng khác, suốt những ca trực nối dài. Cán bộ ở trung tâm này đùa, rằng mười mấy năm chưa một ai biết đến hai từ “nghỉ phép”. Là bởi, nếu người này nghỉ dù chỉ một ngày, người còn lại - sau khi vừa trực xong ngày trước, bắt buộc phải trực thay 24 tiếng tiếp theo, rồi lại quay về ca trực cũ của… chính mình, thành ra ba ngày liên tục không rời đi nửa bước. Thiếu nhân sự, mỗi khu trại chỉ có đúng hai cán bộ trực, nên có muốn thay người khác, cũng chịu!
Cũng vì thế, mà suốt mười hai năm ròng, anh Cường chỉ một lần duy nhất được đón giao thừa cùng với vợ con. “Đó là năm 2015, năm duy nhất trung tâm không có học viên. Trước tết, tôi lên xin lãnh đạo, rằng năm nay không có học viên, không phải trực, lãnh đạo cho em được nghỉ về đón giao thừa với con. Trước và sau đó, năm nào, tôi cũng chờ giao thừa với học viên, ăn những cái tết xa gia đình, dù chỉ mất hơn mười phút đồng hồ đi xe máy là về đến nhà” - anh Cường ngậm ngùi chia sẻ. Hai đứa con anh, đứa đầu 9 tuổi, đứa nhỏ hơn mới chỉ 6 tuổi, đều không thấy mặt cha lúc mới lọt lòng. Vì trực. Mà không chỉ anh Cường, nhiều cán bộ của trung tâm, như anh Ngô Văn Hợi - Quản lý khu tập trung - cũng chỉ biết tin vợ mình sinh qua điện thoại. Không nghỉ phép, không lễ lạt, công việc cứ cuốn họ theo suốt hành trình sát cánh cùng học viên. “Lễ tết, ở cùng học viên, có thể có chút buồn cho riêng mình, nhưng là lúc anh em học viên họ cần mình nhất. Nhiều khi nhờ những lần liên hoan, văn nghệ dịp lễ, tết, mà anh em học viên gắn bó, tin tưởng mình hơn, từ đó cải tạo tốt, nhanh tiến bộ hơn hẳn” - anh Hợi nói.
Anh Nguyễn Thành Trung - giám đốc trung tâm - chia sẻ, rằng ở đây, áp lực như một đặc thù, không lúc nào vơi. “Đến độ, dù là ngày nghỉ, nhưng anh em nào cũng quen giữ khư khư di động bên mình. Rời ra, là ngay sau đó phải kiểm tra xem có tin nhắn, cuộc gọi nhỡ nào từ phía trung tâm không, vì lo “có chuyện”. Đến nỗi, nửa đêm nghe tiếng chuông điện thoại là giật thột. Bởi, nhân sự vừa mỏng, cơ sở còn nhiều hạn chế, học viên vừa đông, vừa là những người lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy, nên hành động có thể vượt quá sự kiểm soát bất cứ lúc nào” - anh Trung nói. Nhiều bận, lãnh đạo trung tâm phải đi mua cơm, mua thức ăn, cà phê “tiếp tế” cho cán bộ quản lý, khi những cán bộ khác được huy động để đưa học viên đi bệnh viện điều trị…
Nhưng “căng” đến mức nào, thì trên hết, tình người vẫn là thứ vũ khí sắc bén nhất để cán bộ trung tâm có thể cảm hóa, giáo dục được người nghiện, đưa những người lầm lỗi trở về nẻo thiện, từng ngày. Chúng tôi gặp Đ.T.B. (SN 1990, Điện An, Điện Bàn), khi em đang sắp xếp lại giày dép, phụ giúp cán bộ trực dọn dẹp khu nội trú. Ba mẹ B. làm nông, cùng lắm là đủ ăn, vậy mà B. theo lời rủ rê của bạn, vướng vào ma túy. Em được đưa lên trung tâm cai nghiện, tầm nửa tháng là cắt được cơn. “Em chỉ mới nghiện thôi. Khi lên đây, em được thầy Cường và các thầy quan tâm, động viên lắm. Thầy nói, cứ coi như vào đây chỉ là một cú trượt chân. Em phải đứng dậy, vì còn ba mẹ, anh em ở nhà, còn tương lai phía trước chờ đợi em” - B. nói. Em gọi cán bộ trung tâm là thầy, là những người dạy lại cho em từ nếp nghĩ, nếp làm, sống một cuộc đời khác. Qua 5 tháng, kể từ khi vào trung tâm, từ một thanh niên bất cần, chán chường, lao đầu vào ma túy, B. không chỉ cắt được cơn nghiện, sức khỏe tốt hơn, mà còn tìm được niềm vui trong những giờ lao động, giờ vui chơi thể dục thể thao ở trung tâm mỗi ngày. Trên bước đường trở lại, B. được tin cậy để trở thành người phụ các thầy giúp những người khác, như mình, tìm lại cuộc đời. Nụ cười của chàng trai trẻ, có lẽ, là minh chứng cho những hồi sinh đang lặng lẽ được gieo cấy nên ở nơi này, bằng chính cống hiến lặng thầm, bằng cảm hứng của các cán bộ trung tâm. Họ là những người đã lấy trái tim mình thắp lửa, dẫn lối cho biết bao mảnh đời khác tìm trở lại ánh sáng, sau một chặng đường đời xám xịt những ám ảnh của ma túy, của những lỡ lầm…
Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ