Nơi ấy, Cồn Soi

VÂN TÁ 17/05/2014 08:34

Tôi về làng Thanh Thủy, thuộc thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình và theo chân các mẹ, các chị là người thân của các anh hùng liệt sĩ để đến Cồn Soi thắp nén hương cho anh tôi và 23 cán bộ, du kích của làng hy sinh trong trận càn của quân Mỹ - ngụy vào ngày 28.6.1969.

Làng Thanh Thủy nằm ven bờ sông Trường Giang về phía tây, trải dài khoảng một cây số. Không biết tự bao giờ, giữa dòng Trường Giang thuộc địa phận của làng nổi lên một cồn đất có diện tích khoảng 4ha, người dân gọi là Cồn Soi. Theo các đồng chí đảng viên cao niên kể lại, do nằm giữa dòng sông nên vào thời kỳ chống thực dân Pháp, Cồn Soi là điểm hẹn của cán bộ hoạt động bí mật. Có những lần đồng chí Trần Học Giới (vào những năm 1936 - 1937); đồng chí Võ Chí Công (vào những năm 1940 - 1952) giả làm người đi buôn theo thuyền từ Bà Bầu, Bến Ván (huyện Núi Thành bây giờ) ra neo đậu tại Cồn Soi, gặp gỡ cơ sở cách mạng tại xã để thành lập Chi bộ Tây Giang (1936), Chi bộ Quảng Đông (1940). Đến thời kỳ chống Mỹ (giai đoạn 1954 - 1964), Cồn Soi là nơi cán bộ cách mạng của huyện Thăng Bình như Trần Văn Trai, Hồ Thúy Túc, Lâm Hoàng Diệu (Bình Sa), Lê Y (Bình Nam)… tổ chức hội họp với cơ sở. Và, cán bộ, du kích của làng Thanh Thủy cùng xây dựng hầm bí mật tại đây.

Từ tháng 10.1964 đến giữa năm 1969, dựa vào đặc điểm địa hình của Cồn Soi, cán bộ, du kích sau những trận chiến đấu không cân sức thường về đây tránh trú và không lần nào bị địch phát hiện. Đặc biệt, từ đầu năm 1969, với âm mưu “bình định, lấn chiếm” để giành lại vùng đã được ta giải phóng, xã Bình Sa cũng như toàn vùng đông huyện Thăng Bình bị địch đánh phá vô cùng ác liệt. Riêng cuộc càn quét của giặc vào ngày 28.6.1969 ở thôn Tiên Đỏa, gần một nửa số gia đình của làng Thanh Thủy có người hy sinh.

Rạng sáng 28.6.1969, sau hàng trăm quả đạn pháo từ Tuần Dưỡng, Núi Quế cùng với 2 đợt máy bay ném hàng mấy chục quả bom xuống địa phận hai thôn Tiên Đỏa, Châu Khê để dọn đường, một tiểu đoàn quân ngụy thuộc Trung đoàn 5, Sư đoàn 2 và một đại đội quân Mỹ với 10 xe tăng, thiết giáp, có máy bay yểm trợ từ Tuần Dưỡng (xã Bình An, huyện Thăng Bình) càn quét vào thôn Tiên Đỏa và một phần của thôn Châu Khê, xã Bình Sa. Khi quân địch vào làng, du kích ta chặn đánh quyết liệt hơn hai giờ đồng hồ, nhưng do lực lượng của chúng đông, hỏa lực mạnh nên phần lớn cán bộ, du kích rút lui về Cồn Soi trú ẩn. Ngặt một nỗi, khi vài người cuối cùng rút về lội qua sông thì bị máy bay địch phát hiện. Liền sau đó, địch sử dụng 1 tàu gáo và 4 máy bay HU1A quần đảo, và cho 8 máy bay trực thăng đổ gần 2 đại đội quân Mỹ xuống Cồn Soi, tung ra xăm tìm hầm. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ 18 căn hầm bí mật trên cồn bị chúng phát hiện. Và đã có 24 (trong số 25) cán bộ, du kích trú ẩn trong hầm bị địch sát hại.

Sau khi cùng các mẹ, các chị thắp nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ, khoảng hơn 10 giờ, tôi được chị Cường mời về nhà dự lễ cúng giỗ của chồng, một trong những người hy sinh trong trận càn này. Chị kể: “Những năm trước đó, Cồn Soi an toàn lắm, nhiều lần địch vào làng nhưng cũng chỉ đứng bên bờ sông nhìn qua mà thôi, không ngờ lần đó lại…”. Mắt chị đỏ hoe khi nhìn lên di ảnh chồng, rồi tiếp: “Bà con trong làng hôm đó nhìn sang Cồn Soi thấy chúng khui hầm kéo người lên rồi bắn ngay, một số hầm khác biết bị lộ nên anh em mình tung lên chống trả. Do bị đánh trả, những hầm còn lại chúng đến khui nắp rồi ném lựu đạn vào. Có hầm chúng đặt mìn giật nổ tung nên nhiều người không tìm được thi thể. Còn việc đem thi thể về chôn cất phải qua 3 ngày mới lấy được hết, vì ban ngày địch cho tàu gáo quần, ban đêm thì máy bay trực thăng pha đèn dọc theo sông bắn phá. Làng Thanh Thủy lúc đó chỉ 51 hộ nhưng đến 20 hộ có người thân hy sinh, có gia đình hy sinh 2 người. Cả làng chìm trong tang thương!”.

Từ sau ngày giải phóng, hài cốt của cán bộ, du kích hy sinh tại Cồn Soi dần được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã. Và cũng theo lời chị Cường, “số cán bộ, du kích bị mìn giật không còn thi thể đến nay vẫn ở lại với Cồn Soi đây thôi”. Có lẽ từ suy nghĩ chung đó mà từ năm 1977 đến nay, cứ khoảng 8 - 9 giờ ngày 14.5 âm lịch hằng năm, người dân trong làng cũng như người thân của các liệt sĩ hy sinh tại Cồn Soi, dù ở quê hay đi làm ăn sinh sống bất cứ nơi đâu, cũng tập trung về, cùng nhau ra Cồn Soi thắp nén hương tưởng niệm. Tuy vậy, việc đến Cồn Soi cũng khá vất vả vì không có thuyền bè nên mọi người phải dầm mình lội qua sông, nước ngập tới cổ, trên tay cầm nén hương, ít trái cây hoặc gói bánh, mấy nhành hoa. Khi đến nơi, mỗi người tự tìm cho mình một vị trí, tự tay cào đất lại thành ụ bằng chiếc nón lá, đặt lên đó các thứ mang theo, đốt hương khấn vái rồi lội sông trở về để lo lễ cúng giỗ tại nhà.

Cảm động trước việc làm của các mẹ, các chị, tôi thầm mong sao có được tấm bia tưởng niệm đặt ở phía đất liền nơi gần đó để người thân của các anh hùng liệt sĩ đỡ vất vả khi viếng hương người thân. Bày tỏ suy nghĩ đó với Thường trực Đảng ủy xã thì được biết, xã cũng đã mấy lần đưa ra HĐND xã bàn bạc về việc dựng bia di tích lịch sử đấu tranh cách mạng và bia văn hóa truyền thống tại địa phương nhưng “lực bất tòng tâm” vì không đủ khả năng về kinh phí, trong khi đó trên địa bàn xã có đến hơn 10 địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng rất xứng đáng để dựng bia ghi nhớ. Bình Sa cũng đã có chủ trương vận động kinh phí từ tấm lòng vàng của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Hội đồng hương Bình Sa tại TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng đã đóng góp hơn 100 triệu đồng triển khai xây dựng bia tưởng niệm tại Cồn Soi và di tích An Tráng (thôn Bình Trúc II).

Qua hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình có 658 liệt sĩ; 64 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và có 47 mẹ đang được đề nghị phong tặng. Những cống hiến, hy sinh qua 30 năm chống kẻ thù xâm lược, Bình Sa đã lập nên nhiều chiến tích oanh liệt vẻ vang, thế nhưng đã qua gần 40 năm, kể từ sau ngày giải phóng đến nay, chúng ta chỉ mới truyền miệng chứ ghi lại không nhiều về những con người, những sự kiện diễn ra ở mảnh đất này. E rằng, trong thời gian không lâu nữa, lớp tiền bối cũng sẽ “ra đi”, liệu còn ai biết để nhắc lại cho lớp con, cháu mai này.

Thiết nghĩ, những câu chuyện lịch sử cách mạng cần được thể hiện bằng lời trên những tấm bia di tích, để những nơi đây trở thành địa điểm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ đến thắp nén hương tưởng niệm và hiểu về một quá khứ vẻ vang của ông cha thuở trước đã đổ biết bao máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và để làm được việc đó, ngoài sự đầu tư kinh phí của Nhà nước, rất cần sự đóng góp của những tấm lòng vàng từ nhân dân địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khác. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, không chỉ là sự ghi dấu lịch sử mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với những người được thừa hưởng di sản vô cùng quý giá đó là độc lập, tự do mà cha ông đã đánh đổi bằng máu xương mới có được.

VÂN TÁ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi ấy, Cồn Soi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO