Nỗi buồn ngoại ô!

MINH ĐỨC 03/12/2016 09:00

Dạo qua những nơi được xem là vùng ngoại ô của Tam Kỳ, nhiều người có chung tâm trạng không mấy phấn chấn bởi chứng kiến cảnh sắc và nhịp sống nơi này chưa kịp đổi thay theo giấc mơ đô thị.

Ở Tam Kỳ vẫn còn nhiều vùng chưa thể “lên đời”. TRONG ẢNH: Xóm Củi nằm ven sông Bàn Thạch.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ở Tam Kỳ vẫn còn nhiều vùng chưa thể “lên đời”. TRONG ẢNH: Xóm Củi nằm ven sông Bàn Thạch.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hòa Hương, Hòa Thuận, Tân Thạnh, An Phú…, những vùng quê vốn còn nhiều khó khăn nên có vẻ rất chật vật khi khoác lên mình “chiếc áo” đô thị. Ngoài những khu vực được xây dựng các khu cụm dân cư bài bản, công trình công cộng, có đường sá thuận tiện thì vẫn còn rất nhiều làng xóm chưa thể “lên đời” theo đúng tên gọi phố phường. Điểm chung của những nơi này là cây cối um tùm, đường sá chật chội, lầy lội, vườn tược có nhiều mồ mả và đêm xuống ngập tràn bóng tối. Có cụm dân cư gần như vẫn nguyên vẹn với nhà cửa cũ kỹ quanh những con đường đất ngoằn ngoèo chật hẹp, nắng bụi mưa lầy… Nói như thế không phải để phủ nhận nỗ lực đô thị hóa và thành quả phát triển kinh tế xã hội của Tam Kỳ bởi hình ảnh này chỉ là số ít so với những nơi đã kịp chuyển mình nhờ sự đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng. Vì nguồn lực đầu tư hạn hẹp và phân bổ chưa hợp lý nên nhiều lúc phải chấp nhận những hình ảnh trái ngược, chỗ xa hoa, phồn vinh nơi khổ nghèo, ổ chuột. Thành phố càng lớn thì khoảng cách đó càng rộng ra và dễ thấy hơn. Trong khi Tam Kỳ vẫn là thành phố trẻ, quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính ít ỏi, khó đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo động lực phát triển đồng đều.

Ở những thành phố lớn khác, mức độ “hội tụ” diễn ra mạnh mẽ đã khiến phía sau thành phố phồn hoa là nhiều khu nhà chắp vá, tạm bợ mọc lên để đáp ứng nhu cầu của dân tha phương cầu thực; hoặc nhiều khu ổ chuột có điều kiện sống khắc nghiệt - là hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa chớp nhoáng, thiếu bền vững; hay những khu cụm dân cư thưa thớt, nghèo nàn đã bị bỏ lại khi một lớp thị dân mới khá lên, lần lượt ra đi để nâng cao chất lượng đời sống… Còn những khu vực “chưa kịp lên đời” ở Tam kỳ hầu hết là những cụm dân cư sinh sống lâu đời ở vùng ven. Người dân ở ngoại ô Tam Kỳ dù đô thị kề bên nhưng lâu nay ít được phố xá “tác động” để đổi thay mà chủ yếu vẫn theo nghề nông vốn không phải là thế mạnh của vùng. Điều này cũng dễ hiểu bởi phố thị Tam Kỳ trước đây chủ yếu tập trung dọc quốc lộ 1 cũ và cũng chỉ được một đoạn ngắn, mức độ giao thương, tốc độ phát triển dịch vụ chưa mạnh mẽ. Vậy nên Tam Kỳ chưa thật sự thu hút, giải quyết được nhiều lượng lao động ven đô làm dịch vụ, sống ổn định với nghề dịch vụ từ sự phát triển của đô thị. Dễ thấy nhất là hiện nay vẫn còn rất nhiều thanh niên ở phố rỗi nghề hoặc làm việc thiếu ổn định, nhất là lao động ở vùng ven.

Dạo qua nhiều khu cụm dân cư ở Hòa Thuận, Hòa Hương, An Phú…, tôi đều bắt gặp nhiều ngôi nhà mới xây bán kiên cố, bên trong vẫn còn trống trải những thứ được gọi là điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đây là những “tổ ấm” của các cặp vợ chồng trẻ mới ra riêng, chồng bôn ba với những công việc không tên, thu nhập không ổn định; vợ mở quầy buôn bán, quán ăn uống nhỏ nhưng cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Rồi có nhiều thanh niên, cả những lao động chính trong gia đình rơi vào cảnh chới với không biết phải xoay xở ra sao trước gánh nặng trang trải cuộc sống nơi phố thị... Theo UBND TP.Tam Kỳ, trong 5 năm qua (2011 - 2015), bằng các chương trình mục tiêu giảm nghèo, địa phương đã giảm số hộ nghèo trên địa bàn từ 2.134 hộ (năm 2010) còn 403 hộ; hộ cận nghèo từ 2.563 hộ (năm 2010) giảm còn 808 hộ. Con số này một phần cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, mặt khác cũng có thể nhìn nhận tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa thoát khỏi khó khăn trong những năm vừa qua là rất lớn (gần 4.700 hộ trên tổng 27.400 hộ). Hiện nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa hết chật vật, vì vậy nội lực của Tam Kỳ chưa thể mạnh mẽ được.  

Thị dân giàu mạnh thì thành phố mới sôi động. Để tạo nội lực cho đô thị, trong chiến lược phát triển của mình, những năm qua Tam Kỳ đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ, mở rộng không gian phố thị để người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Tất nhiên con đường để đi đến một đô thị sinh động, dân thành thị giàu lên để kéo thành phố phát triển về mọi mặt vẫn còn rất dài. Tam Kỳ có điểm thuận lợi là chỉ giải quyết những vấn đề “nội tại” của mình trong công tác giảm nghèo, không phải lo toan nhiều về hệ lụy phát sinh từ những người nhập cư như các thành phố lớn khác. Vậy nên, trong công tác xóa đói giảm nghèo cũng cần chú trọng đến lớp thị dân mới - những người chủ yếu sống ở ngoại ô vừa chuyển mình lên phố!…

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi buồn ngoại ô!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO