Cũng những con đường quanh co uốn lượn và nét bình yên hiện hữu khắp làng, Triêm Tây vẫn đẹp nhưng phảng phất đâu đó những xao động khi du lịch đang bắt đầu phát triển ở đây.
Đổi thay
Chỉ trong hai năm, Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) đã trở thành một địa chỉ “nóng” trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Một không gian làng quê đặc trưng xứ Quảng, với các địa danh gắn liền lịch sử làng như lăng Ngũ hành, nhà cổ Xã Mùi; những con đường bình yên nở đầy hoa tím; ẩn mình dưới lũy tre xanh là những bãi bồi chứng kiến bao thăng trầm của làng. Triêm Tây hiện hữu như một thế giới vừa quen vừa lạ, nơi du khách bắt gặp tuổi thơ của mình qua cánh diều giấy chao nghiêng trên thảm cỏ mịn màng, là tiếng í ới gọi nhau vang vọng trên dòng sông trưa nắng, những điều từ lâu tưởng chỉ còn trong ký ức. Cảnh sắc càng nên thơ hơn khi hoàng hôn trải dài trên dòng lạch Quế, cũng là lúc ghe thuyền nhộn nhịp quăng chài giăng lưới giữa tiếng hò khoan của các chị các bà nơi bến nước. Khung cảnh chân thực như cuộc sống người dân làng bao đời nay vốn vậy, khiến bước chân du khách cứ ngỡ như lạc vào một thế giới đầy mê hoặc của thuở xa xưa để rồi mãi bâng khuâng hoài niệm không muốn quay về.
Bình yên Triêm Tây. Ảnh: V.LỘC |
Đến Triêm Tây mùa hè sẽ cảm nhận được sự khoan khoái từ những cơn gió triền sông thổi vào mát rượi. Càng dễ chịu hơn khi ngắm nhìn màu xanh tươi tắn của khu vườn sinh thái cộng đồng, nơi các loài hoa trái bản địa tỏa hương thơm ngát và vô số ong bướm rập rờn. Đặc biệt, dù nằm cách riêng với phần còn lại của làng nhưng khu du lịch sinh thái Triêm Tây của KTS Bùi Kiến Quốc với hệ thống nhà vườn ấn tượng cùng các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí tiện nghi cũng đã phần nào mang đến sự hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan làng. Có lẽ vì vậy, nên Triêm Tây dù chưa chính thức khai trương nhưng vẫn luôn có khách. Ngày cuối tuần, cả làng dường như náo nhiệt hơn, các xã viên Hợp tác xã du lịch cộng đồng ai cũng tất bật, rộn ràng đón khách. Du lịch đã thật sự mang đến luồng sinh khí mới, nhất là tạo ra sinh kế mới cho người dân.
Đơn độc
Tuy độc đáo và có chiều hướng phát triển nhưng du lịch Triêm Tây vẫn còn nhiều trăn trở. Con số 25 thành viên tham gia hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng trong tổng số 148 hộ dân của làng là khá khiêm tốn, điều này đã dẫn đến sự thờ ơ của nhiều hộ dân trong làng. Mối quan hệ dù chưa đến mức gay gắt nhưng sự bàng quan đã hiện hữu. Ông Nguyễn Yên - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp làng Triêm Tây tâm sự, HTX luôn đơn độc bởi chính quyền thôn, xã không hưởng ứng, không vào cuộc, dù HTX đã mời tham gia. “Nói Triêm Tây làm du lịch cộng đồng nhưng thực chất du lịch cộng đồng là cái gì thì chỉ có các thành viên HTX hiểu, còn nhiều người dân, chính quyền thôn, xã đứng ngoài cuộc, không hưởng ứng, không động viên người dân tham gia. Kiểu này vài tháng nữa khi Trung tâm VHTT Điện Bàn giao HTX tự hoạt động thì chúng tôi làm sao… bơi được, chắc dễ buông lắm” - ông Yên buồn bã.
Không phủ nhận, Triêm Tây thay đổi rất nhiều sau khi làm du lịch, nhưng theo ông Dương Phú Mãi - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, qua hai năm phát động làng làm du lịch, người dân vẫn chưa thấy sinh kế thay đổi hay nguồn thu đâu cả nên ít hưởng ứng. “Biết là làm du lịch cộng đồng phải lâu dài nhưng ở đây đất nông nghiệp ít, người dân không có lương thực dự trữ nên họ phải bươn chải làm ăn, kẻ qua Hội An, người ra Đà Nẵng kiếm sống mỗi ngày chứ ai mà ở nhà chờ du lịch, biết bao giờ mới có tiền” - ông Mãi chia sẻ. Rồi những chuyện phát sinh từ khi làng có du lịch như cho doanh nghiệp bên ngoài vào thuê đất trồng dược liệu nhưng lại chuyển sang trồng cây lâu năm gây bức xúc trong dân, hay phong trào làm hàng rào xanh, làm đường giao thông nông thôn… cũng có nhiều “vết gợn” khi người thì hưởng ứng nhiệt tình, hộ chỉ làm đối phó nhằm nhận tiền hỗ trợ (1 - 1,5 triệu đồng). Hậu quả là sau khi nghiệm thu trao giải, không ít nơi bỏ hoang phế, không chăm sóc.
Những ngày này về Triêm Tây, con đường đất xưa đã được bê tông trắng toát, thô cứng chạy cắt ngang làng, một vài hàng chè tàu đã trở nên xơ xác cằn cỗi. Tuy nhiên, hoang phế nhất là những bụi tre ven đường, biểu tượng của sự mượt mà, bình dị cho làng đã bị đố́n hạ để lấy đất làm nhà (hoặc bán). Nói như ông Nguyễn Yên: “Dù tiếc nuối nhưng vẫn khó thể làm gì được vì tất cả thuộc quyền sở hữu người dân. Chỉ khi nào chính quyền cùng vào cuộc với HTX để thấy được sự cần thiết và tính hiệu quả của phát triển du lịch cộng đồng, từ đó vận động người dân hưởng ứng thì lúc đó mô hình này mới hiệu quả được, chứ theo kiểu mạnh ai nấy làm như bây giờ thì không ổn”.
VĨNH LỘC