1. Ông Tám đi ra đi vào không yên. Chốc chốc ông lại nhìn lên đồng hồ. Vợ ông cũng sốt ruột không kém.
Bà đang quét nhà hay xắt chuối cho heo cũng ngưng tay lại, nghiêng tai lắng nghe khi có tiếng xe máy vù qua ngõ. Tiếng chó sủa vu vơ đầu làng cũng khiến ông bà thấp thỏm. Mấy ngày nay, lòng dạ ông bà cứ nóng hơ khi vợ chồng đứa con trai gọi điện về thông báo rằng sẽ chạy xe máy từ Sài Gòn về quê. Cả ông và bà không nói ra nhưng ai cũng lo sợ, e ngại những bất trắc trong chuyến hồi hương vượt cả ngàn cây số của con trai.
Mấy tháng nay, ngày nào ông bà cũng bỏ dở bữa cơm tối ngồi trước chiếc tivi cũ mèm để nghe tin tức dịch ở Sài Gòn. Tính ra dịch giã đã 2 năm mà trước đây ông bà nào có quan tâm. Hằng ngày, các ông bên ly rượu giải mỏi vẫn bàn luận chuyện dịch bệnh, số ca tử vong ở nước này nước kia. Nửa buổi dặm lúa, ngồi trên ruộng nghỉ mệt cánh phụ nữ vẫn nói với nhau về tin thời sự mình nghe được đêm qua. Ông bà có nghe, có biết nhưng cứ thấy xa xôi bởi dễ gì dịch bệnh vượt qua được những ngọn đồi trùng điệp để đến miền quê heo hút này. Vậy mà khi nghe Sài Gòn bùng phát dịch bệnh, lòng ông bà như lửa đốt. Không lo sao được khi vợ chồng con trai và đứa cháu nội của ông bà đang ở trong đó.
Đêm đã khuya mà ông Tám không ngủ được. Ông ngồi dậy, quờ chân tìm đôi dép rồi ra hiên đốt thuốc. Đốm lửa lập lòe trong đêm. Đêm yên ắng, nghe rõ cả tiếng sương rơi lộp độp trên tàu lá chuối. Tiếng con chim quy kêu từng hồi như thầy chùa gõ mõ vào đêm thinh vắng càng khiến ông bất an. Cách đây mấy năm, ông ra ven đường đứng chờ xe đò cùng vợ chồng thằng Hai. Tụi nó cưới nhau mới mấy tháng, quyết định vào nam lập nghiệp. Nói là lập nghiệp cho sang chứ thật ra cũng chưa định hình được là sẽ làm gì để sống. Thấy ông buồn, Hai bảo rằng Sài Gòn thiếu gì việc, lại dễ làm ra tiền. Thành phố không như quê mình. Đâu đâu cũng chỉ thấy những ngọn đồi đầy đá thổ chu, cuốc cày quanh năm suốt tháng mà không đủ tiền lợp lại mái nhà sau bão. Khi chiếc xe đò rời đi để lại sau lưng bụi mịt mù ông thấy mắt mũi mình cay xè.
Mà ở xứ này, nhà nào chẳng có người trẻ ly hương. Quê ông, mỗi năm bão cứ quét qua quét lại như người ta cứ nhằm mãi chỗ đau mà cứa. Những đứa con nít đầu tóc cháy vàng hoe vì nắng cũng mong mình lớn thật nhanh để rời xa đồng ruộng. Thành thử, những ngôi nhà nằm lẻ loi bên sườn đồi vốn đã buồn ngày càng buồn hơn. Hằng ngày ông bà cũng chỉ quẩn quanh heo gà, với mấy đám ruộng nằm xiêu vẹo theo dáng hình của núi. Tối về nấu cơm ăn rồi đi ngủ sớm. Làng của ông bà chỉ thật sự hồi sinh khi tết đến. Đó là lúc những đứa con đi xa trở về.
Ông Tám nhẩm tính, vậy là đã năm năm thằng Hai vô Sài Gòn làm công nhân. Năm năm rồi vợ chồng nó chưa về nhà. Đợt con dâu ông sinh cháu nội, bà Tám có khăn gói vô Sài Gòn chăm cháu. Đợt đó ông bà chuẩn bị cho chuyến đi trước cả tháng. Nào mớ lá chè vằng cho con dâu uống sau sinh, mớ than củi, bột nghệ bà Tám tự làm. Sáng hôm đó lúc chờ xe đò ngoài đường, ông Tám còn tranh thủ chạy qua hàng xóm xin mớ lá trầu không để vô hơ cho cháu… Bà Tám về kể chuyện Sài Gòn mà ông buồn mấy tháng. Vợ chồng thằng Hai thuê trọ ở một khu toàn công nhân. Phòng trọ nhỏ lắm, tính ra chưa bằng cái nhà bếp của ông. Mấy bà con chui rúc, sinh hoạt trong căn phòng bé tí ấy. Buổi tối, đồ đạc dọn hết để trải chiếu ra ngủ. Thương thằng cháu nội mới sinh khó ngủ, đêm bế cháu mà đi mấy bước chân đã hết căn phòng. Ông tặc lưỡi, chả trách mấy năm rồi tụi nó chẳng về quê. Đồng lương công nhân thiếu trước hụt sau lại phải gánh gồng bao nhiêu chi phí. Ngày nào ông bà cũng điện vào, nghe thằng cháu bi bô mà thương thắt ruột. Tính ra từ hồi cháu sinh ông còn chưa gặp cháu.
Dịch bùng lên. Mấy tháng trước đã có từng tốp thanh niên trong xã đánh liều lái xe máy về quê. Lệnh giãn cách, xe tàu đều cấm nên chỉ còn cách đi xe máy. Chuyến đi từ Sài Gòn qua Bình Dương rồi vòng vèo qua những cung đường Tây Nguyên. Đợt đó thằng Hai gọi điện về cho ông, bảo đánh liều đưa vợ con về chứ chẳng biết dịch kéo dài tới bao giờ. Vợ chồng đã thất nghiệp gần tháng rồi. Chẳng biết ở không đến bao giờ, sợ không trụ nổi nữa. Nhưng ông bà cản, đi hơn ngàn cây số chứ chẳng phải lái xe vài tiếng đồng hồ. Rồi cu Bin còn nhỏ, chịu sao thấu. Thôi ở lại đi con, đợi bớt dịch rồi thong thả về.
Số ca nhiễm từ vài trăm lên một ngàn, rồi vài ngàn một ngày. Có nhiều người đã chết. Cái làng của ông đã không còn bình yên khi người thân của một người trong làng nhiễm covid và qua đời sau những ngày được điều trị tại bệnh viện dã chiến. Lòng ông bà như thể có ai đem ớt mà xát vào vậy. Có những ngày ông bà coi thời sự mà chẳng ai nói với ai câu nào. Cứ như thể nếu mình lỡ nhắc đến thì con vi rút đáng ghét đó sẽ tìm đường mà tới nhà, phá nát sự bình yên của các con bà. Mỗi lần coi tin thời sự xong bà lại bỏ cơm, có ráng lắm thì miếng cơm cũng trệu trạo trong miệng, đắng ngắt. Bà thèm được như bà Năm, bà Bảy trong làng. Mỗi ngày đều thấy mấy đứa cháu chạy loi choi chơi trong sân. Thấy đứa này khóc nhè mét chuyện bị đứa kia bắt nạt. Trong bữa cơm thèm được gắp miếng cá, miếng thịt nạc bỏ vào chén con, chén cháu… Ôi chao, sao sự mong ngóng của người già cứ bé nhỏ, tủn mủn đến vậy!
Gió đêm xào xạc, mùi ổi chín rụng tơi bời trong vườn. Cây ổi ruột đỏ mà thằng Hai leo trèo từ hồi nhỏ xíu đến bây giờ bà vẫn cố ý giữ lại. Năm mùa ổi rồi, quả chín cứ oằn cây mà nào có ai buồn hái. Vài lần ông Tám bảo chặt bà lại xua tay bảo để mai mốt thằng Hai về ăn. Ông thường bảo bà gàn dở khi biết vợ chồng con cháu ở xa mà cái gì cũng đòi để dành. Trái đu đủ chín vàng, mấy quả cam mọng nước, nải chuối thanh tiêu thơm lừng… Bà bảo, cứ để phần đấy, biết đâu tụi nó về bất ngờ thì sao? Vậy mà quả ngon để dành cứ khô héo hết mùa này đến mùa khác.
2. Sáng sớm, tiếng chuông điện thoại của ông reo. Bà Tám đang quét sân cũng bỏ chổi chạy vào nghe ngóng. Bỏ điện thoại xuống, ông cười:
- Chúng nó bảo khoảng tới trưa là chúng nó về tới đó bà. Mừng quá đi mất. À chúng còn bảo đã tiêm đủ mũi vắc xin nên không cần đi cách ly tập trung, chỉ cần cách ly ở nhà. Thằng Hai nó bảo về nhà nó ra vườn dựng lều ở để an toàn cho tôi với bà đấy.
- Ôi thật à. Bây giờ tôi với ông sửa soạn nhanh để còn đón tụi nó. Không khéo không kịp bây giờ…
Bà Tám quýnh quáng tay chân, bỏ luôn việc quét sân. Bà cắp cái giỏ đi chợ. Ra tới ngõ như sực nhớ ra điều gì bà đi ngược vào sân nói với ông Tám:
- Ông lo dọn sạch sẽ cái chái bếp nhé. Căng thêm tấm bạt cho chắc vì tôi nghe dự báo thời tiết vài ngày nữa có mưa đấy. Ông quét dọn xong rồi kê cái giường tre ra cho bọn nó nằm.
Bà lẩm nhẩm, coi còn điều gì dặn dò ông không:
- À, tôi đi mua thêm cái mền mới cho cháu nội đắp nữa. Ít sữa nữa chứ, suýt chút nữa quên.
Nói xong, chẳng đợi ông trả lời bà vội vã cắp giỏ ra chợ. Thỉnh thoảng bà mới đi chợ một lần. Bình thường, ông bà chỉ cần bắt nồi cơm, ra vườn ngắt một rổ rau vào luộc, nước rau vắt vào nửa quả chanh là đã qua bữa rồi. Nhưng nay con cháu về, bà nhất định phải nấu một nồi mỳ Quảng thiệt ngon đãi con. Bà tạt qua lò mua mỳ, không quên mua mấy lá mỳ còn nguyên. Bà vẫn còn nhớ con dâu bà thích nhất là xé mỳ lá chấm mắm ớt…
Về nhà bà bắt nước sôi, ra chuồng bắt con gà mái tơ. Mỳ Quảng mà nấu gà tơ thì còn gì bằng. Ông Tám lui cui quét dọn chái bếp. Một vài mạng nhện bám trên đầu tóc đã bạc quá nửa mà ông không buồn phủi. Thôi thì tha phương vài năm để hiểu vui buồn sướng khổ gì thì cũng chẳng nơi đâu bằng quê hương mình. Bà sẽ bàn với ông gây lại lứa gà cho thằng Hai nuôi, nới thêm cái chuồng heo để thả thêm vài con giống. Vườn nhà bà còn rộng, trồng thêm vài cây bưởi, cây xoài… Chẳng có ai mà không sống được trên mảnh đất quê hương.
Bà chặt gà, ướp thật nhiều tiêu, bột nghệ. Bà đổ dầu, khử nén, mùi thơm của nồi nước nhưn tỏa ra thơm lừng. Bà rút bớt củi, để lửa liu riu rồi ra vườn chặt một thân chuối non làm rau sống. Hồi vào Sài Gòn chăm cháu, thằng Hai bảo bao giờ về quê sẽ ăn một bữa mỳ Quảng với rau sống chuối cây cho đã thèm. Bà rơm rớm nước mắt mường tượng cảnh vợ chồng thằng Hai ngồi xì xụp tô mỳ. Thằng Hai gắp thật nhiều rau vào tô rồi tấm tắc khen bà xắt rau chuối mỏng ngon quá. Đứa cháu nội phồng má cắn cái đùi gà bà để dành. Tiếng cười cứ thế vang lên không dứt trong ngôi nhà đã lâu mong ngóng bữa sum vầy.