Sau hơn 10 năm tôi mới có dịp trở lại A Nông - một xã nằm sát biên giới Việt - Lào của huyện Tây Giang. Tôi hết sức ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất phên giậu Tổ quốc. Cuộc sống của người dân Cơ Tu đã khấm khá hẳn lên. Nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông Alăng Bao bảo với tôi: “Mùa này, trời nắng ráo, ít có mưa chiều. Nếu đôi chân còn dẻo dai như trước, lát nữa cơm nước xong, anh nên đi ngược đường Trường Sơn năm xưa, thăm địa đạo A Xoò và Miếu vong hồn. Cũng sắp đến ngày 27.7 rồi”. Tất nhiên, tôi đồng ý ngay. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm cũng vậy.
Miếu vong hồn A Nông. Ảnh: L.T.B |
Vùng đất này, tác giả thiên bút ký nổi tiếng “Đi dọc đường biên” từng “ăn dầm nằm dề” mấy chục năm nay, vì thế, ông trở thành “hướng dẫn viên” cho tôi. Trời trưa nắng lửa. Hai cán bộ xã A Nông dùng xe máy đèo tôi và nhà văn Nguyễn Bá Thâm ngược con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đá tai mèo lởm chởm. Hai chiếc xe máy cứ nhảy chồm chồm hệt như hai con ngựa bất kham. Đến lưng chừng dốc, hai cán bộ xã bỏ xe giữa đường, dẫn chúng tôi men theo lối mòn trong khu rừng nguyên sinh âm u để đến địa đạo A Xoò. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho biết, thực ra, đấy là kho cất giấu vũ khí thời chiến tranh. Bằng chứng là địa đạo A Xoò đào từ mái núi bên này xuyên qua mái núi bên kia với độ dài chừng 30m. Địa đạo đào hình chữ chi, cao gần 2m, rộng cỡ 1,5m, có 7 hầm ếch cả thảy. Địa đạo nằm cách đường Hồ Chí Minh độ hơn cây số.
Đi bộ và leo dốc đứng, “chân cứng đá mềm” như hai cán bộ xã A Nông cũng mệt bở hơi tai. Trong lúc ngồi nghỉ lấy sức, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho tôi hay, thời chiến tranh, đây là “túi bom”, máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Bởi khu vực Tây Giang nói chung, A Nông nói riêng, là “yết hầu” của đường Trường Sơn. Hồi đó, do bị địch phong tỏa, khi đến Quảng Trị, đường Trường Sơn phải vòng sang Lào tại khu vực Tà Ôi - Tum Lang, tới Kà Lùm rồi mới quặt về Tây Giang, qua A Zứt, xuống Nam Giang, sang Nam Trà My để đến Tây Nguyên. Không quân Mỹ phát hiện ra Tây Giang là “yết hầu” của đường Trường Sơn nên biến nơi đây thành “túi bom”. Ngoài các loại máy bay phản lực oanh tạc ngày đêm, máy bay B52 quần qua xát lại ném bom rải thảm triền miên. “Bộ đội ta và cán bộ, bà con dân bản chết trong những năm tháng ấy nhiều lắm!” - nhà văn Nguyễn Bá Thâm trầm giọng kể.
Trên đường về, chúng tôi vào Miếu vong hồn A Nông thắp hương tưởng niệm bộ đội, cán bộ và bà con dân bản đã mất vì chiến tranh. Cái tên Miếu vong hồn khiến tôi băn khoăn mãi. Khi về huyện, trò chuyện với anh Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tôi giãi bày tâm sự của mình. Anh Bh’riu Liếc bảo, thời chiến tranh, bộ đội, cán bộ và bà con dân bản chết nhiều nhưng không tìm được xác. Để tưởng nhớ những người đã khuất, các địa phương trong huyện đều lập miếu thờ. Có nơi gọi là Miếu cô hồn. Có nơi gọi là Miếu vong hồn. Lãnh đạo huyện cũng trăn trở vì chưa biết đặt tên như thế nào cho chuẩn xác. Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nên đặt tên là Đền thờ Mẫu Thượng ngàn - Đền thờ Mẹ Núi. Bởi bộ đội, cán bộ và bà con dân bản trong những năm tháng ấy đều được Mẹ Núi chở che. Khi họ về với đất vì bom đạn chiến tranh, Mẹ Núi cũng đã dang rộng vòng tay đón họ. Đặt tên như thế vừa trang nghiêm, lại vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Việc đặt tên như thế nào, tôi nghĩ, rồi đây lãnh đạo huyện Tây Giang sẽ bàn thảo quyết định. Điều quan trọng là những người đã ngã xuống trong thời kỳ chiến tranh ở vùng phên giậu Tổ quốc, dẫu thân xác tan vào cát bụi hư vô nhưng họ vẫn có một nơi chốn đi về, một nơi chốn để mọi người đến thắp hương tưởng nhớ vào dịp lễ tết, 27.7…
LÂM BÌNH THÁI