Nói chuyện với...trời

YÊN CHI - ĐĂNG NGỌC 20/05/2023 05:17

Hình như, có điều đó đã cởi trói cho những gót chân trần. Những bước chân không mệt mỏi với vũ điệu cồng chiêng, tiếng hú vang của ai đó cất lên trong đêm hội. Họ ở đó, rất gần, nhưng lại như không thuộc về mặt đất. Họ vui say, nhảy múa như đang sống một cuộc đời khác, nơi họ được là chính họ, nơi lũ làng có thể nói chuyện với... trời.

Bà Hồ Thị Ló (ngoài cùng bên trái) đã 71 tuổi, song vẫn cùng các thiếu nữ Bh’noong hòa mình vào ngày hội. Ảnh: C.N
Bà Hồ Thị Ló (ngoài cùng bên trái) đã 71 tuổi, song vẫn cùng các thiếu nữ Bh’noong hòa mình vào ngày hội. Ảnh: C.N

Chúng tôi đang sống cùng không gian Ngày hội văn hóa truyền thống người Bh’noong huyện Phước Sơn. Ở đó, du khách được chứng kiến câu chuyện cộng đồng và nghe văng vẳng bên tai thanh âm của núi vọng về. Những điệu múa trong hội làng cúng lúa trăm của chàng trai, cô gái Bh’noong gợi lên hình ảnh con dân của núi dâng lên thần linh lễ vật tinh thần, làm sống dậy nét đẹp văn hóa ngàn đời dưới chân núi Xuân Mãi. Bằng câu chuyện văn hóa lịch sử cộng đồng, người vùng cao mang đến cho du khách những điểm nhìn mới về sắc màu truyền thống, đầy lôi cuốn. Mỗi câu chuyện là một giá trị văn hóa riêng biệt, tạo nên không gian văn hóa đậm đặc như lời mời gọi từ phía non ngàn không thể chối từ.

Vũ điệu cồng chiêng

Hồ An Tuệ Băng có đôi mắt rất đẹp. Cô bé xúng xính trong bộ thổ cẩm, bước lên sân khấu với dáng vẻ ngại ngùng. Lần đầu tiên cô bé Bh’noong đứng trước đông người. Hôm ấy, cô bé vừa bước qua sinh nhật lần thứ 7 của mình đúng một ngày.

Tiếng cồng chiêng như có phép màu: cô bé bắt đầu trở nên tự tin hơn, những bước chân nhịp nhàng theo điệu múa. Bên cạnh em, là những bạn nhỏ cũng chỉ 5 - 6 tuổi, đều là người Bh’noong. Vũ điệu cồng chiêng của xã Phước Đức (Phước Sơn) được trình diễn ngay sau lễ khai mạc Ngày hội văn hóa Bh’noong, với sự tham gia rất đông người, trong đó có chị Hồ Thị Ngân, mẹ của Tuệ Băng.

“Có tất cả 6 điệu múa mà người con gái Bh’noong nào cũng phải biết. Biết, nhưng để múa đúng nhịp, đúng điệu, phải nhờ người già hướng dẫn. Mẹ con em và mọi người tập luyện suốt 2 tuần liền. Ngay cả cách mặc thổ cẩm, đeo chuỗi hạt cườm... cũng phải được bày, không dễ mà làm đúng ngay. Ở đây, tất cả đều là người Bh’noong - Giẻ Triêng, nhưng ở mỗi xã, mỗi vùng, cũng có những khác biệt nhất định. Do đó càng phải hỏi, càng phải tập” - chị Hồ Thị Ngân nói. Tuệ Băng đứng ngay bên cạnh mẹ, cô bé không còn ngại ngần người lạ nữa. “Ban đầu ai cũng hồi hộp, con bé cũng vậy. Nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là bình tĩnh trở lại. Mấy hôm trước tập luyện ở xã, chưa đến giờ, con bé đã liên tục giục mẹ dẫn đi” - chị Ngân xoa đầu cô con gái đang đứng đợi trình diễn trong nghi thức tiếp theo tại lễ hội.

Có rất nhiều nghi thức đã được dày công chuẩn bị để trình diễn tại ngày hội văn hóa truyền thống người Bh’noong huyện Phước Sơn năm 2023. Điểm chung dễ nhận thấy nhất, là múa cồng chiêng. Cồng chiêng xuất hiện trong mọi sự kiện, là tín hiệu của cuộc vui, có cả sự trịnh trọng lẫn sảng khoái mê say rất khó để đoán định. Già làng Hồ Văn Tộc nói, cồng chiêng của người Bh’noong gồm 3 loại hình khác nhau: bộ cồng chiêng 12 chiếc, bộ chiêng 6 chiếc, bộ chiêng 4 chiếc. Cả 3 loại cồng chiêng đều được sử dụng trong các nghi lễ, vừa là tín ngưỡng truyền thống, vừa là cách để nói chuyện với thần linh.

“Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng, lễ cúng làng, lễ đâm trâu... kết dính những thế hệ lại với nhau. Đằng sau chiếc cồng chiêng ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cho đến ngày nay, vào các ngày hội của buôn làng không thể thiếu cồng chiêng, không thể thiếu vũ điệu của đàn bà, đàn ông” - già Tộc nói.  Từ trẻ em cho đến người lớn tuổi hòa vào không gian rộn ràng, hoan ca... Thi thoảng, một người cất tiếng hú đầy hoang dã, lũ làng đáp lại, vang trời náo nức. Những người đàn ông hướng về bên phải, đối mặt với tâm vòng tròn, di chuyển ngược chiều kim đồng hồ như đi ngược về thời gian, lần tìm nguồn cội. Đàn bà thì nhịp nhàng những gót chân, như con nước miệt mài, đi qua bao ghềnh thác để xuôi về...

Chúng tôi như mê đắm với tiếng cồng, tiếng chiêng, với những gót chân thần thánh của thiếu nữ Bh’noong vai trần, những chiếc cổ đeo hạt cườm nhỏ nhắn. Một không gian của những nghệ sĩ làng, nơi vọng hồn thiêng, nơi lũ làng tìm cách nói chuyện với thần linh. Cồng chiêng như là thanh âm kỳ lạ của cuộc nói chuyện với trời ấy, mê đắm, bí ẩn, hoang dã, mạnh mẽ, lướt đi trong đêm tối bằng những say mê, thoảng men rượu cần mới “mở nắp” và ánh lửa bập bùng đêm hội...

Lửa làng

Rất lâu rồi bà Hồ Thị Ló mới rời khỏi ngôi nhà của mình ở xã Phước Đức. Những thiếu nữ bôi một chút phấn son, búi tóc cho người phụ nữ đã 71 tuổi. Bà thì sửa lại những chuỗi hạt cườm, chỉ cho chúng cách cài váy. Hai tuần trước khi huyện mở hội, bà ốm. Nhưng tiếng trống chiêng ở nhà làng như thôi thúc, vậy là đi. Những đêm hội đủ sức để bà quên hẳn cơn đau, quên luôn cả những nặng nề tuổi tác, quên đi khoảng cách thế hệ. Bà vẫn đứng vững trong hàng dài những người đàn bà, thiếu nữ Bh’noong ở xã, vẫn đều nhịp theo tiếng trống chiêng. Và vẫn là người múa đẹp nhất. “Bà vẫn đang còn ốm, chưa hết. Nhưng mấy đứa ni nó kéo đi miết. Cứ có hội, là rủ đi, kéo đi, cho bằng được” - bà Ló hét vào tai chúng tôi giữa tiếng chiêng trống đang náo nhiệt. Tay chân của cụ bà “vào nhịp” rất nhanh, lướt đi giữa vòng tròn quanh cây nêu vừa được dựng...

Không có quá nhiều du khách ở nơi xa đến với Phước Sơn, khi đây là lần đầu tiên địa phương này tổ chức một sự kiện văn hóa, một lễ hội quy mô, bài bản hơn những lần “Tết mùa” ở cấp độ giản đơn trước đó. Nhưng những háo hức của cư dân, sự hào hứng của rất đông đồng bào Bh’noong ở các xã vùng cao Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim... lẫn vùng thấp như Phước Hòa, Phước Xuân cho thấy hiệu ứng khá tích cực của ngày hội. Chúng tôi chú ý đến lời ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, rằng sự kiện này trước hết hướng về bà con, cộng đồng người Bh’noong trên địa bàn huyện, và phải là sân chơi chung cho chính người bản địa. Quảng bá, giới thiệu bản sắc, tất nhiên không nằm ngoài mục tiêu chung. Nhưng trước hết, đó phải là một không gian của chính người Bh’noong, nơi đời sống, tín ngưỡng, tâm linh được bảo tồn, nơi họ được trở về với những nghi thức, những lễ cúng, những quan niệm rất riêng, rất gần và rất thật của chính họ. Đơn giản, cuộc chơi này, đêm hội này dành cho họ, tất cả đồng bào, anh em người Bh’noong với sắc màu văn hóa của chính dân tộc mình.

Lửa cháy đỏ rực giữa đêm hội. Mắt người cũng có lửa. Lửa của niềm yêu, của những rộn ràng réo gọi, của cả niềm tự hào bừng thức trong sâu thẳm những người con trai, con gái Bh’noong. Suốt một ngày dài, chúng tôi đã ở đó, dự phần vào từng nghi lễ, nhìn trai gái Bh’noong uống rượu cần, ca hát và nhảy múa. Đêm xuống, lửa nổi lên, cuộc vui càng khí thế. Hình như, trong đêm tối, họ dễ dàng nói chuyện với thần linh, với trời. Họ bước vào một đời sống khác của hoan ca, của đắm say, của những ngất ngây men rượu. Không khoảng cách vùng cao, vùng thấp. Không khoảng cách địa vị sang hèn. Không khoảng cách về trang phục, về sắc tộc... Lũ làng kéo từng người vào nhảy múa quanh đống lửa.

Chứng kiến những nghi thức lạ kỳ để cúng thần linh, chúng tôi đã cùng xòe tay hứng lấy bông tre rơi lả tả xuống từ cây nêu bông vừa được dựng: chỉ dấu của sự khỏe mạnh, niềm vui, hạnh phúc cho cả làng. Chúng tôi cũng đã được nếm vị ngọt rất sâu của rượu cần mới “mở nắp”, chếnh choáng với thứ men ngây ngất của đồng bào. Và giờ là thời khắc của hoan ca. Những bước chân như không còn chạm đất. Không ai trói buộc được những tâm hồn Bh’noong trong đêm hội, khi lửa đã bùng lên nữa. Men rượu khiến đất nghiêng, trời nghiêng, cồng chiêng vang và những tiếng hò reo khiến núi rừng như đang cùng hòa ca. Khoảnh khắc thanh âm, ánh sáng và cả con người cùng giao hòa, bên ánh lửa.

Lũ làng như đang được nói chuyện, với trời!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nói chuyện với...trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO