"Nói có sách, mách có chứng"

HOÀNG DIỄM (ghi) 21/06/2017 09:28

Đề cập đến vấn đề phản biện xã hội và phản biện trên báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường nói: Thuật ngữ “phản biện xã hội” được sử dụng chính thức trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó, phản biện xã hội là “phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan”.

Ông Phan Việt Cường kiểm tra công tác giảm nghèo ở Nông Sơn. Ảnh: VINH ANH
Ông Phan Việt Cường kiểm tra công tác giảm nghèo ở Nông Sơn. Ảnh: VINH ANH

Trong suốt chiều dài lịch sử đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc, Báo chí Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò là một lực lượng quan trọng, góp phần đắc lực cho mỗi bước thành công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu của thực tiễn đã đòi hỏi Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Tại Đại hội Đảng XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu cả hệ thống thông tin đại chúng nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội.  Nghị quyết Đại hội, có đoạn nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”

Dù đã đảm nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội và tại Điều 4 Luật Báo chí cũng đã nhắc đến điều này, nhưng không thành điều luật cụ thể. Với tư cách là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất để thể chế hóa nhiệm vụ này bằng luật, có như vậy mới phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của báo chí.  

Việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tôi nghĩ rằng trước hết  là ở việc cung cấp thông tin chân thực, khách quan theo cả hai chiều, từ chủ thể quản lý đến khách thể quản lý và ngược lại. Hoạt động quản lý có hiệu quả hay không, phụ thuộc nhiều vào tính chất, số lượng và chất lượng thông tin hai chiều liên tục này. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cần phải tuân thủ một hệ thống các nguyên tắc là cơ sở phương pháp luận cho hoạt động báo chí, là chuẩn mực nghề nghiệp và cũng là nền tảng cho việc sáng tạo tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là tính chân thật, khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu. Như vậy, giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động không thể tiến hành một cách giản đơn, ngẫu hứng hoặc chủ quan, duy ý chí.

Giám sát, phản biện xã hội đòi hỏi phải có mục đích rõ ràng, đúng đắn; đòi hỏi trình độ, năng lực trí tuệ và trình độ, năng lực tổ chức; đòi hỏi phải có phương pháp khoa học và phù hợp với thực tiễn. Những yêu cầu đó phải được bảo đảm bằng một cơ chế thích hợp để hoạt động giám sát, phản biện xã hội phát huy tốt vai trò tích cực của nó. Và tôi nghĩ rằng, sẽ phải có cơ chế thích hợp cho nhà báo.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bằng cách này hay cách khác, hoạt động phản biện luôn chứa đựng khả năng tạo ra một trường tương tác xã hội giữa 3 nhóm cộng đồng, đó là: cộng đồng trí thức, cộng đồng truyền thông và cộng đồng xã hội. Không nên so sánh sự nhanh – chậm giữa báo chí chính thống với mạng xã hội. Vì không thể nói chậm hay nhanh trên bình diện tổng thể được mà chỉ có thể nói chậm hay nhanh trong từng sự việc cụ thể khi tính chính xác của vấn đề đã được kiểm chứng.

Tôi lấy ví dụ, có nhiều thông tin hoàn toàn bịa đặt, các đối tượng lấy câu chuyện liên quan đến đền bù giải tỏa từ năm 2012 rồi tung lên mạng mà không nêu thời gian, địa điểm cụ thể; trong khi vấn đề vùng đông của Quảng Nam đang “nóng”. Như vậy, thông tin sai lệch này chỉ nhằm kích động người dân, gây dư luận không tốt đến việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của tỉnh và tất nhiên, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành của chính quyền.    

Việc người ta tung thông tin lên mạng để tạo dư luận nhằm mục đích xấu thì báo chí chính thống phải thật bình tĩnh, xem xét, kiểm chứng, thu thập thật đầy đủ tư liệu, chứng cứ, chứng lý, cụ thể, trung thực, sau đó mới chính thức công bố thông tin. Tôi cho việc này Báo Quảng Nam thời gian qua làm khá tốt. Theo tôi, các báo cần hết sức cân nhắc đến việc tham gia giám sát, phản biện và hoạch định chính sách phải trên quan điểm và tinh thần ấy.

Nhân đây tôi cũng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Người cho rằng, báo chí muốn thuyết phục được công chúng thì phải mang tính chân thực cao, cán bộ báo chí “viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? kết quả thế nào?”... “Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô? ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? ngày, tháng nào?… chớ viết lung tung”.

HOÀNG DIỄM (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nói có sách, mách có chứng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO