(QNO) - Người Quảng khi hành phương nam, hành trang mang theo không chỉ vài thứ vật dụng thiết thân mà như chở đầy những thứ thuộc về quê hương. Chúng ta hay nói một cách… hàn lâm rằng đó là ẩm thực, là văn hóa, là nghệ thuật. Hơn một triệu rưỡi người Quảng trên đất Sài Thành, có lẽ nên có một cái nghiên cứu khoa học về "dòng chảy" này chăng?
Người Quảng khi hành phương nam, hành trang mang theo không chỉ vài thứ vật dụng thiết thân mà như chở đầy những thứ thuộc về quê hương. Chúng ta hay nói một cách… hàn lâm rằng đó là ẩm thực, là văn hóa, là nghệ thuật. Hơn một triệu rưỡi người Quảng trên đất Sài Thành, có lẽ nên có một cái nghiên cứu khoa học về "dòng chảy" này chăng?
Nhớ những ngày đầu
Bữa ấy trời chớm tối, giữa phố biển Đà Nẵng, tôi ngồi với ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam tại TP.HCM, lần giở những kỷ niệm về những ngày đầu tiên chuẩn bị sự kiện này.
“Bà con mình trong này nhiều lắm, vô sinh sống, học tập, làm việc... nên anh em mới hành thành ý tưởng kết nối bà con bằng văn hóa, bằng ẩm thực và bằng những sản phẩm của người Quảng mình tại đô thị sôi động nhất phương Nam. Có sự kiện rồi thì mình mới có thể cùng nhau gìn giữ, lan tỏa và phát huy các giá trị ấy được” - bên chén trà, ông Tuấn kể về hồi manh nha ý tưởng tổ chức những ngày văn hóa đồng hương.
Đó là năm 2013, nhìn hàng trăm ngàn bà con mình tề tựu về Đầm Sen, bao nhiêu mệt nhọc trong công tác chuẩn bị nhanh chóng tan biến. Ông Tuấn bảo, xúc động nhất là rất nhiều bà con đang sống ở các tỉnh phía Nam biết tin, tìm đến với nhau. Sự kiện chỉ diễn ra vài ngày, nhưng mất 4-5 tháng để chuẩn bị.
Đón mấy nghìn người là đồng hương của mình nên sự kiện phải có nhiều hoạt động, để mỗi người tìm về đều thấy có mình trong đó. “Chứ để bà con thấy lạc lõng là mình thất bại rồi...” - ông Tuấn bày tỏ. Ông không dám chắc mình sẽ tham gia lần này đến đoạn nào vì lí do sức khỏe song vẫn quan tâm như thuở ông xắn tay áo vào cuộc của lần đầu.
Những ngày ấy, giữa chốn Sài thành náo nhiệt, bà con dễ dàng tìm thấy những thức quê đượm vị cố hương, dễ tìm thấy những thanh âm quê nhà, qua từ âm trầm khúc bổng của bài chòi hay chỉ đơn giản là được gặp những dáng hình quê hương.
Những hăm hở sẽ chóng tàn phai nếu không có nhiệt huyết níu giữ. “Nên mình mới có thêm mục vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, và cả các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho HĐH, cho quê nhà” - ông Tuấn cho biết thêm.
Nhớ những ngày đất nước lao đao trong đại dịch covid, từ những lon gạo, cọng rau quê nhà gửi vào, đến những chuyến xe đưa đồng hương về quê nhà tránh dịch, nghĩa tình đồng hương được lan tỏa nhiều hơn, sự gắn kết những trái tim xa quê được mở rộng nhiều hơn. “Tôi luôn tin rằng trước đó mọi người có biết đến, có nghe về hội đồng hương. Song có lẽ vì nhiều lí do khác nhau, mà họ chưa quan tâm nhiều, chưa tìm đến nhau... Những nghĩa cử trong cơn đại dịch có lẽ là chất xúc tác đã mang bà con mình đến gần nhau hơn” - ông Tuấn tâm tình.
Sau dịch mọi thứ chùn xuống, khiến ai cũng gánh nhiều mối lo. “Nhưng mà đâu có ngờ rằng, giữa lúc mình mang nhiều lắng lo, thì lại nhận được sự quan tâm của bà con khá nhiều” - ông Hồ Tấn Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM lần 3 tâm sự.
Tất cả vì tình đồng hương
Càng đến sát ngày hội, ông Thanh càng tất bật hơn. Ngồi với nhau một tiếng đồng hồ ở Đầm Sen, điện thoại của ông đổ chuông liên hồi. Anh em thi công gọi để xin phép công viên đưa đồ vào làm, anh em bên Sở Công thương coi lại cái gian tổ chức hội thảo Sâm Ngọc Linh, có em hỏi lại danh sách thư mời, nghệ sĩ… cái list công việc như kéo dài không có điểm dừng.
Tôi theo ông vào xem các anh em chuẩn bị, ai cũng “quở” gã trung niên quê Duy Xuyên này gầy đi nhanh chóng. Ông Thanh hài hước: “Mai mốt vợ tẩm bổ sau”! Ông bảo may mắn là anh em ở tỉnh, ở các sở hỗ trợ nhiều, nên mọi thứ đều vào guồng như kế hoạch. Nhưng gốc rễ nhất đi đến sự quy cũ này là hội đồng hương tỉnh tổ đã chức được “bộ máy” hội đồng hương các cấp, từ huyện đến thôn. Gắn kết khá tốt. Từ sự gắn kết liên tục ấy mà mỗi khi hội đồng hương tỉnh muốn tổ chức sự kiện hay triển khai chương trình gì thì việc phổ biến để đi đến thống nhất được diễn ra khá nhanh, bàn việc nào ra việc ấy.
“Mình có kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ thành đạt để giúp đỡ bà con đồng hương xa quê và cả quê nhà” - ông Thanh nói. Tôi ước tính có đến 80% đóng góp được gói gém mang về quê hương, 20% còn lại để giúp đỡ bà con xa quê đang gặp khó khăn.
Sự giúp đỡ này để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Cách mà ban chấp hành tìm đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ thật đáng quý, quý trong tư duy, là trao tặng sinh kế chứ không phải cho đi những khoản tiền kêu gọi được, tất nhiên trừ một số tình huống cấp bách.
“Lần này phải mất tầm 8 tháng để chuẩn bị” - ông Thanh cho biết. "Vì sau dịch, mọi thứ còn ngổn ngang và nhiều khó khăn quá. Ban đầu anh em cũng tâm tư vì nhiều nỗi, nhưng không thể thấy khó mà không làm. Bắt tay vào mới thấy bà con mình vẫn luôn dành tình cảm cho nhau".
Có thể đó là lí do vì sao cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của người Quảng trong này hợp tác chặt chẽ và xây dựng được lắm thương hiệu thành công, rồi cùng nhau mang thành công ấy giúp đỡ những người sau. Và tôi tin rằng, đó là một trong những lí do mà vì sao những người nắm trọng trách trong ban chấp hành hội đồng hương đã dành nhiều thời gian, công sức để tổ chức sự kiện những ngày văn hóa đồng hương này.
Chỉ mấy ngày vui nhưng nó như là tất thảy dành dụm của người Quảng dành cho người Quảng. Như họ nói, nhìn những khuôn mặt đồng hương tìm về với nhau là bao lắng lo tan biến, bao mệt nhọc vơi đi. Điều còn lại là dáng hình quê hương, là yêu thương đong đầy, gần gụi...