Nỗi đau của gia đình ngư dân câu mực khơi mất tích

Nguyên Đoan - Đoàn Đạo 14/05/2013 08:50

(QNO)- Chưa đầy một tháng, thôn Đông An (xã Tam Giang, Núi Thành) phải chứng kiến 2 đám tang của 2 ngư dân bị mất tích trong lúc đi câu mực khơi. Chồng, cha của nhiều phụ nữ, trẻ con làng biển đã từ bỏ lại nơi bến bờ những đứa trẻ mồ côi, những người đàn bà góa phụ…

Cái nắng hầm hập của tháng 4 khiến con đường cát dẫn vào nhà ngư dân Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) thêm hun hút. Mấy ngày này, xóm nhỏ ở thôn Đông An nhuộm màu tang tóc khi  tin ông Tuấn mất tích lúc đi câu mực khơi.

Hàng xóm bàng hoàng, người nhà khóc ngất. Bà Ngô Thị Lai vợ ông Tuấn không chịu nổi cơn đau xé ruột cứ thẫn thờ mãi ngoài bãi phi lao với đứa con út của mình. “Vì mưu sinh vợ chồng phải chia lìa mỗi người một nơi, ảnh (ông Tuấn) đi biển còn tôi vào giữ trẻ trong TP.Hồ Chí Minh. Ai biết ảnh đi bất ngờ thế này đâu, trước lần ra biển này ảnh nói ảnh đi chuyến cuối rồi không đi nữa vì tuổi cao sức yếu rồi”. - bà Lai thều thào nói, đôi mắt nhìn thất thần, xa xăm, tay ôm chặt đứa con út vào lòng như sự níu với cuối cùng cho cuộc sống này…

Bà Ngô Thị Lai trở nên thẫn thờ khi chồng mình bị mất tích đột ngột khi đi câu mực khơi.
Bà Ngô Thị Lai trở nên thẫn thờ khi chồng mình bị mất tích đột ngột khi đi câu mực khơi.

Đêm ngày 13.4, ngư dân Nguyễn Ngọc Tuấn được tàu Qna 91379 thả thúng xuống câu mực ở tọa độ 17oB – 112,33oĐ. Một tàu chở hàng trọng tải lớn đi qua chỗ ông Tuấn, rồi những người bạn câu chẳng thấy đèn tín hiệu trên thúng của ông Tuấn. Chủ tàu QNa 91379 Lê Văn Thúy vội vã cho tàu đếm tìm kiếm, đồng thời báo tin về đất liền. Sau 4 ngày tìm kiếm, chủ tàu Thúy và các ngư dân khác cũng chỉ tìm thấy một chiếc thúng bị úp, hết hi vọng tàu lặng lẽ quay về đất liền…

Đứa con trai Nguyễn Văn Tỉnh (15 tuổi) của ông Tuấn chỉ biết âm thầm đi xách nước về cùng các bác, các cô lo lễ tang cho cha mình. Tỉnh là con vợ đời trước của ông Tuấn, mẹ Tỉnh mất lúc Tỉnh tròn 3 tháng tuổi vì bị ung thư vú. Nỗi đau ấy Tỉnh đang gặm nhấm từng ngày chưa dứt thì người cha đột ngột ra đi càng khiến em thêm lầm lũi. Hai lần mồ côi trong đời nên em chỉ nói với chúng tôi trong ánh mắt buồn bã: “Con mất hết ba mẹ rồi, giờ con sẽ ở nhà một mình vừa đi học vừa lo hương khói cho ba mẹ”. Còn tiền đâu để ăn, để học thì em lắc đầu trong sự non dại của đứa trẻ vị thành niên thay cho câu trả lời. Tỉnh dường như ý thức được việc mẹ kế của mình cũng nghèo phải đi làm xa, phải nuôi đứa em út cùng cha khác mẹ của mình nữa nên sẽ chẳng thể chăm sóc em tốt nhất. Với riêng bà Lai, nỗi đau mất chồng còn trước mặt thì bà đã lo sợ khi nghĩ về tương lai: “Một đứa con riêng, một đứa con chung anh Tuấn để lại làm tôi khó xử nhất. Trước khi ảnh mất, tôi làm xa thì đứa con chung tôi gửi bà con mình chăm giúp, còn cu Tỉnh thì lớn hơn nên ở nhà tự lo để ảnh đi biển, tôi đi TP.Hồ Chí Minh làm. Giờ ảnh mất rồi nếu tôi đi làm xa lại thì sợ người ta bảo tôi bỏ rơi con cái, không chịu lo hương khói cho chồng mà ở nhà thì lấy gì mà ăn! Chồng tôi là trụ cột kinh tế gia đình giờ ảnh mất rồi không biết tôi lo cho các con có trọn vẹn không khi mỗi ngày tôi kiếm chưa được 100 ngàn đồng”.

Ở tuổi 38 chị Trần Thị Chút đã trở thành góa phụ, sống trong cảnh nợ nần.
Ở tuổi 38 chị Trần Thị Chút đã trở thành góa phụ, sống trong cảnh nợ nần.

Cách nhà ông Tuấn chưa đầy 500 mét, bàn thờ ngư dân Lương Văn Ngọc vẫn còn nghi ngút hương khói. Nhìn căn nhà trống hoác, ai cũng ái ngại khi nghĩ đến cảnh 3 mẹ con chị Chút sẽ lấy gì để sống những ngày tiếp theo. Ngày 1.4, ngư dân Ngọc cũng đã bị mất tích khi đang theo tàu câu mực giữa biển. Chị Trần Thị Chút (vợ anh Ngọc) kể lại trong nước mắt: “Nghe mấy anh em kể lại thì lúc chồng tôi đang xẻ mực để phơi thì bị choáng, xây xẩm mặt mày và té xuống biển mất tích”.

Dáng người nhỏ thó, gầy gò chị Chút nhớ lại: “Năm 1997, hai vợ chồng lấy nhau, xin ba mẹ chồng được miếng đất nhỏ dựng căn nhà để có chỗ ra vô. Vợ chồng vay tiền mua chiếc tàu đi biển nhưng khi ra khơi bị sóng đánh chìm. Còn nợ nần nên năm 2005 vợ chồng tôi bàn tính vay ngân hàng, vay cha mẹ, bà con, hàng xóm đóng chiếc tàu mới, nhưng làm ăn mấy năm thua lỗ nên phải bán tàu trả bớt tiền nợ. Không có tàu nên chồng tôi đi bạn cho tàu của ông anh, ai ngờ ảnh lại đi đột ngột vậy”. Quệt những vệt nước mắt lăn dài trên má, chị Chút nói chẳng biết xoay sở thế nào để trả nợ và nuôi con khi tiền công nhật của một công nhân may như chị khoảng 75 ngàn đồng/ngày: “Hai vợ chồng còn nợ khoảng 100 triệu đồng chưa trả được, chỉ sợ người ta đến xiết nợ căn nhà thì mẹ con tôi chẳng biết nương náu chỗ nào. Còn hai đứa nhỏ nữa, chúng ngoan và học giỏi nên chỉ lo mình làm không đủ tiền ăn học cho chúng thì tội nghiệp”.

Nghề câu mực khơi đã giúp nhiều ngư dân đổi đời, nhưng nghề này cũng lấy đi mạng sống của không ít ngư dân. Vì cảnh nghèo còn vây quấn lấy mình, những ngư dân như Nguyễn Ngọc Tuấn, Lương Văn Ngọc đã cố quên những nguy hiểm rình rập.

Nguyên Đoan - Đoàn Đạo

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi đau của gia đình ngư dân câu mực khơi mất tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO