Tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ mang lại nỗi đau tột cùng cho gia đình nạn nhân tử vong hoặc người bị tàn tật, mà còn để lại gánh nặng đối với cộng đồng xã hội.
Ông Lê Văn Sinh (người cầm cuốn sổ) và đoàn công tác thăm gia đình nạn nhân TNGT tại xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị). Ảnh: C.T |
Thảm họa
Thống kê 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 165 vụ TNGT dẫn đến cái chết của 142 nhân mạng và làm cho 101 người khác tàn tật suốt đời. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tuy giảm 1 và giảm 23 người bị thương nhưng lại tăng 21 người chết. Chắc hẳn, nhiều người dân ở thị xã Điện Bàn chưa thôi ám ảnh do tận mắt chứng kiến vụ TNGT kinh hoàng xảy ra lúc rạng sáng 30.7 vừa qua trên tuyến tránh Vĩnh Điện, gây nên cái chết thương tâm của 13 người và làm 4 người bị thương rất nặng. Ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), quê hương của 12 nạn nhân tử vong (tài xế xe khách tử vong quê Thừa Thiên Huế), không khí tang thương bao trùm cả một vùng. Ngày đại hỷ của chú rể Nguyễn Khắc Long trở thành ngày đại tang...
Không biết bao nhiêu lần, chị Nguyễn Thị Dần trú xã Duy Châu (Duy Xuyên) lặng người trước bàn thờ nghi ngút khói hương, nơi đặt di ảnh người chồng xấu số và bên cạnh là người con trai út. Chồng chị, anh Lương Văn Lâm cùng đứa con vừa tròn 18 tuổi, em Lương Việt Hoàng không may bị tử vong do TNGT khoảng cuối tháng 10 vừa qua. Vừa lo bài trí lại bàn thờ, khóe mắt chị Nguyễn Thị Dần đỏ hoe và bất thình lình những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt héo hon. Hơn 3 tháng nay, ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở thôn Phú Qúy, xã Đại Hiệp (Đại Lộc) chỉ còn ba con người trong gia đình là chị Trần Thị Bảy, người chồng tật nguyền và đứa con gái út. Nhiều năm qua, chị Bảy vất vả lo toan cho cuộc sống và quyết tâm nuôi hai đứa con ăn học. Nhưng vào một buổi chiều đầu tháng 7 vừa qua, con gái đầu Bùi Thị Ngọc Hà trên đường đi học về không may bị xe tải va quẹt dẫn đến chấn thương sọ não và trút hơi thở cuối cùng ngay sau đó.
Nỗi đau không chỉ riêng ai
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, TNGT là nguy cơ dẫn đến đói nghèo, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế. Con số 243 người bị tử vong và chấn thương nặng do TNGT trong 9 tháng qua, đồng nghĩa với việc có hàng trăm gia đình đang chịu ảnh hưởng nặng nề cả trước mắt và lâu dài. Đằng sau những câu chuyện đau lòng ấy là tương lai bất định của biết bao nhiêu số phận. Không bàn nỗi đau tinh thần, gia đình bỗng chốc mất đi 2 trụ cột, chị Nguyễn Thị Dần sẽ xoay xở sao đây trong tương lai trước mắt và về sau. Bà Nguyễn Thị Nên, trú thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) phải làm gì để nuôi 4 đứa cháu nội, khi người cha của chúng vĩnh viễn ra đi vì TNGT. “Tóc bạc khóc tóc xanh”, mẹ già mất con, vợ mất chồng, chồng mất vợ, con vắng hẳn bóng cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, trai tráng nằm một chỗ cần có người chăm sóc… là thảm cảnh mà TNGT để lại. Xã hội phải căng mình giải quyết hậu quả.
TNGT vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong đời sống hàng ngày của toàn xã hội. Thảm họa TNGT không trừ một ai, nếu bản thân mỗi người không tự bảo vệ mình. Theo thống kê, phần lớn các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh là do lỗi đi sai làn đường, phần đường; chuyển hướng, vượt xe sai quy định.... Cạnh đó, người tham gia giao thông không nhường đường, vi phạm tốc độ và do người đi bộ cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những nguyên nhân nêu trên cho thấy, tai nạn xảy ra chủ yểu một bộ phận người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm pháp luật. Giám đốc Sở GT-VT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh khuyến cáo: “Chúng ta đừng dửng dưng, xem thường mạng sống của người khác. Vấn nạn TNGT chỉ thật sự được kéo giảm bền vững một khi mỗi người ý thức được hành động của mình. Bởi vì, thảm họa TNGT là nỗi đau không chỉ riêng ai”.
CÔNG TÚ