Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (tiếp theo kỳ trước)

Bút ký của THANH QUẾ 16/05/2013 08:06

Đến với Nam Trà My tôi hết sức vui mừng vì có một hệ thống trường học phát triển. Những năm chiến tranh, ở đây không có trường. Những năm đầu sau giải phóng ta cũng chưa mở được trường. Đến năm 1978, Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng có chủ trương đưa những anh chị em trẻ vừa tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp sư phạm lên Nam Trà My.

  • Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn

Ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhớ lại: Ngày ấy tôi còn rất trẻ. Vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Đà Nẵng, Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng có đợt phát động anh chị em lên vùng cao Trà My, Hiên, Giằng dạy học. Tôi xung phong lên Trà My. Thuở ấy chưa có trường, chúng tôi sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số, cùng ăn, cùng ở để vận động bà con cho con em đi học. Những ngày ấy khổ lắm. Có khi lương thực dưới xuôi lên không kịp, nhất là mùa mưa bão, chúng tôi được đồng bào cho sắn bắp để ăn với rau rừng như các anh hồi kháng chiến. Thương nhất là các cô giáo. Vốn là những học sinh, sinh viên ở dưới xuôi lên, các cô lạ lẫm với phong cảnh, phong tục, khí hậu, lại chịu khổ về vật chất nên hay đau ốm. Khổ nhất là nỗi nhớ nhà, phần nhiều các cô chưa chồng thì nhớ cha mẹ, anh em; các cô có chồng có con như cô Trinh (giờ dạy ở trường Phổ thông Trung học nội trú huyện) thì khổ cách khác, chồng dạy tận Ngọc Linh, con gửi mẹ nuôi ở xuôi, nên mỗi tháng, hễ về thăm con thì lại không gặp chồng, đi gặp chồng lại không được thăm con, ở giữa hai đầu nỗi nhớ như vậy. Nhiều khi tôi bắt gặp các cô ra suối khóc thầm...

Giờ trở lại Nam Trà My, tôi đến các xã, xã nào cũng có trường trung tâm xây tường gạch, đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng và chất lượng. Điểm trường nhánh ở các làng cũng được chăm lo về cơ sở vật chất. Toàn huyện đã phát triển đều các cấp học, bậc học và dần xóa bỏ các trường tạm ở thôn nóc. Hiện nay, toàn huyện có 24 đơn vị trường học chính (chưa kể những điểm trường ở các thôn nóc xa xôi) với hơn 8 nghìn học sinh. Ngành học mầm non được mở rộng xuống tất cả các thôn (lúc lập huyện năm 2003 chưa có trường nào). Tỷ lệ học sinh ra lớp tăng bình quân hàng năm, số học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm. Có 10/10 xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Đáng mừng là việc nhận thức về xã hội hóa giáo dục trong nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhân dân đã hưởng ứng tích cực các chủ trương đề ra cho công tác này, hỗ trợ hàng trăm tấn lương thực, hàng nghìn ngày công để làm phòng học, nhà ở cho giáo viên và học sinh, vận chuyển sách giáo khoa, đồ dùng học tập từ dưới xuôi về các thôn nóc.
Chúng tôi được anh Lê Ngọc Kích đưa đến thăm trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Trà Tập. Trường nằm trên một quả đồi thấp thuộc thôn 1. Đây là một ngôi nhà xây 2 tầng, mái lợp tôn giả ngói. Ở phía sau trường có một ngôi nhà xây được chia ra nhiều phòng, trong mỗi phòng có một dãy lán gỗ để học sinh nằm nghỉ... Đây là chỗ ở của các em. Gọi là bán trú nhưng hằng tuần các em ở suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy, Chủ nhật mới về nhà. Nếu em nào ở lại thì báo cơm với nhà bếp. Nhà bếp là ngôi nhà trệt, tường gạch, lợp tôn nằm bên cạnh nhà ở học sinh. Hôm nay các em được ăn cơm với rau dớn xào và cá kho ở miền xuôi đưa lên. Tôi hỏi anh Nguyễn Đức Yên - Hiệu trưởng, một người cao gầy, khoảng hơn 40 tuổi, lên vùng này từ năm 1995: “Tiêu chuẩn ăn của các em thế nào, anh?”. “Các em được hưởng 40% mức lương cơ sở tức 420 nghìn đồng/tháng. Như vậy ăn uống đâu có đủ, chúng tôi tổ chức nuôi gà sau nhà bếp kia, vườn rau bên trái trường để cung cấp thêm thực phẩm cho các em”. “Các em như thế nào được hưởng chế độ bán trú?”. “Trường bán trú dành cho các em có nhà xa trường từ 7km trở lên. Nói thật chứ ở miền núi mà không có trường nội trú, bán trú hay tổ chức thêm các điểm trường ở thôn nóc thì các em sẽ bỏ học. Anh nghĩ, các em ở tít du di trên núi, mùa nắng đi học đã cực, mùa mưa lũ suối chảy ầm ầm cha mẹ nào dám cho con đi học xa”. “Hiện nay ở đây có bao nhiêu em bán trú?”. “Có 126/168 em”. “Thế các em khác?”. “Các em bỏ học vì nhiều lẽ, có em vì nhà xa trường quá, có em phải ở nhà giúp cha mẹ đau yếu… Tụi tui đang đau đầu đây, đang tổ chức đến từng nhà các em vận động đi học lại”.

Đến Nam Trà My, tôi được nghe một câu chuyện rất thú vị có liên quan tới trường THCS và Tiểu học thôn 5 Trà Nam. Trà Nam là xã nằm ở sườn đông ngọn Ngọc Linh, đầu nguồn sông Thu Bồn, vốn là một đầu mối trên đường dây nối từ đường Hồ Chí Minh đi qua bắc Kon Tum, qua Trà Nam đi tây bắc Quảng Ngãi. Đây là vùng hậu cần của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong chống Mỹ. Tại đây có các kho chứa vũ khí, đạn dược, thóc gạo từ miền Bắc chuyển vào để cung cấp cho khu và các tỉnh. Đây cũng là khu sản xuất của 2 cơ quan lãnh đạo trên, có cả trại an dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ đau yếu. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào Trà Nam đã đứng lên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phá âm mưu xây dựng gum tề của địch. Từ năm 1954, để tránh sự đàn áp của địch, nhiều cán bộ nhảy núi, thực hiện cà răng căng tai sống với đồng bào dân tộc ở đây để hoạt động cách mạng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, các cơ quan của ta về xuôi, nơi đây lại là vùng núi cao, chưa có đường nên cách biệt với mọi nơi. Muốn đến đây phải đi theo đường giao liên cũ đã lu lấp bởi cây rừng lau lách, phải vừa đi vừa phát. Sau ngày tái lập huyện (năm 2003), ở đây có con đường rải đá nhưng đi lại còn khó khăn. Ở đây cũng có một ngôi trường làm bằng tranh tre nứa lá cho các em học sinh tiểu học. Vào ngày 15.2.2012, có một chiếc trực thăng từ phía đông bay đến đây, quần qua quần lại mấy vòng rồi hạ cánh trên một quả đồi tranh tương đối bằng ở thôn 5 Trà Nam. Từ trong máy bay bước ra có ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Đã được báo trước, ông Nguyễn Thanh Tòng - Phó Bí thư Huyện ủy và ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chờ đón. Sau khi chào hỏi, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Vùng này là vùng căn cứ của cách mạng lại là vùng nghèo khổ nhất Quảng Nam. Hôm nay, chúng tôi đến đây muốn góp phần nhỏ để đền ơn đáp nghĩa, muốn ở đây có một ngôi trường khang trang, có chỗ ở cho giáo viên và học sinh. Các đồng chí thấy phải tốn bao nhiêu? Năm tỷ được không?”. Sau khi trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tòng, ông Lê Ngọc Kích nói: “Chúng tôi thấy cần 7 tỷ mới đủ”. Ông Nguyễn Bá Thanh cười, nói: “Thôi tặng các ông luôn 10 tỷ”.

(Còn nữa)

Bút ký của THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO