52 năm sau thảm họa da cam Việt Nam, chiến tranh lùi xa cũng đã gần 40 năm, 10 năm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) Việt Nam được thành lập… Những con số đó không thể đong đếm hết mất mát, đau thương do CĐDC gây ra, chỉ có lòng nhân ái mới có thể xoa dịu phần nào nỗi đau trong ngần ấy năm.
|
Lớp học ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam tỉnh.Ảnh: ANH TRÂM |
Tìm phương thuốc nhiệm màu
Vết thương có thể liền da thịt, nhưng nỗi đau da cam bao năm nay vẫn âm thầm nhói buốt. Theo con số thống kê, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân CĐDC. Trong đó, Quảng Nam là một trong những địa phương bị ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn, với khoảng 35 nghìn người bị phơi nhiễm, hàng nghìn người đã chết, hàng nghìn người khác mắc các bệnh hiểm nghèo. Thế hệ thứ nhất truyền nhiễm khiến các thế hệ thứ 2, thứ 3 bị dị tật, dị dạng. Trong suốt 10 năm, từ sức mạnh tập thể, Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam đã nỗ lực tìm phương thức nhiệm màu nhất để xoa dịu nỗi đau da cam.
Tại Quảng Nam, năm 2005 Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh được thành lập với 8.500 hội viên, trong đó có 2 hội viên là người nước ngoài. Ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC tỉnh nói: “Không ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi đớn đau mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải gánh chịu. Hàng trăm người vật lộn với hiểm nghèo và bệnh tật. Đối với tỉnh Quảng Nam, hiện còn hơn 35 nghìn nạn nhân da cam, trong đó số người từ chiến trường trở về và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật do nhiễm CĐDC có đến 14 nghìn người, dân thường có hơn 20 nghìn người. Nói về những con số thống kê để thấy rằng, những gì chúng ta cố gắng bù đắp xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân da cam vẫn là rất nhỏ”.
Cũng là hoạt động xã hội từ thiện, nhưng riêng với nạn nhân da cam, hoạt động này có phần đặc biệt, bởi nỗi đau mà họ phải gánh chịu là không thể xóa bỏ. “Trong điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn, số đối tượng chính sách chiếm gần 20% dân số, việc chăm lo cho đối tượng bị nhiễm CĐDC tuy được quan tâm nhưng cũng còn ở mức độ hạn chế. Chủ trương của tỉnh là kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của từng gia đình và của chính nạn nhân da cam” - ông Võ Văn Ái cho biết. Sự vận động toàn xã hội trong 10 năm qua của Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh mang lại nhiều kết quả. Trong đó, phải nói đến những số phận biết vượt lên nỗi đau da cam, đó mãi mãi là những câu chuyện cảm động chứa đầy nước mắt, lòng trắc ẩn, bản lĩnh và những nghị lực phi thường. Đối với công tác chăm sóc nạn nhân da cam, toàn tỉnh đã vận động gần 30 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ làm nhà, phát triển sản xuất, đau ốm khó khăn... Đặc biệt, sự ra đời của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh đã nhen lên hơi ấm trong hành trình xoa dịu nỗi đau da cam.
Thắp lên niềm tin
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3.2013, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh giống như mái nhà chung. Ở đó có lớp học bán trú đặc biệt với nhiều lứa tuổi. Học viên lớn nhất là cô Nguyễn Thị Đức Nhân 36 tuổi, bé nhất 7 tuổi. Ngày đầu đi vào hoạt động, có 18 đối tượng đăng ký tham gia, nay đã có gần 40 nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh sống và học tập tại trung tâm. Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Giám đốc trung tâm cho hay: “Ban đầu còn rất nhiều khó khăn, nhưng tất cả chúng tôi đều xem trung tâm như mái ấm. Mỗi ngày tiếp xúc với các em, có em ngớ ngẩn, có em dị dạng, có em bại liệt… càng thấy thương hơn những mảnh đời bất hạnh. Hiện nay, trung tâm tổ chức dạy học và dạy nghề, trợ giúp phục hồi chức năng nên có bao nhiêu nhân lực là dốc sức làm hết tất cả các công việc. Trước mắt, những học viên có khả năng sẽ được cho học nghề may và làm hương, về lâu dài sẽ có thêm nhiều nghề phù hợp với khả năng của từng em. Ở trung tâm, có khi giáo viên đứng lớp phải kiêm cả dạy nghề, người làm cỏ”. Bà Trần Thị Thâm (Tam Phú, Tam Kỳ) đón cô con gái 20 tuổi bị dị dạng ở cửa lớp học đã rớm nước mắt: “Trước đây con bé ở nhà thường lang thang. Từ khi được nhận vào học ở trung tâm, nó có vẻ thích thú. Tôi thấy rất yên lòng”.
Đại diện cho đơn vị tài trợ công trình từ thiện xã hội này, ông Võ Văn Lâm – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam nói: “Số tiền 10 tỷ đồng đơn vị tài trợ cho công trình với mong muốn được xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình, giúp các đối tượng bất hạnh này có một mái nhà chung, một môi trường tốt để hòa nhập cộng đồng. Trong khả năng có thể của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để đẩy mạnh phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC”. Cùng với sự ra đời của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn luôn cùng chung tay cho hoạt động xoa dịu nỗi đau da cam. Ông Võ Văn Ái thông tin thêm: “Qua 2 đợt vận động trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 200 đơn vị tham gia ủng hộ vật chất cho nạn nhân da cam. Chúng tôi thực sự trân trọng những tấm lòng dành cho nạn nhân CĐDC/dioxin”.
ANH TRÂM