Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9.12.2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Kết luận số 80-KL/TW ngày 20.6.2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Chỉ thị nêu rõ: phải xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; lồng ghép với công tác hòa giải ở cơ sở, công tác dân vận, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, học tập tại cộng đồng và các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể.
Cùng với đó, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả gắn với từng chủ đề nội dung, đối tượng...