Tôi lên xe bus Tam Kỳ - Trà My, nói nhanh là đi Bắc Trà My, chứ Nam Trà My thì tôi không có “kim bài miễn tử”, mà có muốn thì xe cũng không chạy.
1. Sáu người khách. Tới Tiên Phước thì 3 người xuống. Lần đầu tiên đi xe khách mà gió ràn rạt vi vu trong lòng xe, chủ lẫn khách không ai e hèm một tiếng. Tôi hỏi chị thu tiền xe: “Ngày mô cũng như ri hả chị?”. “Dạ, từ bữa dịch tới chừ”. “Mai xe xuống mấy giờ?”. “Hai chuyến, lúc 6h và 8h30. Không có khách anh ơi, mà không chạy thì không được. Khách đi chừng ni, thì hỏi anh có đủ trả tiền dầu không? Dịch… ác nhơn, biết hồi mô cho dứt, mưa gió lụt lội đã khổ, thêm dịch, kiểu ni tới tết đói nhăn răng”.
“Chủ nhật, nên trung tâm huyện đường vắng?”. “Không, dân sợ đó anh, họ ít ra đường cả tuần rồi” - Tuấn Tú phóng viên đài Bắc Trà My nói. Nhà anh ở nơi mà theo anh có là một giáo viên tiếp xúc với F1.
Tôi nói đừng lo nhiều, vì đã tiêm đủ 2 mũi và phòng bị tốt thì nguy cơ lây nhiễm sẽ đỡ hơn. Nhìn cái thẻ chứng minh nhân dân, chị quản lý nhà khách ủy ban huyện cười cười: “Chừ thấy khách Đà Nẵng không sợ bằng người từ Nam Trà My xuống”.
“Có ai xuống không?”. “Ai cho mà xuống, vùng đỏ mà, huyện ni cũng cấm người lên nớ”. “Chị sợ không?”. “Sợ chứ, biết đâu được, tưởng bình yên, ai ngờ tùm lum nghe ớn quá!”. “Làm ăn được không?”. “Khách không có anh ơi. Năm ngoái thì tụi em còn thu được, chứ sau tết chừ thì thôi, nhất là từ tháng 7 đến chừ. Anh có tin không, mấy chị em, mỗi tháng trừ hết tiền điện, nước, mỗi người có tháng thu vô 700 ngàn đồng.
Ít quá nên huyện cũng miễn cho việc nộp ngân sách này nọ. Đây, ví dụ phòng ni 250 ngàn đồng/đêm, nhưng có mấy anh thuê phòng ở cả tháng, giá 2 triệu, gật luôn, lấy tạm để chi chứ tìm mô ra. Cách đây mấy ngày, ở đây có người là F0, rứa là càng lo, không biết sắp tới sẽ răng…”.
Tổ Đồng Trường là địa bàn trung tâm huyện. Nhiều nhà đóng cửa. Huyện không khuyến cáo dân không được ra đường, tụ tập, bởi Bắc Trà My có phải là trung tâm dịch đâu, nhưng dân ngại. Quán bún cổng mở nhưng cửa nhà đóng. Chị chủ nhà vừa đi đâu về, thấy khách bèn kéo cửa nhanh rồi khép hờ.
“Không ai cấm, nhưng tôi đóng cửa, nghỉ bán cả tuần rồi anh. Có bán cũng chẳng ai ăn, vì họ sợ”. Cả nhà thu nhập trông vào nồi bún buổi sáng. Tôi ở Đà Nẵng, dịch kéo dài mấy tháng, quán xá im lìm, to lẫn nhỏ, giàu có lẫn buôn gánh bán bưng, te tua tanh bành, nợ nần ngập cổ, ráng cầm cự qua ngày, cho nên nghĩ tới chuyện mưu sinh thời dịch giã, mọi hô hào tốt nhất là đi chỗ khác chơi, chỉ cần nhìn nhau cảm thông là được rồi. “Không biết tới hồi mô đây?”. Chị hỏi bâng quơ.
Sát vách nhà chị là một quán hớt tóc đóng kín, kèm theo miếng cạc tông treo lủng lẳng ghi “Tạm đóng cửa vì dịch”. Nói chuyện hớt tóc, tôi xin kể một chuyện vui: trước nhà tôi có ông đó, cứ 1 tháng là hớt 1 lần, mà phải tóc nhiều đâu, nhưng thành thói quen, mà ông nói không hớt ngứa ngáy khó chịu. Cấm hớt thì ông tìm chỗ quen, hớt chui. Sau chủ quán bị phát hiện. Hai tháng liền ông như cà ăn bọ xít chạy xà quần.
Một bữa thấy tóc ông vẻ tươm tất, hỏi ra là ông hớt đại một chỗ chẳng bảng biển chi, ở hẻm sâu, hớt được nhưng hắn ngoáy tai đau quá, được cái là rẻ, 35 ngàn đồng chứ mấy. Thừa thắng xông lên, ông mượn tông đơ về hớt cho thằng cháu nội. Nó la oái oái, ông hét ngồi im.
Sản phẩm cho ra lò là một cái đầu kiểu showbiz “tam khoanh tứ đốm”. Con trai ông chắc bị vợ nhằn, nên nói: “Hớt chi mà như chó gặm!”. Tôi “đế” thêm: “Hồi trước ông ở vùng “xôi đậu” mà”. Bí, ông nhìn tôi chửi: “Có hớt được rồi, còn hơn mi như ăn cướp, ngó cái đầu nớ, biết mô đống… chí trong nớ!”.
2. Tôi đứng trước chợ Bắc Trà My. Nhiều hàng đóng cửa. Một người nói: “Ai mua mà bán, tập trung đông, sợ lắm!”. Cách đây hơn 1 tuần, khi Nam Trà My bùng dịch, sáng loan tin thì chiều ở đây rần rần chạy mua hàng dự trữ, hết sạch.
Tôi hỏi ông Ngọ chuyên đóng giày dép sửa mũ bảo hiểm ở chợ, thì ông nói ế rồi, họ ít ra, ngày chỉ được vài cái, mấy chục ngàn chứ không như mấy ngày trước. Chợ này rất lớn, là đầu mối từ đồng bằng lên, tiểu thương, người có nhu cầu từ Nam Trà My xuống, từ Quảng Ngãi qua, thời điểm đông đúc nhất, có đến cả ngàn người. Mấy ngày sau đó, thêm một tạp hóa ở Đồng Trường tiếp xúc F0, thế là càng lo.
Bữa tôi ở thì đến chiều Trà Bui có 4 F0. “Tình hình ni, coi chừng họ tích trữ đồ nữa” - anh Bình công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện nói. Thiệt là khó khăn. Văn bản mới nhất là huyện cho học sinh nghỉ học. Khi Nam Trà My bùng dịch, mọi con mắt đổ dồn về Bắc Trà My đầy lo ngại. Tâm lý ai cũng sợ. Bà con dân tộc thiểu số càng sợ. Trước khi Nam Trà My đổ dịch, là vùng xanh ngắt.
Nguyễn Hoàng Thọ - Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH huyện Nam Trà My kể với tôi, dân trên này sợ lắm, họ thấy người nói giọng Bắc tới mua sâm là chạy vào rừng trốn. Sợ hãi dây chuyền. Nhưng đặc thù địa hình miền núi không như đồng bằng, rồi ý thức phòng dịch cũng lắm lúc chênh lệch.
Sợ nhất là mưa lũ tắc đường, khi khả năng của y tế địa phương có hạn. Nếu bùng dịch trong tình hình đó mà không kiểm soát được, thì vỡ trận ngay, không xuống đồng bằng được để chữa trị. Vì thế tỉnh mới tung lực lượng lên gấp.
Bắc Trà My tuy ở vùng thấp hơn, nhưng có khác không? Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, thì năng lực và thiết bị tại Bắc Trà My cũng thiếu thốn nhiều, nếu dịch mà bùng lớn thì huyện không đảm đương nổi.
Điều lo nhất chính là ổ dịch nếu bùng lên từ chợ Bắc Trà My thì nguy cơ tràn lan là chắc chắn, lúc đó cả huyện thành vùng dịch. Tuy có nhỉnh hơn một vài huyện miền núi, nhưng tỷ lệ tiêm phòng đủ hai mũi vắc xin chưa cao. Dân tập trung tại chợ rất đông, lượng người tiếp xúc, di chuyển tỏa đi nhiều nơi rất lớn. Nếu chỉ có 1 F0 thì chắc phải phong tỏa cả chợ, rồi biết đâu mà truy vết cho hết.
Khi Nam Trà My bị, rất nhiều người đã lo ngại đến lượt Bắc Trà My sẽ dính, bởi 70% cán bộ Nam Trà My có nhà cửa, gia đình ở đây, cuối tuần là họ về. Rồi bà con ở đây có con em làm ăn sinh sống trên đó, lên xuống như cơm bữa. Không nắm chắc, phòng thủ kỹ càng là mang họa liền. Và cũng nói ngay rằng, sự kỳ thị của đám đông với ai đó khi họ là... mồi lửa gây cháy, cần phải minh định cho rõ ràng, bởi nếu không, sẽ dẫn câu chuyện đi rất xa, bởi can hệ đến quyền lợi và danh dự của họ.
Nhiều người trách bà ở Trà Bui là F0 đầu tiên, đã mang bịnh về. Trách vậy là không đúng. Bà lên thăm con, trở về khi chưa bùng dịch trên đó. Test ra mới biết bà là F0. Bà đâu cố ý, có biết mình bị đâu. Ngay cả chị nhân viên trường nội trú trên Nam Trà My, là F0 đầu tiên, nếu không đi thi công chức, không test, thì sao biết bị? Chu kỳ lây nhiễm đã qua nhiều tầng bậc… Ông Tuấn cho biết, khu vực Trà Bui đã cho cách ly ngay học sinh và giáo viên, đi kèm các biện pháp phòng dịch tức khắc để bao vây. Sau đó, huyện đã cho học sinh nghỉ học.
3. Thực tế cho thấy, phòng bị cỡ chi, cũng lọt, không cách này thì cách khác, lắm ca không biết nguồn lây nhiễm từ đâu, tất nhiên là có địa chỉ mà ta không biết. Bây giờ bài học kinh nghiệm chống dịch, chắc lãnh đạo ai cũng rành rồi, bởi nhìn TP.Hồ Chí Minh là biết. Làm chi để thoát dịch và sống chung mà không mất mạng, cũng chẳng phải nhắc lại làm gì.
Người ta chỉ hỏi nhau: Bộ Y tế nói trong kho còn 28 triệu liều vắc xin, các địa phương khẩn trương tiêm, mà thuốc thì gửi về nhỏ giọt, là sao? Không nghe quan chức y tế trung ương trả lời. Rồi thuốc đưa về, địa phương vì nhiều lý do, chậm trễ tiêm, khi dịch bùng lên thì ba chân bốn cẳng phủ sóng vắc xin.
Mai tôi về, vì đã xong việc. Tầm tã mưa rơi. Xuống Tam Kỳ, nhiều người giỡn là có mang Covid-19 về không đó, nghe Trà My là sợ, tôi nói sinh tử vô thường, trời đoạt mạng người không báo trước, sợ cứ sợ, sống cứ sống, sống còn hơn chết, chỉ sợ nhất là sống như đã chết, chết mà chưa kịp sống vì không có thuốc. Và chết vì mình là nạn nhân của những mệnh lệnh kiểu như không biết hiệu quả thế nào nhưng cứ làm, tính sau…