Sẽ dễ hiểu vì sao du khách phương xa đến với Cù Lao Chàm, ngay khi vừa lên tàu ở cầu cảng Cửa Đại đã ấn tượng và ngạc nhiên với những yêu cầu liên quan đến… túi ni lon. Bởi ngay cả điểm xuất phát (đất liền) lẫn điểm đến (cù lao) đều cảnh báo chuyện không sử dụng túi ni lon, hoặc do công ty lữ hành nhắc nhở du khách “xin để túi ni lon lại đất liền” hoặc bằng pa-nô tuyên truyền lớn có dòng chữ “Xin không mang túi ni lon lên đảo”.
Đừng tưởng chuyện sử dụng túi ni lon là chuyện nhỏ. Nếu theo sát diễn biến vận động người dân địa phương lẫn du khách nói “không” với món đồ khó phân hủy này, thay vào đó bằng giỏ nhựa, sẽ thấy cả một quá trình kỳ công. Bởi để từ bỏ một thói quen, không dễ!
Nhắc đến cái túi ni lon ở Cù Lao Chàm là nói về một cuộc vận động kiên trì, hiệu quả, có trách nhiệm. Cũng là cuộc vận động, cũng là cuộc “nói không” như vẫn thấy xuất hiện đâu đó, nhưng “nói không” ở Cù Lao Chàm chưa rơi vào tình cảnh đánh trống bỏ dùi, tính đến thời điểm này. Trên thực tế, theo tâm sự của một lãnh đạo xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), người dân xã đảo vẫn có lúc phải dùng đến túi ni lon, như khi gói mặt hàng hải sản khô. Nhưng dẫu sao, khi chính quyền thành phố Hội An quyết liệt “chặn” túi ni lon ở cả 2 đầu để bảo vệ môi trường bền vững cho khu dự trữ sinh quyển thế giới, như hiện tại, thì đã là thành công ngoài mong đợi.
Chúng tôi có nhiều lý do để nhắc lại câu chuyện túi ni lon, nhất là khi Ngày Môi trường thế giới năm 2013 đưa ra chủ đề khá ấn tượng: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”. Một khuyến cáo đề cao tính tự giác của mỗi người, và có thể xem là một lời khẩn cầu. Trong đó, đối tượng chính thuộc về việc lựa chọn thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm và lựa chọn thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường, chứ không phải những “phụ liệu” như túi ni lon…; song không thể tách rời một cách rạch ròi giữa thực phẩm, môi trường với thói quen “tiêu dùng xanh”.
Ngày Môi trường thế giới năm nay, các cuộc ra quân rầm rộ hướng nhiều về phía biển. Ở đó, môi trường đang bị vây bủa bởi nhiều tác nhân xấu. Các bạn tình nguyện viên đã ra quân dọn dẹp, lượm rác, thu gom túi ni lon. Nhưng xem ra, như rất nhiều cuộc ra quân hay chiến dịch ngắn ngày trước đó, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy nếu như chính người dân và du khách vẫn… vô tư xả rác, hoặc “không nghĩ về môi trường” như khuyến cáo.
Và sẽ dễ hiểu vì sao, trong thuyết minh cho kế hoạch biến 3 bãi biển Cửa Đại, Hà My, Tam Thanh thành bãi biển du lịch thu hút khách, Quảng Nam không quên nhắc về những nhược điểm của môi trường. Với bãi biển Cửa Đại (Hội An), số lượng thùng rác còn thiếu, việc bố trí các thùng rác chưa phù hợp với cảnh quan, thiếu người làm vệ sinh, tần suất dọn vệ sinh và thu gom rác chưa cao, các loại rác thực phẩm từ loại hải sản thân cứng chưa được thu gom triệt để… Bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) do chỉ có 1 nhân viên thu gom vệ sinh nên việc vệ sinh không đảm bảo. Việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh ở đây cũng chỉ được thực hiện tại khu vực trước các quán ăn và khu vực dưới bãi cát, lại thiếu thùng rác công cộng tại khu vực bờ kè, gần các quán ăn và khu vực dưới bãi cát. Tại bãi biển Hà My (Điện Bàn), nhân sự thực hiện công tác cứu hộ, vệ sinh môi trường, quản lý hoạt động kinh doanh chỉ kiêm nhiệm, không chuyên nghiệp.
Và như chính nhận xét từ cơ quan soạn thảo Đề án quản lý và khai thác một số bãi biển du lịch trên địa bàn Quảng Nam, lấy điển hình ở bãi biển Cửa Đại, một vài chương trình làm vệ sinh bãi biển thực hiện theo pha đợt của các tổ chức du lịch, đoàn thanh niên nhưng chỉ dừng ở mức độ “tạo nhận thức”. Nhìn nhận này cho thấy, việc “tạo nhận thức” này vẫn chưa thấm vào tận tâm can, chưa riết róng và lăn xả như quá trình “tạo nhận thức” ở Cù Lao Chàm.
Chiến dịch nào cũng nêu khẩu hiệu “nói không”, nhưng có “nói” được hay không, quả thực không hề dễ!
HỨA XUYÊN HUỲNH