Nói không với bạo lực trẻ em

LÊ DIỄM 31/05/2017 08:24

Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” (XHTE)được UBND tỉnh phát động vào sáng nay 31.5, tại huyện Duy Xuyên. Nói không với bạo lực trẻ em, kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện là mục tiêu hành động xuyên suốt.

Trách nhiệm của xã hội

Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, những vụ XHTE trong cả nước khiến chúng ta đau lòng. Những đứa trẻ bị xâm hại sẽ mãi hằn in nỗi ám ảnh kinh hoàng suốt cả cuộc đời. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tình trạng bạo lực, XHTE trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường nhiều hơn năm trước. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại. Quảng Nam dù không phải điểm nóng về tình trạng bạo lực, XHTE, nhưng trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ với 20 đối tượng. Số trẻ em bị xâm hại là 25 em (24 nữ, 1 nam) tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Trẻ bị hại chủ yếu ở lứa tuổi từ 13 đến dưới 16, đặc biệt có cả những em ở tuổi mầm non (dưới 6 tuổi).

Quan tâm, chăm sóc trẻ em luôn là trách nhiệm của toàn xã hội.  Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thăm trẻ em làng Hòa Bình nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6.Ảnh: D.L
Quan tâm, chăm sóc trẻ em luôn là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thăm trẻ em làng Hòa Bình nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6.Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Các vụ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo vẫn ít hơn so với thực tế, còn rất nhiều vụ bạo lực, XHTE không được thống kê hoặc không bị phát hiện, tố cáo. Các vụ việc trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Danh tính các em được giữ kín, nhưng không thể nào tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến hiện tại và tương lai của những đứa trẻ. Nỗi đau đâu chỉ riêng các em gánh chịu, mà còn “cứa vào da thịt” những người làm cha mẹ, những người lớn vì lý do nào đó mà không thể trông coi con mình suốt 24/24 giờ, để rồi khi vụ việc xảy ra và bị phát giác, người lớn mới giật mình, để rồi đau khổ, ám ảnh đeo bám suốt phần đời còn lại. Trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đâu chỉ còn là việc của riêng ai, mà cần phải thành trách nhiệm của cả xã hội. Điều đó được cụ thể hóa trong Luật trẻ em, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017. Đây là hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, để trẻ em được chăm sóc, yêu thương bởi vòng tay của gia đình, xã hội.

Các hoạt động chăm sóc trẻ em sẽ được tổ chức rộng khắp trên toàn tỉnh trong Tháng hành động vì trẻ em.
Các hoạt động chăm sóc trẻ em sẽ được tổ chức rộng khắp trên toàn tỉnh trong Tháng hành động vì trẻ em.

Chung tay vì trẻ em

Với chủ đề chính của Tháng hành động vì trẻ em là “Triển khai Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong toàn tỉnh. Đó là đưa Luật trẻ em đi vào cuộc sống, nhằm tuyên truyền nội dung cơ bản Luật trẻ em cho mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ e, trên toàn tỉnh. Luật TE sẽ được đưa đến với các tầng lớp nhân dân dưới hình thức cuộc thi tìm hiểu Luật trẻ em. Cuộc thi này được thông báo rộng rãi đến các cấp, ngành, địa phương toàn tỉnh trong tháng 5.2017. Ban tổ chức cuộc thi hy vọng, với hình thức thi tìm hiểu Luật trẻ em, luật sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, và tạo nền tảng kiến thức cho bản thân, chủ động trong việc bảo vệ con trẻ khỏi kẻ xấu.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, trong Tháng hành động vì trẻ em, sở sẽ phối hợp với các ngành tăng cường truyền thông, tư vấn về phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em... tại cộng đồng; vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè; rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích trẻ em, từ đó thực hiện xây dựng, lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ em (ao, hồ, sông, suối, các khu vực nước sâu nguy hiểm...); tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè. Ngoài ra, những mô hình như Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn cũng sẽ được khuyến khích duy trì và nhân rộng, nhằm cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Các văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng, điểm tư vấn trường học được duy trì và thông tin rộng rãi cho người dân biết và là nơi đến để được tư vấn cụ thể. Đồng thời, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em qua số điện thoại 18001567 sẽ liên tục tiếp nhận thông tin từ người dân và TE thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi XHTE.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nói không với bạo lực trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO