Tham gia góp ý vào Dự thảo Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng đang là trách nhiệm nặng nề và thách thức lớn đối với Nhà nước ta. Do vậy, phòng, chống tham nhũng phải là nhận thức chủ động trong ý chí mỗi công bộc của dân.
|
Nhiều đại biểu góp ý Hiến pháp cần nhấn mạnh hơn nữa về trách nhiệm, ý thức của cán bộ, công chức với tệ quan liêu, tham nhũng. Ảnh: H.GIANG |
Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cho rằng, tại Khoản 2, Điều 8 của Dự thảo lần này hiến định: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Như vậy là rất cụ thể, xác đáng. Quy định này một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ đặt ra đối với đội ngũ cán bộ nhà nước. “Là công bộc của dân, ai cũng muốn được cống hiến năng lực, trí tuệ cho công việc, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ công chức chưa làm hết trách nhiệm của mình, có tư tưởng quan quyền, đâm ra hách dịch... gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội” - ông Đồng nói. Trình độ dân trí xã hội ngày càng được nâng cao, quyền dân chủ của người dân ngày càng được phát huy, thể hiện vai trò giám sát sâu rộng vào các hoạt động của bộ máy công quyền. Do vậy, người công bộc của dân phải sớm tự chấn chỉnh, tự uốn nắn, rèn luyện mình.
Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: 1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật. |
Tuy nhiên, cũng trong Khoản 2 của Điều 8 quy định “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo ông Đồng, đặt ra như vậy là chưa thể hiện hết trách nhiệm của người cán bộ công chức, viên chức đối với công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như trui rèn phẩm chất đạo đức cách mạng. Ông nói: “Theo tôi, nên thay từ “chống” bằng từ “không” trong cụm từ “chống tham nhũng”. Như vậy, người cán bộ công chức, viên chức phải có nhận thức sâu sắc rằng bản thân họ phải “nói không” với tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Mỗi người tự ý thức, quyết tâm phấn đấu làm được điều này, nhất định hình ảnh, uy tín của đội ngũ công bộc sẽ ngày được nâng lên”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Nho Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn cho hay: “Người cán bộ công chức, viên chức không thể có hành vi tự chống lại chính bản thân mình. Họ phải nhận thức rõ là không được tham nhũng. Thay đổi như vậy, nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là phải chủ động phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tham nhũng. Như vậy, người công bộc của dân phải thể hiện ý chí, sự kiên quyết trong công tác đẩy lùi vấn nạn tham nhũng, nói không với tham nhũng”. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, tại Khoản 3 của Điều 8, cần thêm cụm từ “có trách nhiệm” để nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành, thực thi, cũng như phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Ông Nguyễn Tấn Phúc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho rằng, vấn nạn tham nhũng đang là một thách thức không nhỏ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nó nấp bóng dưới rất nhiều hình thức và khó nhận diện. Do vậy, để công tác phòng, chống tham nhũng được thực thi quyết liệt, hiệu quả, Nhà nước cần khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động giám sát - phản biện đối với hoạt động của cán bộ công chức, của bộ máy công quyền tại các cấp bằng các cơ chế cụ thể. Trong xu hướng hội nhập, hợp tác cũng như tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng phát triển đất nước, rất nhiều công trình, chương trình, dự án được triển khai thực hiện. Nhưng do cơ chế giám sát - phản biện chưa được chú trọng thực hiện rộng rãi, cũng như chưa tạo được các điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực tham gia nên dẫn đến tình trạng nhiều công trình có chất lượng thấp; nhiều chương trình, dự án đầu tư kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước dẫn đến bức xúc trong dư luận. Do đó, cần khuyến khích người dân tích cực tham gia hoạt động giám sát - phản biện để tranh thủ tâm huyết, trí tuệ của họ. Đồng thời, kịp thời biểu dương những cá nhân dũng cảm dám lên tiếng trước các hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức.
HÀN GIANG