"Nói không với thực phẩm bẩn"

GIANG BIÊN 01/11/2018 05:47

Để người dân có địa chỉ cụ thể mua những sản phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng, Hội LHPN xã Bình Trị (Thăng Bình) xây dựng mô hình phụ nữ tổ tiểu thương “Nói không với thực phẩm bẩn” tại chợ Bình Trị. Ban đầu có 35 chị em tiểu thương tham gia, đến nay con số này đã tăng gấp đôi.

Tiểu thương chợ Bình Trị tích cực tham gia mô hình tổ phụ nữ tiểu thương “ Nói không với thực phẩm bẩn”. Ảnh: G.B
Tiểu thương chợ Bình Trị tích cực tham gia mô hình tổ phụ nữ tiểu thương “ Nói không với thực phẩm bẩn”. Ảnh: G.B

Sau 2 tháng đi vào hoạt động, mô hình phụ nữ tổ tiểu thương “Nói không với thực phẩm bẩn” chợ Bình Trị nghiêm túc chấp hành những quy định đã ký cam kết. Các tiểu thương kinh doanh, buôn bán hàng hóa có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng chất cấm, chất phụ gia không cho phép để chế biến thức ăn, thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với  những người buôn bán thịt, khi giết mổ phải có dấu kiểm định, giám sát của thú y, không sử dụng chất cấm, không bơm nước để tăng trọng lượng. Ngoài ra, các hộ tiểu thương phải giữ vệ sinh, không xả nước, xả rác ra môi trường; chấp hành nghiêm việc phân loại rác thải và tập kết rác đúng quy định. Chị Đoàn Thị Hải Yến - Nhóm trưởng mô hình tổ tiểu thương “Nói không với thực phẩm bẩn” cho hay, chợ Bình Trị tồn tại hàng chục năm qua với gần 100 tiểu thương buôn bán, nhộn nhịp nhất là từ 6h đến 8h sáng.

“Hầu hết sản phẩm đem bán ở chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do đó, khi xây dựng mô hình, chị em tiểu thương đều đồng tình hưởng ứng. Nhất là các  sạp bán rau, đa số đều được chị em tự tay trồng và đem bán, tuy số lượng bán ra không nhiều nhưng sản phẩm đảm bảo, an toàn đối với người tiêu dùng. Chúng tôi xây dựng mô hình để chị em phụ nữ tại địa phương có một địa chỉ tin cậy để  mua sản phẩm sạch” - chị Yến nói.

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trong đó chú trọng đến tiêu chí sạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm, vì vậy mô hình tổ phụ nữ tiểu thương “Nói không với thực phẩm bẩn” được chị em tham gia, đến nay đã tăng lên 70 người. Mô hình có ban quản lý đưa quy chế mỗi tháng họp 1 lần, khi cần thiết có thể họp đột xuất. Ban quản lý gồm 3 thành viên có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các thành viên trong mô hình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh của các thành viên trong mô hình. Nếu trong quá trình theo dõi, ban quản lý phát hiện hộ sản xuất, kinh doanh không đảm bảo theo cam kết sẽ kịp thời chấn chỉnh.  Bà Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị cho rằng, tiểu thương của chợ là những phụ nữ ý thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ mà của cả thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, họ giám sát lẫn nhau để giữ “uy tín” cho mô hình và cung cấp các loại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

“Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, những vụ ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra khiến dư luận bất bình. Mặc dù hàng tháng, hàng năm các ngành chức năng đều có kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra, song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là bài toán nhức nhối. Chính vì vậy, việc xây dựng những mô hình như tại chợ Bình Trị là việc làm thiết thực và cần nhân rộng” - bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình nói.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nói không với thực phẩm bẩn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO