Nơi làm nên một phần cuộc đời tôi

VÕ THỊ NHƯ TRANG 27/02/2015 09:15

“Tôi nghĩ mình đã chết rồi. Nhưng tôi vẫn sống, hy vọng và ước mơ. Tôi vẫn nhớ và nghĩ về những giá trị của cuộc sống này. Đâu phải khúc sông nào trong dòng chảy cuộc đời cũng là hố thẳm, ghềnh sâu. Giữa phong ba, bão táp ấy tôi vẫn tìm thấy được chữ tình đằng sau mất mát, khổ đau. Vậy cớ gì tôi phải gieo ý nghĩ tuyệt vọng mỗi khi cảm thấy chán chường cái cơ thể dần mục nát này? Tôi cần mỉm cười và sống tốt để không phụ lòng những người thầy thuốc đã tận tình chữa bệnh cho tôi”...

 Lật lại đoạn nhật ký tôi viết cách đây hơn một năm, trong lòng bỗng rộ lên một cảm giác xốn xang khi nghĩ về chặng đường chiến đấu với lưỡi hái thần chết. Còn nhớ những ngày đầu bước sang tuổi mười tám, tuyệt vọng làm sao khi biết tin bản thân mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú. Đau đớn và hoảng sợ, đó là thứ cảm giác mà tôi phải chịu đựng. Trên hết, hơn tất cả những gì oằn trên cơ thể, điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là tấm lòng nhân ái của bao người trực tiếp chữa bệnh cho tôi.

Tôi ý thức rất rõ về căn bệnh của mình, nó chỉ mới ở giai đoạn đầu, bác sĩ chẩn đoán khối u vẫn chưa có dấu hiệu di căn. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật và điều trị, bệnh của tôi chuyển biến phức tạp. Tôi phải trải qua đến bốn lần phẫu thuật với các vết mổ, nạo, khoét nối dài trên cổ. Nằm điều trị cả một thời gian dài đằng đẵng, sự chán chường làm tôi mệt mỏi. Nhưng khi đủ tỉnh táo để chứng kiến mọi sự tồn tại quanh mình, niềm tin vào một tương lai mới như trải ra trước mắt tôi. Sáng sáng, tôi và bệnh nhân cùng khoa Ngoại Lồng ngực được các bác sĩ đến từng giường hỏi thăm tình trạng sức khỏe. Hầu hết mọi người trong phòng bệnh đều xưng với họ bằng tiếng gọi thân thương: “Bác sĩ!”. Người mắc bệnh thận thì gọi bác sĩ Nguyên, bác sĩ Trí; người bệnh cần phẫu thuật cắt bỏ khối u thì lúc nào cũng huyên thiên về bác sĩ Vũ, bác sĩ Phượng… Rồi mấy cô, mấy chị điều dưỡng quen thuộc, sáng, trưa hay chiều, tối đều đặn ghé từng giường bệnh tiêm thuốc, chuyền dịch. Không chỉ làm tốt bổn phận của mình, các y bác sĩ trong khoa còn có cách ứng xử với bệnh nhân thật gần gũi, thân quen. Biết bệnh nhân nào khó khăn, bệnh nhân nào là người dân tộc thiểu số, các bác sĩ quan tâm nhiều hơn, bên cạnh đó còn tận tình tìm các nhà hảo tâm đến giúp đỡ.

Tôi may mắn nằm trong bảng danh sách bệnh nhân điều trị trực tiếp của bác sĩ Thân Trọng Vũ. Chính bác sĩ là người phẫu thuật cắt bỏ khối u, cũng là người lên lịch điều trị, kê toa thuốc cho tôi dùng mỗi ngày. Nhớ mãi ca phẫu thuật lần ba được bác sĩ cấp cứu lúc tôi đi tái khám. Thấy có dấu hiệu bất thường khi dưới cổ tôi có dịch chảy liên hồi, ngoài ra còn xuất hiện dấu hiệu bọng mủ và sưng lên, ngay lập tức bác Vũ xét duyệt đưa tôi xuống phòng cấp cứu và tiến hành công việc nạo, khoét. Dù trong quá trình phẫu thuật có gây mê, thế nhưng trước lúc vào phòng, cảm giác sợ hãi vẫn đeo bám ý nghĩ tôi. Không ngần ngại, bác Vũ trấn an tôi bằng những câu hỏi rất đỗi đời thường, dung dị, nào là “mùa này ở quê gặt lúa hết chưa?”, rồi “đậu khoai thu hoạch như thế nào?” và cuối cùng là lời động viên “phải chữa hết bệnh rồi còn học đại học nữa chứ!” … Những lời lẽ ấy xoáy sâu vào giấc ngủ, khiến tôi quên đi mọi sợ hãi, đau đớn. Sau khi phẫu thuật cắt khối u, tôi tiếp tục điều trị bằng thuốc phóng xạ nhằm hủy diệt tế bào ung thư còn sót lại. Tôi dần khỏe mạnh và trở lại cuộc sống đời thường. Tôi mang niềm tin về một tương lai mới gieo vào việc học. Trời không phụ lòng người, những nỗ lực của tôi cũng kết thành quả, ấy là giấy báo thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.  Đã 3 năm trôi qua từ khi tôi mắc căn bệnh, bây giờ tôi vẫn đến bệnh viện tái khám thường xuyên. Sự sợ hãi dường như đã tan biến trong tôi, thay vào đó là cảm giác như thân thuộc. Gần gũi hơn là lúc gặp lại bác sĩ Vũ, thậm chí là biết bao lời chào hỏi thân tình của các cô, các chị điều dưỡng khoa Ngoại Lồng ngực. May mắn hơn, tất cả mọi người đều ủng hộ việc tôi đứng ra làm cầu nối các nhà hảo tâm đến những bệnh nhân nghèo, ai cũng hứa hẹn sẽ giúp tôi những thông tin cần có. Và trước những nghĩa cử chân thành, tận tâm ấy, tôi như tìm được niềm lạc quan trên hành trình bước tiếp tuổi hai mươi của mình.

Nghìn lời tri ân, tôi xin gửi đến bác sĩ Thân Trọng Vũ cùng các y bác sĩ khác hiện công tác tại khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

VÕ THỊ NHƯ TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi làm nên một phần cuộc đời tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO