LTS: Người Quảng Nam có năng khiếu hài hước. Một trong những biểu hiện của năng khiếu đó là nói láo. Nói láo trở thành một nét văn hóa bình dân Quảng Nam, là hình thức tấu hài khá trí tuệ, cũng là một cách cãi trong thói hay cãi của người Quảng Nam.
Khác hẳn với nói xạo, nói phỉnh, nói gạt, nói điêu, nói láo Quảng Nam không gây ra thiệt hại cho người nghe mà chỉ nhằm mục đích… gây cười phục vụ cho đời. Báo Quảng Nam xin giới thiệu những câu chuyện “nói láo” của chính nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển cũng như những chuyện do ông được nghe kể, nay thuật lại để bạn đọc hiểu thêm về một nét văn hóa độc đáo của người Quảng Nam.
Cuối năm 2007, nghe tin nhà văn Sơn Nam bệnh, tôi đến thăm ông. Nhà văn Nam Bộ kiêm ông vua đi bộ danh tiếng bấy giờ ốm nhách, cơ bản chỉ còn một vài chút thịt ở đùi và tay. Còn cơ bắp thì mỏng như lá lúa. Ông mặc bộ pyjama, nằm xuôi cò trên giường. Hai chân ông dường như đã tê liệt, nhưng đôi tay và cái miệng thì hoạt động khá tốt. Bằng chứng là khi tôi châm điếu thuốc đưa gần tới môi ông, ông còn… cầm được điếu thuốc, sảng khoái rít từng hơi dài. Ông nói với một trung khí đầy rẫy:
- Ê mầy, vài hôm nữa tao khỏe, hai anh em mình đi xuống miệt Bình Dương chơi. Dưới đó còn mấy ngôi chùa hay lắm. Tao xuống đó… nghiên cứu; mầy đọc cho tao mấy câu đối liễn chữ Hán.
Nghe ông nói, tôi vừa thương, vừa buồn cười. Tôi nói:
- Chân cẳng anh vầy mà đi Bình Dương với Bình Định chi nữa hở trời? Em đến thăm anh một chút cho anh đỡ buồn. Vậy thôi. Còn chữ Hán chữ Tàu thì em quên sạch sành sanh rồi. Bỏ chuyện đi chơi đi. Anh cố gắng tịnh dưỡng cho khỏe để tiếp tục ngồi dậy viết sách… nói dóc, đem lại niềm vui cho đời.
Sơn Nam tiên sinh phản ứng nhanh cấp kỳ:
- Ê, tao nói dóc hồi nào mậy?
- Trời ơi, anh nói dóc thầy chạy luôn. Này nhé, trong Hương rừng U Minh, anh kể chuyện ông Năm Hên bắt sấu ở rạch Cái Tàu. Anh viết: “Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu. Con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng…”.
- Ừ, đúng vậy đó. Tao viết vậy, rồi sao?
- Anh làm cho độc giả đau khổ vô cùng.
- Độc giả nào?
- Em chứ ai nữa. Anh viết, để bắt nguyên bầy sấu bốn mươi mấy con đó, Năm Hên chỉ uống một chung rượu rồi đào một đường nhỏ xuống ao sấu. Ổng chặt một cây mốp tươi, cắt ra từng khúc chừng ba tấc. Năm Hên đứng trên gió, châm lửa vô sậy đế cho khói bốc ra mù mịt. Khói phủ xuống đầm sấu. Bầy sấu bị cay mắt, ngộp thở phải theo đường đào bò lên rừng; con nhỏ bò trước, con lớn bò sau. Con nào thấy Năm Hên cũng há miệng, định táp. Năm Hên đút vô miệng sấu một khúc móp; sấu táp vào dính cứng hai hàm răng như mình ngậm nhằm một cục mạch nha bự. Năm Hên cầm mác, xắn nhẹ cắt gân đuôi từng con, trói thúc ké hai chân sau của nó rồi cột một khúc dây vào đoạn mốp dắt sấu đi kiểu như người ta dắt chó. Bầy sấu rạch Cái Tàu bị bắt, dẫn ra sông. Năm Hên cột sấu sau đuôi thuyền rồi giao cho Tư Hoạch chèo đi. Con sấu chúa có cái tam tinh ở giữa cũng bị truy quét trong chiến dịch này.
- Ờ, thì đúng vậy đó.
- Anh báo hại em tin anh sái cổ. Hồi nhỏ, em đang là học sinh ở Quảng Nam, vì lỡ đọc và mê Hương rừng Cà Mau của anh, mới vô Nam học đại học rồi chọn về xứ Bạc Liêu đi dạy. Chân em đi khắp rừng U Minh, qua tận rạch Cái Tàu. Hỏi thăm bà con chuyện ông Năm Hên bắt sấu; họ nói ở đây làm gì có ông nào tên là Năm Hên với Sáu Xui? Mà rạch Cái Tàu cũng không còn một con sấu nào làm thuốc. Cậu muốn mua sấu, sao không lên… Sài Gòn mà mua? Sấu bây giờ ở trên cạn, đâu còn ở dưới sông mà cậu xuống miệt này tìm cho mắc công.
Sơn Nam tiên sinh cười khà khà:
- Đó là tao kể chuyện rừng U Minh trước năm 1954, khi ấy mầy còn là một thằng nhỏ thò lò nước mũi. Mầy về U Minh từ năm 1970. Làm sao còn ông Năm Hên với bầy sấu nữa mầy?
Rồi ông dịu giọng, nói đủ nghe:
- Nói thật với mầy: Viết văn mà không nói dóc chút đỉnh thì không ra hồn vía văn chương. Văn chương mà nói toàn chuyện thiệt thì ai đọc?
Tôi ủng hộ ông:
- Đúng vậy, thưa anh. La Quán Trung viết Tam Quốc chí bảy thực ba hư. La Quán Sơn Nam tiên sinh tên thật là Phạm Minh Tày, sinh tại Kiên Giang, viết Hương rừng Cà Mau năm thực năm hư. Đọc chuyện nói dóc của tiên sinh, cứ nghe sướng ran cả người.
Ông Sơn Nam cao hứng:
- Được mầy khen một tiếng, tao mừng ba năm. Nói vậy nghe được đó mầy. Còn tao nhận xét: Mầy viết nhạc một thực chín hư. Nếu tao là tay nói dóc Nam Bộ thì mầy là thằng nói dóc Trung Bộ, nói dóc kiểu Quảng Nam.
Tôi cố cãi lại ông:
- Em nói dóc chỗ nào?
- Mầy không chối được đâu, mầy ơi. Mầy viết bài Điệu buồn phương Nam, có đoạn ca từ: “Con sáo sang sông/ Sáo đã sổ lồng/ Bay về Bạc Liêu, con sáo bay theo phương người/ Bay về Trà Vinh, con sáo bay qua đời tôi”. Tao là dân Nam Bộ rặt, phải nói cho mầy biết chim sáo chỉ đậu trên lưng trâu, mổ vào da trâu ăn mấy con rận. Vào mùa nước nổi ở Nam Bộ, trâu được len hết ráo qua miệt Thất Sơn, còn con trâu nào đâu cho sáo đậu? Mà con sáo chỉ bay vài trăm thước là đậu lại. Cánh nó ngắn, không dài như cánh cò nên không bay xa được. Mầy đứng ở đâu trong khu tứ giác Long Xuyên mà nhìn thấy con sáo bay xa trên 250 cây số về tận Bạc Liêu với Trà Vinh? Mầy là thằng nói dóc có căn.
Bị Sơn Nam tiên sinh sử “ưng trảo cầm nã thủ” chụp đúng yếu huyệt “mạch môn”, tôi hạ giọng năn nỉ:
- Em xin lỗi anh. Xin anh đừng nói lớn.
- Lỗi phải gì mầy ơi. Hồi hai mươi tuổi, mầy đã nói dóc tổ mẹ rồi. Tao nghe bài hát Thu, hát cho người của mầy mà buồn cười: “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư”. Văn chương bay bổng, tình ý chân thành nhưng xin lỗi mầy, mầy nói dóc có căn có đế. Tao đã ra chơi đất Quảng Nam, thấy cây sim trên rừng Quảng Nam của mầy lùn beo, thấp xỉn. Mùa thu miền Trung trời nắng chang chang, mầy ngồi chỗ nào dưới gốc sim mà đợi con nhỏ đó tới? Mà cái rừng sim thưa rỉnh thưa rảng, con nhỏ đó có vác mặt tới thì mầy “mần ăn” gì được?
Tôi thiếu điều quỳ lạy ông Sơn Nam:
- Hồi đó, em còn ngây thơ trong trắng, chưa biết và cũng chưa dám “mần ăn” gì. Xin anh nói nho nhỏ, đủ nghe. Nói thật với anh, khi viết ca khúc, em cũng có nói dóc chút đỉnh trong ca từ như anh nói. Ca từ trong ca khúc mà không nói dóc thì cũng chẳng ra hồn vía gì. Em xin hứa với anh, qua năm tới, em không nói dóc nữa.
(Còn nữa)
VŨ ĐỨC SAO BIỂN