Nói láo Quảng Nam là một loại hình văn hóa trí tuệ. Một người nói láo; năm sáu người ngồi nghe. Câu chuyện nói láo được họ ghi nhớ rồi kể lại cho những người khác nghe. Cứ thế, nó trở thành một thứ văn chương dân gian truyền khẩu. Tính dị bản tất yếu phải có. Người ta có thể kể một chuyện nói láo được nghe từ một người khác và bảo đó là của mình. Không sao, ở đây không đặt ra vấn đề bản quyền, vấn đề sở hữu trí tuệ. Một chuyện nói láo ở Điện Bàn có thể được một người đem kể lại ở Tam Kỳ. Anh ta có thể thay thế nhân danh, địa danh cho phù hợp, miễn là việc kể lại không phương hại đến nội dung căn bản của câu chuyện.
|
Mấy chục năm trước, phương tiện giải trí chưa có hoặc chưa nhiều thì nói láo và muốn nghe nói láo là một cách giải trí bình dân, hữu hiệu và phổ biến nhất. Đêm trăng sáng, người ta trải chiếc chiếu ngoài sân. Người lớn ngồi trong chiếu uống trà; trẻ con ngồi chầu rìa bên ngoài. Tất cả đều vểnh tai, há miệng chờ nghe nói láo. Một người nào đó ăn nói có duyên, nhớ được nhiều chuyện nói láo thiên láo địa, bèn kể ra.
Nói láo là một nghệ thuật. Đầu tiên, người nói láo phải đặt câu chuyện của mình vào một cơ sở thực tế nào đó. Trên nền tảng đó, người nói láo thêu dệt ngôn từ hợp lý, kết cấu tình huống cho chặt chẽ để đẩy câu chuyện đi xa sự thật. Trong khi nói láo, người ta phải thể hiện kịch tính, phải chọn lọc ngữ thanh, ngữ khí làm như là câu chuyện ấy có thật, nhấn nhá sao cho hấp dẫn để đưa người nghe vào mê hồn trận. Thế rồi câu chuyện kết thúc một cách đột ngột khiến cho người nghe bật cười. Người xưa có câu “Lộng giả thành chân”. Nghệ thuật nói láo đi ngược lại quy trình đó. Nó là tác động “Lộng chân thành giả”.
Nói láo cũng là một cách cãi trong thói hay cãi của người Quảng Nam. Nói láo nhiều khi được dùng như một phản ứng, một cách biểu thị thái độ không đồng tình trước một người, một sự việc. Nó là một biểu hiện của công phu cãi. Thiệt chiến mà. Người Quảng Nam dùng cách nói láo một cách khéo léo để cãi lại một người, một hành động mà họ không đồng tình. Câu chuyện sau đây của ông Chánh Thị (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ ngày nay) là một thí dụ.
Ông Chánh Thị trên 70 tuổi, là một nhân vật “gân guốc” của xã Kỳ Kim (tên gọi trong thời chống Pháp của xã Tam Thăng). Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, một toán lính bảo an kéo về chiếm đóng Kỳ Kim. Họ vào nhà ông Chánh Thị xin ở nhờ. Ngày nào, viên thượng sĩ chỉ huy toán lính cũng xách súng đi bắn chim cu đất làm thịt nhậu. Anh ta vặt lông chim, lông chim bay đầy nhà ông Chánh Thị nên ông rất bực.
Một hôm, ông Chánh Thị thấy viên thượng sĩ xách xâu chim về, nói ngay:
- Mấy ông bắn chim cu chỉ là nổ súng ồn ào. Hồi tôi trẻ, đi thổi ống sì đồng, một ngày cũng được vài ba chục con chim.
Viên thượng sĩ ngạc nhiên:
- Úi chao! Bác thổi bằng đạn gì?
- Tôi thổi bằng hột é!
Làng Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) có một ông già nói dóc rất giỏi. Tên ông là Trưởng Nhơn. Ông này là một trong những thần tượng của tôi, đã được tôi khắc họa chân dung trong truyện ngắn Ông Trưởng Nhơn. Năm tôi lên chín tuổi thì ông đã ngoài sáu mươi. Ông chuyên bưng một cái rổ, trong đó đựng các món đũa tre, ống thổi lửa, cặp nhắc (một đồ vật dùng kẹp nồi niêu nóng, đem ra khỏi bếp lửa) và mấy gùi lá xông đi bán dạo ở chợ Bàn Thạch.
Ông Trưởng Nhơn hay nói vè. Mỗi khi đến chợ, ông đem một đôi đũa gõ vào cái ống tre lớn và nói bài vè Nói láo - một “đặc sản” được truyền tụng khắp đất Quảng Nam: “Ngồi buồn nói chuyện láo thiên/ Hồi hôm họ rủ tui đi khiêng ông trời/ Ra đồng thấy muỗi đớp dơi/ Bù hung đám giỗ lại mời ông voi/ Nhà tui có một bụi khoai/ Đào lên một củ nấu vài nồi dư/ Nhà tui có một bụi từ/ Đào lên một củ lăn hư con đường/ Xuống sông bắt một con lươn/ Cái thịt tui làm chả còn cái xương tui đẽo cày…/ …Nhà tui có một cái ang/ Gặt lúa cả làng đổ lại còn lưng/ Nhà tui có một bụi gừng/ Đào lên một củ ước chừng đòn xeo/ Nhà tui có một con mèo/ Khi mô hết thịt, nó lên đèo bắt nai/ Nhà tui có con chó thậm tài/ Đánh hơi chồn ngận mười hai đêm ròng/ Ra đồng bắt một con còng/ Thịt bán chín đồng rưỡi, bộ lòng tui xỏ xâu/ Ông già tui có một sợi râu/ Cắt ra làm thành bốn dây câu cá chình/ Thiên hạ nghe tôi nói láo thất kinh/ Ở tỉnh ni ai ai cũng nói láo chớ phải một mình tôi láo đâu”.
Nếu đúng như câu kết của bài vè này thì phần lớn người Quảng Nam quả có năng khiếu… nói láo lỗi lạc. Có lẽ nhờ đắc thủ truyền thống ấy mà ông Trưởng Nhơn quảng cáo các mặt hàng của mình bằng ngôn ngữ nói láo rất ấn tượng.
- Mi thấy cái cặp nhắc ni có người chê là mảnh (mỏng quá). Mảnh răng được mà mảnh? Nấu một nồi mười cơm, cặp vô khiêng đi tới Huế còn được.
Ông Trưởng Nhơn nói tới Huế mặc dù ông chẳng biết Huế ở đâu. Suốt ngày, ông chỉ qua chợ Bàn Thạch bán rồi về lại nhà mình. TP.Hội An sát bên nách mà ông còn không biết, nói chi tới Huế?
Có người lại hỏi mua ống thổi lửa. Ông Trưởng Nhơn bảo:
- Ống thổi lửa của tui khỏi cần thổi. Bà kê vô tới bếp là hắn đỏ liền hè.
Ông quảng cáo lá thuốc xông:
- Gùi lá xông ni hay lắm, còn tốt hơn thuốc bắc của ông Cửu Bảy Đình. Hôm tê, bà Hương Chư đau nằm liệt giường liệt chiếu, tay tưởng đâu đã bắt chim chim (rúm lại, ý nói sắp chết). Tui dộng cho bả ba gùi; chiều hôm nay bả đã xách rổ đi chợ, cãi một chặp rồi còn muốn đánh lộn với mấy bà bán cá nữa!
Có hôm, tôi thấy ông ngồi vót đúng ba sợi lạt tre, chuốt đi chuốt lại thật đẹp. Tôi hỏi:
- Ông ơi, răng ông vót có ba sợi?
- Nhà tau có con chó khôn lắm, chỉ ghét cái hay sủa dai. Hôm qua, tau có ông bạn tới chơi; hắn sủa miết, biểu nín không nín. Sẵn cái đòn tre, tau dộng lên đầu hắn một cái làm cái sọ hắn nứt ra làm hai. Tau vót ba sợi lạt để chiều ni về bó lại cái sọ cho hắn.
Hôm sau, tôi gặp ông hỏi thăm tình trạng sức khỏe con chó. Ông nói:
- Hắn ăn cơm với ngoắc đuôi lại được rồi. Nhưng do cái sọ chưa lành hẳn nên hắn sủa… nghe còn rè rè.
Tôi đã học được kỹ năng hài hước qua cách nói láo của ông Trưởng Nhơn. Lớn lên đến 30 tuổi, tôi đã có thể viết được trên báo Tuổi Trẻ; tới 36 tuổi, đã có thể viết trên báo Tuổi Trẻ Cười và báo Thanh Niên.
(Còn nữa)
VŨ ĐỨC SAO BIỂN