Những chuyện sau đây là do tôi được nghe kể và xin thuật lại để bạn đọc cùng giải trí với cách nói láo của người Quảng Nam.
|
Cột pháo “trị” ông ba mươi
Chuyện này của ông Bốn Cang, người xã Tam Đàn, Phú Ninh kể. Ông nói thời 1950, xã còn nhiều rừng và truông mây. Một hôm, ông đi đếm bò, thấy thiếu mất nửa con bò, mà xương bò lại vương vải. Ông biết có cọp về ăn bò, tức mình quyết trị con cọp.
Ông lựa một truông mây độc đạo, ngay chỗ có hai gộp đá lớn chỉ đủ cho một đứa con nít đi lọt qua. Phía trên gió, ông đóng một cái trụ, cột con heo nhỏ làm mồi nhử.
Một buổi chạng vạng, con heo mồi kêu eng éc. Biết cọp về rồi, cả ba cha con sè sẹ đi dưới gió. Con cọp ngồi giữa gộp đá rình mồi, cái đuôi lúc lắc, đầu hướng về phía con heo. Theo kịch bản đã phân công, hai người con chạy tới… túm đuôi con cọp ghì mạnh ra sau, hai chân tỳ vào gộp đá giữ thế. Cọp phản ứng dữ dội nhưng không cách chi quay ngược đầu lại được.
Ông Bốn Cang nhanh nhẹn cột dây pháo vào đuôi cọp rồi lấy thùng diêm (hộp quẹt) châm lửa. Pháo nổ, hai người con ông buông đuôi cọp ra. Cọp sảng hồn đâm đầu chạy. Nó càng chạy thì pháo càng nổ dữ dội, mấy phút sau mới hết nổ. Từ đó, cọp kiềng mặt ông, không dám mò về Tam Đàn nữa!
Câu cá ngạnh hàng loạt
Chuyện này của ông Phó Bảy, người câu cá nổi tiếng ở chợ Bàn Thạch (Duy Vinh, Duy Xuyên) kể. Cá ngạnh hình thù giống y chang con cá chốt Nam Bộ; chỉ khác cá chốt ở chỗ da trên lưng nó đen. Cá ngạnh rất mê mồi. Hôm nào có mưa nguồn là ngày sau, cá ngạnh về đầy sông Bà Rén. Người ta câu cá ngạnh mỗi lần chỉ giật được một con nhưng ông Phó Bảy nói mỗi lần ông câu được từ ba đến bốn con.
Cách câu như vầy: Ông lấy một khúc phèo heo, chẻ ra làm bốn rồi cột vào dây câu. Cá ngạnh mê mồi, nhào tới ăn phèo, bốn con ngậm bốn miếng. Chúng rứt ra không được vì phèo dai nhưng không nỡ nhả bỏ vì sợ con khác ăn mất. Ông Phó Bảy nhè nhẹ kéo dây câu lên, vuốt một cái là cả bốn con cùng rơi vào trong giỏ của ông. Ông câu giỏi đến nỗi bầy cá ngạnh trong giỏ không có con nào chết. Có dính lưỡi câu đâu mà chết.
Con cò mạnh
Chuyện này của ông Hương Bường (Trần Bường), người xã Quế Phú (Quế Sơn) kể. Một hôm ông vác cây cần câu dài đi nhắp (câu rê) cá tràu (cá lóc). Móc con nhái bự vào lưỡi câu, ông kéo mấy đường vẫn không có con cá nào cắn câu. Ông nép mình sau đụn rơm, vụt mạnh đường câu vào bụi lác. Soạt một tiếng, cây cần câu ông cong vút lại, tưởng đâu dính cục đá.
Hóa ra, một con cò lớn đã ăn miếng mồi. Con cò giương hai cánh, bay lên. Sợ mất cây cần câu, ông Hương Bường quyết giữ gốc cần thật chặt. Con cò kéo ông bay lơ lửng trên mặt ruộng rồi bay dọc sông Bà Rén lên hướng Duy Xuyên. Sau cùng, ông Hương Bường mỏi tay, sợ té chết bất tử, lên tiếng năn nỉ: “Tau biết mi mạnh rồi. Thôi mi cho tau xuống đất về nhà với bả, mi bay đâu thì bay đi”.
Nói xong, ông buông cần câu, rớt tõm xuống giữa sông Bà Rén. Con cò mang cần câu của ông bay biệt dạng.
Cái chi cũng có độ giạt
Câu chuyện nói dóc sau đây do ông Lê Hoàng Linh, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, kể lại. Chuyện khá thú vị, cho thấy “công phu cãi” của người Quảng Nam.
Ba anh bạn gặp nhau. Một anh ở huyện miền núi Bắc Trà My khoe:
- Tui trồng một vườn quế. Quế mới ba tuổi mà có một cây cao tít lên khỏi mây xanh, đụng tới trời.
Anh ở huyện Duy Xuyên, hạ du sông Thu cãi liền:
- Ông nói dóc quá. Làm chi có chuyện cây quế mọc lên mà đụng tới trời?
- Ời, thì còn khoảng vài chục thước là tới trời.
Anh Duy Xuyên vừa cãi, vừa khoe:
- Thà ông nói vậy tôi nghe còn được. Vừa rồi, làng tui mới đóng con thuyền dài lắm. Hễ xoay ngang nó một cái thì hai đầu thuyền chạm vào hai bên bờ sông Thu, người ta cứ rứa mà bước lên bờ, khỏi cần bơi chèo chi hết.
Anh Bắc Trà My phản đối:
- Làm chi có thuyền dài như rứa?
- Ờ, thì nói ngay là nó chưa đụng tới bờ, chỉ cách bờ chừng một vài thước.
Anh thứ ba người TP.Tam Kỳ, trầm ngâm:
- Lạ lắm mấy ông nghe. Hôm qua trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam mình, có chị nớ sinh con ra từ lỗ rún.
Hai anh còn lại gân cổ ra cãi:
- Chuyện tào lao. Nói láo quá sức rồi. Làm chi có ai đẻ được từ lỗ rún?
- Ời, thì như chuyện của hai ông, chuyện của tui cũng có một chút độ giạt. Chị ấy sinh con dưới lỗ rún một gang tay!
Còn đây là một chuyện có thật mà cứ tưởng như… nói láo.
Mẹ Quảng Nam giỏi hơn bác sĩ Pháp
Thời chống Pháp, trong lực lượng bộ đội Việt Minh Quảng Nam, có ông Kostas Sarantidis người Hy Lạp bỏ hàng ngũ Pháp về cùng Việt Minh tham gia đánh Pháp. Sarantidis được đặt tên Việt là Nguyễn Văn Lập. Ông là người bắn giỏi, đã từng dựng đứng khẩu đại liên, bắn rơi chiếc máy bay Morane của Pháp trên ga Phú Cang (Thăng Bình), bắt sống 3 sĩ quan Pháp. Một hôm ăn trưa xong, ông Sarantidis bị đau bụng dữ dội. Bụng ông trương lên nhưng đơn vị không có bác sĩ, không thuốc men nên không biết cách chi mà chữa.
Một bà mẹ Quảng Nam thấy chiến sĩ bị đau lăn lộn, bảo:
- Bay đưa hắn vô nhà mẹ đi!
Đồng đội đưa ông Sarantidis vào nhà. Mẹ ra sau bếp, lấy con dao mỏng cạo nhẹ lớp mùn trên mặt tấm thớt làm cá. Bà hòa lớp mùn ấy vào nửa chén nước, bảo:
- Bay cho hắn uống đi.
Sarantidis nhắm mắt, uống hết “dung dịch” ấy vào bụng. Uống xong, ông nghe miệng mũi tanh ói, ọe lên một tiếng rồi nôn thốc nôn tháo. Đợi cho anh chiến sĩ nôn xong, bà mẹ bảo đồng đội cho anh súc miệng, rửa mặt. Rồi bà nấu nước chè tươi, giã nát củ gừng, pha một chén đem cho Sarantidis uống. Uống chén nước gừng mươi phút sau, Sarantidis tháo mồ hôi, bụng nghe nhẹ tênh. Cơn đau biến mất.
Ông chắp tay lạy bà mẹ:
- Con xin lạy tạ ơn mẹ. Mẹ đã cứu sống con! Mẹ ơi, mẹ cho con uống cái chi mà hay rứa?
Bà mẹ cười:
- Nó là… nhớt cá trên mặt thớt đó con. Tau làm cá ít khi rửa thớt. Nó tanh nên con uống vào phải ói. Mà ói ra thì bụng mới nhẹ được. Đây là do mi trúng thực mà đau bụng.
Từ đó về sau, đi đánh Pháp ở đâu, Sarantidis cũng nói:
- Bà mẹ Quảng Nam chữa bịnh đau bụng giỏi hơn mấy tay bác sĩ Pháp nhiều.
- Bả cho ông uống thuốc chi?
- Nhớt cá trên mặt tấm thớt!
VŨ ĐỨC SAO BIỂN