Nỗi lo "bá đạo"

NGUYỄN TAM MỸ 23/11/2014 09:49

Trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT) bùng nổ như hiện nay, internet kết nối toàn cầu, “thế giới phẳng” đã trở thành hiện thực. Những tiện ích mà CNTT mang lại, ai ai cũng nhìn thấy được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặt trái của nó khiến cho dân văn nghệ ngày đêm nơm nớp nỗi lo “bá đạo”. “Bá đạo” mà người viết bài này đề cập không phải là đạo giáo mà là... đạo chích! Khai thác triệt để những tiện ích của CNTT, những kẻ bất tài nhưng lại háo danh trong làng báo, làng văn nghệ cứ vô tư “chôm chỉa”, “cầm nhầm”, thậm chí cố tình biến tác phẩm của người khác thành của mình rồi đem “trình làng” không một chút ngượng ngùng, xấu hổ.

Nói có sách, mách có chứng. Ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng hiện lùm xùm vì bị cư dân mạng tố cáo tác giả “thuổng” phần nhạc trong một ca khúc của nhạc sĩ xứ Kim chi. Tập thơ “Nỗi niềm” của “nhà thơ” Vương Chất có không ít bài tác giả “cầm nhầm” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Mai và một số nhà thơ khác. Khi vụ việc bị phát hiện, Nhà xuất bản Văn học phải thu hồi tập thơ “Nỗi niềm” để hủy. Tác phẩm ảnh “Sắc phục Chăm” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Hữu Tuấn (Bình Thuận) bị ông Bùi Vy Vân cũng là dân trong làng nhiếp ảnh “thuổng” về “mông má” lại rồi “hô biến” thành tác phẩm ảnh Ruminant để gửi tham gia cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế ISF2014. Bị tố giác “ăn cắp” ảnh người khác làm thành ảnh của mình, “đạo chích” Bùi Vy Vân nói tỉnh bơ: “Tôi thấy bức ảnh đó trên mạng đẹp thì lấy thôi... Với lại, tôi cũng nghĩ nếu chỉ gửi bức ảnh đó dự thi ở các cuộc thi quốc tế thì cũng... không ảnh hưởng gì (!)”. Ôi, cái lý của “đạo chích” Bùi Vy Vân thật quá đỗi ngây ngô và vô liêm sỉ!

Tuy là tỉnh lẻ, lại nằm giữa “khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”, hoạt động văn hóa văn nghệ không sôi động bằng hai đầu đất nước, nhưng tình trạng “bá đạo” ở Quảng Nam vẫn âm thầm diễn ra. Giới nhiếp ảnh ở TP.Hội An tá hỏa khi phát hiện ra công ty nọ, khách sạn kia “đạo” cả trăm bức ảnh nghệ thuật của anh em trong giới đem in sang với đủ kích cỡ to nhỏ để bài trí trong khách sạn, bán cho du khách gần xa đến tham quan phố cổ. Vụ việc vỡ lở. Công an vào cuộc. “Đoạn kết” rồi sẽ ra sao? Ai mà biết được! Việc “đạo thơ” ở Quảng Nam cũng đã xảy ra ít nhất là 3 trường hợp, “tiêu biểu” là trường hợp “nhà thơ” C. biến bài thơ của nhà thơ Văn Công Hùng thành của mình rồi đem đăng báo. Còn văn? Người viết bài này từng là nạn nhân của “ai đó” không rõ danh tính đã ăn cắp nhiều chương, nhiều đoạn trong tập truyện dài “Tuổi thơ trong chiến tranh” đem đăng trên báo K.H. Cũng may, “ai đó” vẫn để nguyên tên tác giả, chỉ khác tên kẻ nhận nhuận bút nên người viết bài này ngán ngẩm cho qua!

Là vùng đất năng động, trong những năm gần đây, hoạt động báo chí ở Quảng Nam khá sôi nổi. Và những kẻ “đạo báo” háo danh cũng “theo đóm ăn tàn”. Họ lên mạng copy bài viết của người khác đem về “mông má”, “luộc xào”, “lộn trái”, “lộn phải”... rồi xóa tên tác giả đích thực và điền tên mình vào, đăng báo. Có kẻ ăn cắp mỗi tháng gần 70 bài báo của người khác gửi cộng tác với tờ báo X. “Sức làm việc” của kẻ ăn cắp khiến tòa soạn tờ báo X. nghi ngờ nên lên mạng kiểm tra xem. Thì ra, đó là “chuyên gia ăn cắp siêu hạng”. Và kể từ đó, tòa soạn tờ báo X. vĩnh viễn nói lời “bái bai” với “chuyên gia ăn cắp siêu hạng”. Khi lòng tự trọng và nhân cách con người không tỷ lệ thuận với sự phát triển của CNTT thì nỗi lo “bá đạo” của dân văn nghệ không thể vơi đi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài loại bỏ những kẻ “đạo chích” như vừa kể để làm trong lành môi trường hoạt động văn hóa văn nghệ...

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo "bá đạo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO