(QNO) - Qua tổng kiểm tra các bến khách ngang sông trước dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 của ngành chức năng, nỗi lo mất an toàn giao thông (ATGT) lại hiện hữu khi nhiều bến chưa được cấp phép, phương tiện chưa được đăng kiểm, người điều khiển chưa có bằng cấp đúng quy định vẫn đang hoạt động.
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra tại bến khách ngang sông Duy Tân. Ảnh: N.B |
Đủ dạng vi phạm
Ở bến đò Duy Tân (xã Duy Tân, Duy Xuyên), mỗi ngày người lái phương tiện thủy nội địa miệt mài đưa khách trên sông Thu Bồn, qua bờ bến đò Phú Thuận, thuộc xã Đại Thắng của huyện Đại Lộc và ngược lại. Chủ bến và chủ phương tiện đều xuất trình được những giấy tờ liên quan về giấy phép mở bến, phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển đảm bảo chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Duy có một điều, hành khách sang sông đều không sử dụng phao cứu sinh, mà chỉ vội vã cầm mặc khi người lái hối thúc do thấy lực lượng chức năng ra tận nơi tiến hành kiểm tra. Cùng với đó, bảng nội quy treo cách khá xa khu vực bến ghe đậu, bảng giá thì “èo uột” như để đối phó.
Tại bến đò Lam Phụng (xã Đại Đồng, Đại Lộc), giấy phép mở bến tại lý trình km14+000 - km14+500 bờ trái sông Vu Gia đã hết hạn sau ngày 27.12.2016, ghe mang số hiệu QNa-0091 hết hạn đăng ký, đăng kiểm. Trong lúc, ông Lê Văn Bảo chỉ có chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất nhưng vẫn điều khiển ghe có sức chở 12 người trở lên đưa khách sang bến đò Thuận Mỹ (xã Đại Phong, Đại Lộc). Áo phao thì quá cũ, rách rưới và lại cột thành một chùm bỏ đống dưới lòng ghe. Nếu lỡ xảy ra sự cố chìm đò, hành khách quơ lấy, bấu víu vào một vật dụng cứu sinh chẳng dễ dàng và nhanh chóng chút nào.
Phao tròn, áo phao cột dính đùm bỏ trong lòng ghe QNa-0091. Ảnh: N.B |
Đoàn kiểm tra các điều kiện theo quy định về hoạt động của bến thủy nội địa, phương tiện và người lái do Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) - ông Trương Văn Sơn làm trưởng đoàn tiếp tục đặt chân đến xã Quế Trung (Nông Sơn). Qua kiểm tra cho thấy, tại lý trình km20+200 - km20+220 bờ trái sông Thu Bồn, Sở GTVT đã cấp lại giấy phép mở bến Đại Bình vào ngày 19.9.2017 đến ngày 19.9.2022 cho UBND xã Quế Trung. Ngành chức năng yêu cầu trong thời gian hoạt động, chủ bến có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa và các quy định có liên quan. Vậy nhưng, con đò hàng ngày đưa hàng trăm người dân qua bến đò phía bên kia sông, thuộc địa phận thôn Trung Phước 1 thì đã hết hạn đăng kiểm. Điều đó đồng nghĩa với việc phương tiện chưa được kiểm định để chứng minh đảm bảo an toàn khi hoạt động. Chưa hết, phía bờ thôn Trung Phước 1 chưa có giấy phép mở bến do Sở GTVT cấp. Lái đò Võ Văn Chước thừa nhận, bản thân biết rằng vận chuyển trong tình cảnh như thế này là vi phạm, song không còn cách nào khác. Bởi vì, người dân thôn Đại Bình phải qua lại trung tâm xã để buôn bán, học tập, lao động và nhu cầu sử dụng đò ngang là cấp thiết.
Ách tắc do con người
Một người dân thôn Đại Bình cho hay, mỗi hộ nơi đây hàng năm tự nguyện nộp 240 nghìn đồng để thuê người và phương tiện vận chuyển họ qua lại đôi bờ sông cách trở. Người ở nơi khác đến nếu có đi thì đưa bao nhiêu đồng tùy thích. Bà Hội - một người dân thôn Đại Bình chia sẻ với chúng tôi, họ chỉ mong nơi đây có một cây cầu, song mơ ước đó còn xa vời. Chính vì vậy, việc duy trình hoạt động của bến đò ngang là xác đáng, bởi lẽ bà con còn qua trung tâm xã vào chợ giao thương, hoặc tỏa ra đi lao động, hội họp, trẻ em đến trường học tập… Khách du lịch cũng có thể chọn cách thức di chuyển bằng đường thủy nội địa để thưởng ngoạn quan cảnh làng quê sông nước.
Tuy nhiên, vấn đề không ổn là việc quản lý, kiểm tra, giám sát lại được UBND xã Quế Trung giao toàn quyền cho chính quyền thôn. Bến bờ thôn Trung Phước 1 chưa được cấp phép mà địa phương vẫn cho đò ngang hoạt động là trái quy định của pháp luật. Trải lòng mình, Trưởng ban Nhân dân thôn Đại Bình - ông Nguyễn Đình Bá mong rằng, UBND xã Quế Trung cần sớm làm văn bản gửi cấp có thẩm quyền và ngành chức năng xem xét, cấp giấy phép mở bến phía thôn Trung Phước 1. Bộ GTVT cũng cần phân cấp cho trung tâm đăng kiểm đóng tại địa bàn Quảng Nam kiểm định phương tiện thủy nội địa như trước đây. Vì mỗi lần gần hết hạn đăng kiểm, chủ phương tiện phải liên hệ tận Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đóng tại TP.Đà Nẵng để làm thủ tục. Sau đó, tiếp tục chờ đăng kiểm viên vào kiểm tra, rồi lại hẹn ngày ra nhận tem thì tem đăng kiểm cũ đã quá hạn.
Con em thôn Đại Bình qua lại đi học bằng đò ngang. Ảnh: N.B |
Cũng vì lý do trên, ông Lê Văn Bảo giải trình, bản thân không nắm bắt được thông tin phải ra Chi cục Đăng kiểm số 4 liên hệ kiểm định. Mãi đến thời điểm đoàn kiểm tra đến, ghe mang số hiệu QNa-0091 chưa được đăng kiểm lại (hết hạn sau ngày 6.4.2018). Biện minh về việc giấy phép mở bến hết hạn từ lâu nhưng không gia hạn, ông Lê Văn Bảo khẳng định đã nhiều lần liên hệ với phòng ban chuyên môn của UBND huyện Đại Lộc để được hướng dẫn. Nhưng bây giờ, khâu cấp phép thuộc thẩm quyền của Sở GTVT chứ không còn do UBND huyện ra quyết định như trước đây nữa.
Một thành viên đoàn kiểm tra cho rằng, lẽ ra, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn hoặc trực tiếp liên hệ làm việc, xin gia hạn giấy phép mở bến do mình quản lý, giám sát cũng như phục vụ chính nhân dân trên địa bàn nói riêng. Còn theo chúng tôi, những bất cập, khó khăn về địa điểm, thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện; nơi chịu trách nhiệm cấp giấp phép mở bến vừa phản ánh ở trên cần được cấp có thẩm quyền, ngành chức năng xem xét thấu đáo, kiến nghị trung ương tháo gỡ. “Chúng tôi nghỉ đưa đò thì không biết làm nghề gì nữa. Tiền thu hàng ngày không được bao nhiêu, chủ yếu phục vụ nhân dân là chính mà cứ bị kiểm tra, xử phạt như thế này thì mệt mỏi lắm!” - ông Lê Văn Bảo nói.
Trước những vi phạm được phát hiện, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tạm dừng hoạt động của phương tiện cho đến khi được chứng nhận đã đăng kiểm. Đồng thời, đoàn yêu cầu chủ bến tạm dừng đưa đón khách cho đến khi có giấy phép hoạt động bến khách ngang sông do cơ quan có thẩm quyền cấp. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Trương Văn Sơn cho biết, sau đợt tổng kiểm tra này, đơn vị sẽ tham mưu Sở GTVT có văn bản gửi các địa phương có bến khách ngang sông, phương tiện, người lái vi phạm pháp luật về trật tự ATGT khẩn trương chấn chỉnh, phối hợp để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa hoạt động vận chuyển đường thủy nội địa ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo an toàn tính mạng con người.
NGỌC BÍCH