Nỗi lo cháy tàu cá - Bài 1: Thiếu an toàn

NGUYỄN QUANG VIỆT 29/02/2016 08:44

Hàng loạt vụ cháy tàu cá xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã làm nhiều ngư dân khốn đốn, trong khi đó công tác phòng chống cháy nổ cho phương tiện khai thác hải sản hiện nay vẫn còn lỏng lẻo.

Ngư dân Phạm Cương bên con tàu bị cháy. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân Phạm Cương bên con tàu bị cháy. Ảnh: QUANG VIỆT

BÀI 1: THIẾU AN TOÀN

Các vụ cháy tàu xảy ra gần đây đều có nguyên nhân chung là chập điện và không thể chữa cháy kịp thời, tàu bị thiêu rụi hoàn toàn. Vì vậy việc đề cao cảnh giác với các nguy cơ cháy nổ và thiết kế hệ thống điện khoa học là vấn đề cấp thiết…

Nhiều nguy cơ

Từ năm 2014 đến đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy tàu cá gây thiệt hại nặng nề dù cho lực lượng phòng cháy chữa cháy của tỉnh đã có mặt kịp thời và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Gần đây nhất, vào đêm 11.2, con tàu QNa-91029 của 2 ngư dân Huỳnh Văn Kỳ và Phạm Cương (cùng trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Ông Huỳnh Văn Kỳ cho biết, lúc đó gió rất mạnh, ngọn lửa lan nhanh qua nơi bố trí 5 nghìn lít dầu hỏa. Khoang tàu bít bùng mà ngọn lửa bao trùm hết thân tàu nên không thể nào chữa cháy được. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là chập điện. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ ở riêng các tàu đã bị cháy mà phần lớn các tàu được đóng mới trước đây đang hoạt động đến thời điểm này đều bố trí hệ thống điện rất chằng chịt. Dọc theo boong tàu, các dây điện được dẫn và ghim vào thân tàu thiếu ngăn nắp. Ở nhiều đoạn, các đầu dây chồng lên nhau, thậm chí có dây bị hở đầu nối. Trong khi đó, ở các hầm bảo quản sản phẩm, chuột thường đến tìm thức ăn và cắn phá gây hư hỏng các dây điện được mắc nối chồng chéo, tạo nguy cơ chập điện.

Từ năm 2014 đến đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy tàu cá gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: QUANG VIỆT
Từ năm 2014 đến đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy tàu cá gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: QUANG VIỆT

Mặt khác, rất dễ nhận thấy, ở các tàu cá của ngư dân Quảng Nam thường không có các phương tiện phòng cháy chữa cháy phù hợp, để dập tắt ngay đám cháy khi mới phát ra. Ngay cả bơm cứu hỏa, vòi cứu hỏa, đường ống dẫn nước dùng cho cứu hỏa cũng chưa được ngư dân trang bị. Trong khi đó các thiết bị phát hiện và cảnh báo đám cháy bằng cảm biến hay chuông báo đều chưa được ngư dân lắp đặt trên tàu của mình. “Tàu cá hiện đại, bố trí đầy đủ các trang thiết bị cần thiết thì ngư dân nào chẳng thích. Có điều sử dụng nó không dễ mà chúng tôi thì có được tập huấn, trang bị kiến thức đó đâu. Vả lại, trong suy nghĩ của chúng tôi thì bố trí được cái gì hay cái đó, mình chạy vạy vay mướn đóng tàu rất khó khăn nên cứ hoàn thiện dần dần” - ngư dân Phạm Cương nói.

Gặp lại chúng tôi, ngư dân Đỗ Văn Trầm (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) vui mừng báo tin đã nhận được tiền bảo hiểm tàu cá là 1 tỷ đồng sau khi con tàu QNa-91685 của ông bị cháy hồi cuối năm 2013 (Báo Quảng Nam đã phản ánh). Ông Trầm cho biết, với số tiền bảo hiểm nhận được, gia đình sẽ làm vốn đối ứng cộng với vốn vay ưu đãi từ Nghị định 89 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép, hoạt động lâu dài trên các vùng biển xa của Tổ quốc.

Theo nhiều ngư dân, ngành chức năng cần công bố quy trình lắp đặt điện có tính quy chuẩn để ngư dân tham khảo, học tập và có cách bố trí phù hợp trên tàu cá của mình nhằm hạn chế chập điện, gây cháy tàu cá. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết đã làm việc và đề xuất với Sở NN&PTNT thu thập các tài liệu khoa học về lắp đặt hệ thống điện an toàn trên tàu cá, qua đó tập huấn và khuyến cáo ngư dân học tập, trang bị trên tàu của mình. “Ngư dân chúng ta vẫn còn duy trì tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khai thác hải sản. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân thay đổi ý thức, quan niệm về đánh bắt hải sản, qua đó đầu tư cho tàu cá của mình bài bản hơn, trước hết là từ hệ thống điện an toàn cho tàu cá” - ông Thịnh nói.

Cần thiết kế lại hệ thống điện

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trí (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang), chủ tàu câu mực khơi QNa-90947 bị cháy vào ngày 4.3.2015 cho biết, hầu như dây điện được mắc nối ở khắp khoang trên tàu cá. Theo đó, chỗ nào thuận tiện thì bố trí các trang thiết bị điện để tiện sử dụng khi ngư dân sinh hoạt trên tàu. Từ xưa đến nay, tập quán sản xuất của ngư dân là vậy nên thiết kế điện trên tàu cá rất thiếu khoa học. Từ ắc quy cho đến các thiết bị chiếu sáng, đèn pha, máy Icom, máy bơm nước được bố trí tùy chỗ nào ngư dân dễ với lấy sử dụng thì lắp đặt. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết thêm: “Việc thiết kế và lắp đặt các thiết bị điện trên tàu cá của ngư dân trước đây không theo một quy chuẩn nào, gọi chung là thiết kế theo phong tục truyền thống, chỗ nào ưng ý thì bố trí. Các dây điện được mắc nối chồng chéo, lấn lên nhau rất dễ chập điện lỡ khi bị trầy xước”.

Tàu cá QNa 91029 bị cháy, không thể sửa chữa được gì.
Tàu cá QNa 91029 bị cháy, không thể sửa chữa được gì.

Theo ông Châu, chính quyền xã khuyến cáo ngư dân khi lắp đặt hệ thống điện trên tàu cá phải có cầu dao để đóng hoặc ngắt điện. Dây dẫn phải đảm bảo tiết diện cho phép và được luồn trong ống bảo vệ để tránh bị chập mạch nối cũng như tác động trực tiếp với nguồn nhiệt, xăng dầu. Các kẹp dẫn điện nối với bình ắc quy phải chắc chắn, có chụp bảo vệ đảm bảo để khắc phục tình trạng phóng điện, chạm và chập điện. Còn theo ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT Núi Thành, thời gian qua, ngành thủy sản của huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an Quảng Nam) để tổ chức tập huấn, trang bị cho ngư dân các kiến thức về nguy cơ cháy tàu và khắc phục sự cố khi phát hiện đám cháy. Theo đó, ngư dân cần đảm bảo buồng lái, hầm máy thông thoáng, sạch sẽ, không để xăng dầu rò rỉ hoặc chảy tràn gây cháy, nổ. Ống xả khí thải của động cơ nổ trên tàu phải xả ra bên ngoài, không được xả trực tiếp vào buồng máy. Khi thắp hương, thắp đèn dầu, đốt cháy đồ cúng phải cẩn thận, tuyệt đối không để lây lan đám cháy. Các bình gas, hàng hóa, vật tư, vật liệu trên tàu cũng cần bố trí ngăn nắp, gọn gàng, tránh xa nguồn điện và không dẫn điện.

Có thể nhận thấy, ở 8 vụ cháy tàu cá xảy ra trên địa bàn huyện Núi Thành trong thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an Quảng Nam đều điều động lực lượng và phương tiện cấp tốc đến ngay hiện trường, ra sức dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, do đường sá từ TP.Tam Kỳ đến Núi Thành quá xa cũng khiến cho nên việc chữa cháy thiếu hiệu quả. Vì vậy, huyện Núi Thành đề xuất tỉnh xem xét để có thể bố trí tại huyện một trung tâm hay trạm phòng cháy chữa cháy, qua đó xử lý đám cháy được nhanh gọn hơn. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho rằng, hiện tại lực lượng phòng cháy chữa cháy mới được bố trí ít ỏi ở vài địa phương như TP.Tam Kỳ, TP.Hội An. Ở Núi Thành và các địa phương ven biển, cần được nghiên cứu và có cơ chế riêng để bố trí phương tiện và lực lượng chữa cháy.

-------------------
Bài 2: Gian truân nhận bảo hiểm

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo cháy tàu cá - Bài 1: Thiếu an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO