Nỗi lo cháy tàu cá - Bài cuối: Gian truân nhận bảo hiểm

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/03/2016 08:35

Khi tàu cá không may bị cháy, ngư dân mua bảo hiểm đứng ngồi không yên, lo sợ không được bồi thường bảo hiểm theo luật định còn công ty bán bảo hiểm thì tìm cớ thoái lui. Sự việc chỉ được giải quyết khi tòa án vào cuộc.

  • Nỗi lo cháy tàu cá - Bài 1: Thiếu an toàn

Bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Thân rơi vào bế tắc gần 2 năm nay. Ảnh: Quang VIệt
Bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Thân rơi vào bế tắc gần 2 năm nay. Ảnh: Quang VIệt

Thoái thác trách nhiệm

Chiều ngày 26.2, gặp lại chúng tôi, ngư dân Huỳnh Văn Kỳ (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) chia sẻ: “Chừ cháy tàu rồi chỉ biết làm đủ mọi cách để mong nhận được tiền bảo hiểm của Tập đoàn Bảo Việt. Chỉ có vậy mới đóng lại được tàu mới, lại vươn khơi xa sản xuất trên biển cùng các bạn…”. Con tàu QNa-91029 là đồng sở hữu của gia đình ông Kỳ và ông Phạm Cương, người cùng thôn. Trước đó, con tàu QNa-91269 của riêng gia đình ông Cương cũng đã bị cháy vào ngày 28.6.2014. Từ đó đến nay, gia đình ông Cương vẫn chưa được nhận tiền bảo hiểm từ Tổng Công ty CP Bảo Minh (gọi tắt là Công ty Bảo Minh). Gia đình ông Cương điêu đứng gần 2 năm nay, 2 con tàu có giá trị hơn 6 tỷ đồng đã bị cháy, nằm trơ trọi giữa sông.

Khi sự cố xảy ra với tàu cá QNa-91269, gia đình ông Cương đã thông báo cho Công ty Bảo Minh. Công ty này đã cử người đến hiện trường theo dõi và thuê Công ty Giám định Thái Dương, Viện Khoa học hình sự đến giám định thiệt hại và xác định nguyên nhân tàu bị cháy. Theo yêu cầu của Công ty Bảo Minh, gia đình ông Cương đã cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan đến con tàu và bảo hiểm tàu cá, qua đó yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Vậy nhưng gần 4 tháng trôi qua, Công ty Bảo Minh bặt vô âm tín, không trả lời. Đột nhiên, ngày 21.10.2014, ông Cương nhận được công văn của Công ty Bảo Minh thông báo từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do được nêu ra là khi có sự cố, trên tàu không có thuyền viên trực tàu. Không thể làm gì hơn, ông Cương đã gửi đơn tìm công lý và ngày 13.8.2015, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Tam Kỳ đã mở phiên sơ thẩm xét xử tranh chấp này. Phiên tòa đã tuyên xử Công ty Bảo Minh phải trả tiền bảo hiểm cho gia đình ông Cương với số tiền là 2.355.594.000 đồng (sau khi đã trừ giá trị thu hồi tài sản bị thiệt hại mà ông Phạm Cương được nhận là 37 triệu đồng), trong đó tiền bảo hiểm thân tàu và máy móc là 2.318.181.818 đồng, chi phí giám định là 20.863.000 đồng và tiền lãi chậm trả của số tiền được bảo hiểm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 53.550.000 đồng. Theo thẩm phán Bùi Đình Nhi (TAND TP.Tam Kỳ), Công ty Bảo Minh đã sai khi cho rằng lúc tàu cá bị cháy, gia đình ông Cương đã không cử thuyền viên nào trực tàu mà thực tế là có con trai của ông Cương là Phạm Minh Tường túc trực trên tàu lúc đó.

Đã có quyết định thi hành án dân sự đối với Công ty Bảo Minh

Ngày 25.2, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ cho biết, đơn vị đã gửi quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của 2 ngư dân Phạm Việt và Phạm Cương đến Công ty Bảo Minh (quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Theo đó, trong vòng 10 ngày, khi nhận được quyết định, Công ty Bảo Minh phải thực hiện tự nguyện thi hành án, trả tiền bảo hiểm cho ông Phạm Việt là 2.111.620.000 đồng và ông Phạm Cương là 2.355.594.000 đồng. Nếu sau 10 ngày kể từ khi nhận quyết định, Công ty Bảo Minh không thực hiện trách nhiệm thì đơn vị thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ sẽ cưỡng chế, buộc Công ty Bảo Minh phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm theo tuyên xử ở cấp sơ thẩm của TAND TP.Tam Kỳ và cấp phúc thẩm của TAND Quảng Nam.

Sau tuyên xử của cấp sơ thẩm, Công ty Bảo Minh không đồng tình mà kháng cáo, TAND Quảng Nam đã xử phúc thẩm tranh chấp vào ngày 23.12.2015. Tại đây, Công ty Bảo Minh đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do thời điểm xảy ra sự cố, trên tàu cá QNa-91269 không có thuyền viên trực tàu. Ông Phạm Minh Tường trực tàu chỉ là con của ông Phạm Cương chứ không phải là thuyền viên trên tàu cá. Thẩm phán Cao Thị Huyền - Chủ tọa phiên tòa đã bác bỏ quan điểm trên và khẳng định: “Công ty Bảo Minh cho rằng người trực tàu lúc xảy ra sự cố không có tên trong danh sách thuyền viên trực tàu để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không chính xác”. Vì rằng, lúc này tàu đang neo đậu ở cảng, trách nhiệm trông giữ, bảo quản tàu cá chỉ do duy nhất chủ tàu quyết định, hoặc trực tiếp bảo quản hoặc thuê người khác bảo quản, nên giao cho con mình là Phạm Minh Tường túc trực là không sai. Do đó, tòa đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, Công ty Bảo Minh phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm như tuyên xử của Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ.

Gian nan đòi bảo hiểm

Ngày 3.6.2015, tàu cá QNa-91918 của gia đình ông Nguyễn Văn Thân (xã Tam Quang, Núi Thành) cũng xảy ra cháy khi đang chờ sửa chữa tại triền đà của Công ty TNHH Trường Thành. Mặc dù đã mua bảo hiểm tàu cá nhưng đến nay, gia đình ông Thân vẫn chưa được nhận tiền bảo hiểm. Lý do đơn vị bảo hiểm đưa ra là tàu bị cháy khi đang sửa chữa nên không thuộc phạm vi trả tiền bảo hiểm của công ty. Gia đình ông Thân đã kêu cứu nhiều cấp, nhiều ngành nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Về điều này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nêu ý kiến: “Ngư dân đã huy động mọi nguồn lực cộng với vay mượn của người thân, ngân hàng mới sắm sửa được con tàu lớn tham gia đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu ngư dân không được bảo hiểm trả tiền khi tàu cá bị cháy thì trắng tay hoàn toàn, nợ nần chồng chất. Chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất tỉnh có cách hỗ trợ pháp lý, giúp ngư dân được bảo hiểm đúng theo luật định. Huyện đã hướng dẫn gia đình ông Thân thực hiện đầy đủ thủ tục để kiện ra tòa án”.

Ngư dân khốn đốn, nợ nần chồng chất nếu không được trả tiền bảo hiểm khi tàu bị cháy.Ảnh: Quang VIệt
Ngư dân khốn đốn, nợ nần chồng chất nếu không được trả tiền bảo hiểm khi tàu bị cháy.Ảnh: Quang VIệt

Một trường hợp khác, gia đình ông Phạm Việt (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91694 bị cháy ngày 9.7.2015 đã phải chạy đôn chạy đáo tìm công lý nhưng vẫn chưa được trả tiền bảo hiểm từ Công ty Bảo Minh dù đến nay 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm là TAND TP.Tam Kỳ và TAND Quảng Nam đã tuyên xử theo luật. Trước khi tòa án xét xử, Công ty Bảo Minh đã viện vào nhiều lý do để không thực hiện trách nhiệm bảo hiểm cho ngư dân.

Trở lại với trường hợp bảo hiểm của ngư dân Phạm Cương, khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhân viên của Công ty Bảo Minh chỉ giao cho ngư dân đơn bảo hiểm và thông báo thu phí chứ không giao quy tắc bảo hiểm thân tàu cá. Sau đó, công ty này mới gửi thư giao dịch với yêu cầu ngư dân đọc kỹ các điều khoản kèm theo, nếu không hiểu rõ thì liên hệ với đại lý của Bảo Minh để được giải đáp. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Liên, nhân viên Văn phòng Bảo Minh tại huyện Núi Thành thì bà không biết ông Phạm Cương là ai và chỉ bán bảo hiểm tàu cá thông qua ngân hàng. Về quy tắc bảo hiểm tàu cá, bà Liên chỉ photocopy, gửi nhân viên ngân hàng chuyển kèm cùng hồ sơ đến ngư dân. Thẩm phán Bùi Đình Nhi - Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho rằng, việc giải thích các nội dung về quy tắc bảo hiểm thân tàu cho ông Phạm Cương không được Công ty Bảo Minh thực hiện đầy đủ, rõ ràng, đúng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17 và khoản 1, điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Thẩm phán Cao Thị Huyền - Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cũng cho rằng, sau sự cố cháy tàu cá, Công ty Bảo Minh mới đưa quy tắc bảo hiểm thân tàu cho ông Phạm Cương rồi bảo nộp cho tòa án là không đúng. Công ty Bảo Minh đưa ra nguyên tắc là khi khách hàng nhận được quy tắc bảo hiểm thân tàu thì phải ký vào phiếu xác nhận. Vậy mà khi xử phúc thẩm, tòa án yêu cầu xuất trình phiếu xác nhận có chữ ký của ông Phạm Cương thì phía bảo hiểm không thực hiện được.

Có thể khẳng định rằng, các đơn vị bảo hiểm thì luôn tìm cách lách luật để tránh thực hiện trách nhiệm bảo hiểm khi tàu cá của ngư dân không may bị nạn. Trong khi đó, ngư dân thì thân cô thế yếu lại không nắm vững các quy định về luật nên không thể làm gì được để đòi quyền bảo hiểm nếu không viện nhờ đến tòa án. Bởi vậy, điều căn cơ là các địa phương ven biển và ngành thủy sản cần phải đồng hành với ngư dân, giải thích và hỗ trợ pháp lý để họ tìm được công bằng khi tham gia bảo hiểm tàu cá.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo cháy tàu cá - Bài cuối: Gian truân nhận bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO