Quê tôi, một làng nhỏ ven sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng hễ cứ vào độ giữa Thu thì gầm gừ hung dữ lạ thường, dòng nước trong veo lại đỏ ngầu, réo rắt như muốn ăn tươi, nuốt sống cái làng gầy guộc ven sông. Ngược dòng về thời chăn trâu, cắt cỏ, đám trẻ chúng tôi rất thích nước sông Thu Bồn dâng lên, lũ lụt tràn về, bởi tha hồ giăng lưới bắt cá, bơi ghe lùng sục các bụi cây rậm rạp để bắt những chú dế mèn to tướng, mập mạp từ trong các hang hốc không chịu được nước bò ra bấu víu vào các cành cây cao để lẩn tránh. Nước trắng đồng, mưa xối xả, trời se lạnh mà được ăn chén cơm với những con dế mèn rang muối béo ngậy thì có gì ngon hơn. Tôi thích lũ lụt là thế nhưng mẹ tôi thì nơm nớp nỗi lo. Tôi còn nhớ năm đó, nước sông Thu Bồn từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về giận dữ nhấn chìm cánh đồng lúa đang bắt đầu uốn câu. Mẹ đăm đăm nhìn về phía mấy đám ruộng của mình, chép miệng đầy lo lắng: “Mùa ni mất trắng rồi, biết lấy chi mà ăn đây!”. Quả thật, sau trận lụt ấy, cả làng tôi mất trắng, cuộc sống vốn nhọc nhằn, lam lũ của những người nông dân lại càng túng bấn, vất vả hơn.
Năm nào quê tôi cũng có vài ba trận lụt, nhỏ thì ngập đồng, lớn thì ngập tới nửa nhà, gia súc, gia cầm… đều phải lên gác hoặc sơ tán đi nơi khác. Có khi nước dâng quá cao, tài sản, trâu, bò, heo gà cũng trôi theo dòng nước xiết. Mỗi trận lụt đi qua, cả làng tiêu điều, xơ xác, cây cối bật rễ ngả nghiêng, bùn nhầy nhụa tới gần nửa ống chân. Và những người nông dân lại lao vào khắc phục hậu quả, ươm mầm xanh để tiếp tục nối kết dòng nhựa sống.
Thu về cũng là mùa dông bão ầm ầm của xứ Quảng. Tôi về quê, thấy cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, mùi rơm mới ngào ngạt, bảng lảng quanh vườn, các chân ruộng xâm xấp nước, tiếng ếch nhái kêu ra rả thâu đêm. Những làn khói bếp chầm chậm bốc lên từ những mái nhà nép mình dưới rặng tre xanh mướt ven dòng sông Thu đùng đục, báo hiệu những đợt lụt đang cận kề. Mấy ngày nay, mỗi khi bầu trời có những áng mây đen vần vũ, lượn lờ, chớp đông nhay nháy, mẹ tôi lại lẹt bẹt bước ra sân nhìn trời. Hình như nỗi ám ảnh của các trận lụt đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời bà. Chắc có lẽ ký ức trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964 đã làm bà lo sợ. Bà nhớ lại dòng sông rộng mênh mông cuồn cuộn. Trên mặt nước đỏ quạch tuôn chảy ấy đã kéo theo không biết bao nhiêu nhà cửa, cây cối, trâu bò… và hàng chục người chới với, kêu cứu giữa dòng nước xiết, song đều bất lực. Cũng trong trận lụt đó, làng Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, một “cù lao” bên kia sông đối diện với làng tôi bị Hà Bá mang theo gần một phần ba số người. Chính vì vậy mà đến bây giờ rất nhiều gia đình đã tổ chức đám giỗ cùng một ngày. Lụt là nỗi kinh hoàng của bao cư dân, làng mạc ven sông, song lụt cũng làm cho đất đai tốt tươi, màu mỡ, diệt bớt sâu bọ, chuột, rầy phá hoại mùa màng. Chính vì vậy mà bà con nông dân quê tôi cầu trời, khấn phật mong nước lụt… chỉ ngập đồng sau vụ gặt, nếu lớn thì dâng tới quanh vườn rồi nhanh chóng rút ra sông.
THÁI MỸ