Nỗi lo di dân thoát nguy cơ sạt lở

HỮU PHÚC 06/11/2020 05:34

Mưa lớn xuất hiện trở lại từ ngày 5.11 đã làm cho nhiều khu vực miền núi đối mặt với nguy cơ cao xuất hiện sạt lở đất và lũ quét. Chính quyền đang triển khai sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tuy nhiên nỗi lo nhất là địa điểm di dân đến cũng đang đối mặt với tình trạng mất an toàn.

Hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My) vừa qua. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My) vừa qua. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Lũ quét, sạt lở trên diện rộng

Quảng Nam đang đón đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10 nên dự báo nhiều khả năng tiếp tục xuất hiện hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Các điểm lũ quét, sạt lở gây chết người tại xã Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My), các xã Phước Kim, Phước Lộc (Phước Sơn) đã được cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân.

Tại thôn 1 (xã Trà Leng), địa hình khu vực có độ cao tuyệt đối 300 - 900m, chủ yếu thuộc dạng núi trung bình đến cao; độ dốc sườn tự nhiên 25 - 35 độ. Thảm phủ thực vật là rừng trồng cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo) với mật độ che phủ 80 - 85%. Mạng lưới khe suối trong khu vực chủ yếu là khe suối ngắn, dốc, các thung lũng suối hẹp và dốc ở thượng nguồn có dạng hình chữ “V”, đều đổ vào sông Trà Leng.

Đầu tư cột đo mưa là giải pháp dễ triển khai

Theo ông Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, giải pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai có thể đưa ra dự báo gần như sát với thực tế. Nhưng hiện cả nước mới có 10 máy (ở Lào Cai) trong khi điểm có nguy cơ trượt lở rất nhiều, nên lắp máy khắp nơi là khó khả thi. Bởi vậy, Việt Nam có thể trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém và dễ triển khai.

Khu vực sạt lở thôn 1 có sự phân bố đứt gãy chạy dài khoảng 20km, làm cho đá của khu vực bị cà nát, dập vỡ rất mạnh, tạo điều kiện để quá trình phong hóa phát triển sâu. Vụ trượt lở xảy ra vào ngày 28.10 vừa qua nằm trong phạm vi đới dập vỡ mạnh. Còn trượt lở tại thôn 1 (xã Trà Vân) xảy ra tại địa hình có độ cao 600 - 900m, độ dốc tự nhiên 20 - 30 độ, thảm thực vật là rừng trồng lâm nghiệp, độ che phủ 65 - 70%, mạng lưới khe suối ngắn và dốc.

Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và môi trường), Quảng Nam là một trong các địa phương đã được điều tra về hiện trạng trượt lở đất đá từ năm 2019. Riêng khu vực sạt lở tại thôn 6, xã Phước Lộc, địa hình cao tuyệt đối 800 - 1.300m, thuộc dạng núi cao. Địa hình khu vực này có nguồn gốc bóc mòn - xâm thực, độ dốc tự nhiên 20 - 35 độ, các khe suối ngắn và dốc hình chữ V. Diện tích khu vực trượt lở tại thôn 3 (xã Phước Lộc) có sự phân bố của đứt gãy chạy theo phương tây bắc - đông nam và gần nút giao với đứt gãy phương vĩ tuyến.

Sạt trượt đất đá ở Nam Trà My và Phước Sơn trong bão số 9 vừa qua có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc địa chất, đá nằm trong khu vực sạt lở bị cà nát, dập vỡ rất mạnh. Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia - ông Trần Hồng Thái cho biết, cảnh báo sạt lở đất dựa trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tĩnh là địa hình địa mạo, cấu trúc địa chất; yếu tố động là tác động của mưa, động đất... “Về cảnh báo sạt lở đất, tôi cho rằng còn nhiều khó khăn. Ngành địa chất cần đi khảo sát, có đủ số liệu mới làm được” - ông Thái nhận định.

Ngành chức năng đã xác định các điểm nguy cơ sạt lở ở miền núi, nhưng đến nay không một cơ quan nào có thể đưa ra cảnh báo điểm, biết trước ngọn đồi nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt trượt đất đá. Trong điều tra mới đây của ngành chức năng, Quảng Nam ghi nhận 723 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá; 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở sau khi được khảo sát thực địa. Trong số 1.286 vị trí trượt lở đã xác định 353 vị trí có quy mô nhỏ, 531 vị trí có quy mô trung bình, 389 vị trí có quy mô lớn, 12 vị trí quy mô rất lớn và 1 vị trí có quy mô đặc biệt lớn.

Vùng di dân cũng nguy cơ sạt trượt

Hơn một tuần cơn bão số 9 đi qua, nhưng đường vào các xã Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui (Bắc Trà My) nhiều nơi vẫn bị cô lập. Các khu dân cư đông đúc mặc dù nằm trong khu vực nguy cơ cao sạt lở nhưng địa phương không thể di dời cả làng. Nhà ở của 138 hộ dân thuộc nóc Xơ Rơ, thôn 8 (xã Trà Bui) san sát nhau trải dài từ đỉnh núi xuống lưng đồi. Nếu không may xảy ra lở núi thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo UBND huyện Bắc Trà My, chính quyền chỉ sơ tán một bộ phận người dân ở các điểm có nguy cao sạt lở, chứ không thể di dời toàn bộ làng.

Làng Xànu ở thôn 1, xã Trà Ka (Bắc Trà My) hoang tàn sau bão số 9. Ảnh: T.H
Làng Xànu ở thôn 1, xã Trà Ka (Bắc Trà My) hoang tàn sau bão số 9. Ảnh: T.H

Tại xã Trà Ka, đường giao thông bị tắc nghẽn nhiều ngày. Nhiều hộ bị trôi nhà do lũ quét. Theo thống kê, xã này có 32 hộ bị trôi, sụp đổ nhà cửa hoàn toàn do lũ quét và sạt lở.  Tương tự, 6 thôn tại xã Trà Giáp hiện vẫn cô lập, nhiều đoạn đường bị chia cắt do đất đá đổ xuống. Trước khi xảy ra cơn bão số 9, chính quyền đã sơ tán hàng trăm hộ gia đình, trong đó có 39 hộ nhà cửa đều trôi hoặc bị sụp đổ toàn bộ do bão lũ.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã gây lũ quét, sạt lở làm xóa sổ nhiều nóc làng lâu nay được xem là ổn định, thuộc vùng không có nguy cơ cao sạt lở. Cho nên, kể cả các ngôi làng, địa điểm đưa dân đến sơ tán tạm cũng đang được rà soát để nâng mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai. Hiện tất cả đường vào thôn nóc, kể cả vào trung tâm các xã vùng cao, đã bị sạt lở, mật độ theo quy mô từ 1 - 5ha xảy ra một điểm sạt lở. Theo ông Vũ, thời điểm này địa bàn xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở mới, nhưng nan giải nhất của chính quyền là tìm bài toán di dân an toàn cả trước mắt lẫn lâu dài. Bởi, đồi núi, sông suối chằng chịt, độ cao chênh lệch từ 70 - 1.000m, trong khi đó huyện không đủ mặt bằng để bố trí các khu dân cư, nhà ở mà không nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét hoặc sạt lở.

“Việc di dời dân lúc mưa bão là cần thiết, nhưng không thể di dời toàn bộ nhân dân vì họ sống thưa thớt theo nóc, quy mô rất rộng và đều nằm trong vùng nguy cơ. Đặc biệt vùng tiếp nhận người dân đến ở chưa chắc là nơi an toàn” - ông Vũ nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo di dân thoát nguy cơ sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO