Nỗi lo đường thủy

SÁU CÒI 11/12/2018 05:45

Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa chưa thôi rình rập. Nếu bất tuân quy định và quy tắc an toàn, người sử dụng phải đối mặt “sóng ngầm” và trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Sau hơn 7 năm Ban ATGT tỉnh triển khai xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và hơn 2 năm phát động xây dựng “Bến thủy nội địa văn hóa, văn minh, an toàn” tại bến Cửa Đại, trật tự ATGT đường thủy nội địa đã có chuyển biến đáng mừng. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, phương tiện không phép vẫn lén lút hoạt động tại các hồ chứa có hoạt động khai thác vận tải đường thủy; một vài nhà hàng di động “quên” đăng ký các thủ tục cần thiết. Bến khách ngang sông hàng ngày vận chuyển người qua lại trên phương tiện hết thời hạn đăng kiểm, người cầm lái chưa đảm bảo giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phù hợp. Ghe chở cát quá tải, quá vạch an toàn điềm nhiên di chuyển về bến tập kết vật liệu. Trừ bến thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm, người đi đò không sử dụng áo phao xuất hiện hầu khắp tại những bến khách ngang sông khác. Vận động “thượng đế” mãi không có kết quả, chủ bến và người điều khiển chán nản cột áo phao lại thành một đống, vứt vào xó thuyền cũ mèm.

Hành vi vi phạm bị Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra nhắc nhở, xử phạt và đề nghị chính quyền, lực lượng chức năng cấp huyện, xã khẩn trương chấn chỉnh. Song thực tế, chuyển biến hậu vi phạm là không đáng kể, lỗi phần lớn còn do chính quyền chưa vào cuộc giải quyết triệt để. Có người cho rằng, Ban ATGT tỉnh cần tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục của hoạt động kiểm tra liên ngành. Sáu tôi thì cho rằng, nỗ lực ấy chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề, sự việc rồi sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn nếu các địa phương cứ thờ ơ như hiện nay. Chính vì thế, “sóng ngầm” ẩn mình, sẵn sàng nhấn chìm con đò “tròng trành”, đặc biệt là trong mùa mưa bão này. Về phía chủ bến và chủ phương tiện, họ tha thiết đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần phân cấp cho trung tâm đăng kiểm đóng tại địa bàn Quảng Nam kiểm định phương tiện thủy nội địa như trước đây. Vì mỗi lần gần hết hạn đăng kiểm, họ phải liên hệ tận Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đóng tại TP.Đà Nẵng để làm thủ tục. Sau đó, tiếp tục chờ đăng kiểm viên vào kiểm tra, rồi lại hẹn ngày ra nhận tem thì tem đăng kiểm cũ hết hiệu lực.

Theo Sáu Còi, trước khi kiến nghị hợp lý hợp tình trên được xem xét, giải quyết, chủ bến, chủ phương tiện và người lái cần tuyệt đối tuân thủ quy định. Chính quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, lập biên bản xử phạt theo quy định tại Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với hành khách, hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. Phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng nếu không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Người nào mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách; gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện bị phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO