Lực lượng chức năng cảnh báo nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2021, bởi còn nhiều tồn tại, bất cập trong đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), đáng chú ý là quy định của pháp luật chưa được thực thi đúng và hạ tầng giao thông không đảm bảo.
Hạ tầng yếu
Những ngày nắng ráo vừa qua, các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc khẩn trương thực hiện bảo trì thường xuyên và định kỳ hạng mục đường bộ, đường thủy nội địa. Trên đường bộ, nhiều tuyến đường vẫn còn dang dở với những “miếng vá” lấp “ổ gà”, “ổ voi” tiếp tục được triển khai; một số cầu cống trong giai đoạn hoàn thành sửa chữa.
Một số dự án giao thông đang thi công chưa hẹn chính xác ngày về đích, dù hạn định cuối vạch ra không ít lần. Lo nhất là trục huyết mạch vừa khai thác phục vụ lưu thông, lại vừa đang nâng cấp, mở rộng như tuyến ĐT609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông (Đại Lộc) không thể hoàn thành trước mùa mưa 2021. Trong lúc, đoạn tuyến này được ví “đoạn đường đen” vì tai nạn giao thông (TNGT) thường xuyên xảy ra.
Và ở những đoạn đường chắp vá này, nỗi lo muôn thuở vào mùa mưa là nước gây xói, cộng thêm các phương tiện giao thông qua lại khiến “miếng vá” bị bong tróc nên những “ổ gà” cũ thành “ổ voi” chìm dưới nước, trở thành cạm bẫy nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe máy, xe đạp.
Lãnh đạo một địa phương cấp huyện chia sẻ, tuyến đường đã khai thác thời gian dài, cấp đường thấp và nay đã xuống cấp, hư hỏng thường xuyên thì cần phải cải tạo toàn diện, mở rộng mới đáp ứng trước tốc độ gia tăng chóng mặt của lưu lượng phương tiện, điển hình như xe tải nặng.
Nhưng vì khó khăn về kinh phí, địa phương chỉ đủ tiền bố trí bảo trì thường xuyên, định kỳ hằng năm nên không thể giải quyết cốt lõi của tồn tại, bất cập một cách căn cơ, khiến tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) luôn hiện hữu.
Ý thức kém
Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Thanh tra phụ trách ATGT (Thanh tra Sở Giao thông vận tải) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã xảy ra 133 vụ TNGT làm chết 100 người, bị thương 87 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người chết giảm 2 và giảm 5 người bị thương, nhưng lại tăng tới 9 vụ tai nạn. Trong đó, đường bộ chiếm 132 vụ, 99 người chết và 87 người bị thương (còn lại TNGT đường sắt).
Tai nạn thương tâm xảy ra là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia, chất kích thích có cồn; đi sai làn đường, phần đường quy định; vượt sai quy định; vi phạm quy định khi chuyển hướng; đi bộ sang đường sai quy định và nhiều nguyên nhân khác.
Qua tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, có 17.088 trường hợp vi phạm trật tự ATGT bị xử lý, trong đó 541 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 480 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép; hơn 1.140 vi phạm chở quá số người quy định; gần 3.080 người vi phạm không đội mũ bảo hiểm...
Hành vi vi phạm quy định đảm bảo ATGT như những con số phân tích ở trên phản ánh sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, đáng báo động đó lại là nguyên nhân chính của TNGT nghiêm trọng. Ngược lại, công tác tuyên truyền chưa được triển khai mạnh mẽ do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Ngành chức năng nhìn nhận, trật tự ATGT nhiều tháng của năm 2020 và năm 2021 được đảm bảo một phần do thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 giữa nhiều địa phương cấp huyện trong tỉnh, giữa Quảng Nam với Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, dịch bệnh nay được kiểm soát khá tốt, các địa phương đã nới lỏng giãn cách cho nên xe cộ lưu thông gia tăng cao.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nêu thêm thực trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt còn tái diễn, làm khuất tầm nhìn lái xe, lái tàu. Xe chở cát sai quy định, chạy với tốc độ cao, làm rơi vãi cát ra đường chưa xử lý triệt để.
Không chỉ làm giảm tuổi thọ công trình cầu, đường bộ và gây ô nhiễm môi trường, hành vi điều khiển xe tải chở đất, vật liệu xây dựng phóng nhanh vượt ẩu khiến lái xe khó kiểm soát tay lái, không xử lý được nếu xuất hiện tình huống bất ngờ, làm người đi đường hốt hoảng dễ dẫn đến TNGT nghiêm trọng.
Dưới đường thủy nội địa, chính quyền địa phương chú trọng chuyện phục hồi sản xuất, mà lơ là để đò ngang hoạt động chở khách trong mưa bão, nước lớn sẽ là thảm họa khó lường.
Mùa mưa bão đã đến, đường sá rồi sẽ trơn trợt, sạt lở mất ATGT. Ngược lại, lực lượng chức năng còn mỏng và phải thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều vi phạm chưa được phát hiện, xử lý triệt để. Hạ tầng giao thông chưa đủ tốt, ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT của người đi đường hiện còn kém đã được chứng minh... Những yếu tố vừa đề cập chứng tỏ nỗi lo TNGT gia tăng những tháng cuối năm là có cơ sở.