Thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa phát hiện nhiều vi phạm. Ngành chức năng và tổ liên ngành đã kiến nghị xử lý, giải quyết nhiều vụ việc.
Nhiều vi phạm
Ghi nhận tại bến Bạch Đằng (Hội An), người có trách nhiệm không bố trí bảng niêm yết giá, không lắp đặt và duy trì biển báo hiệu đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Cũng tại Hội An, các bến Cửa Đại, Sông Hội, Cù Lao Chàm, Tân Hiệp chưa trang bị thiết bị chống va hoặc có nhưng trang bị không đầy đủ; bố trí cầu dẫn cho người xuống tàu nhưng không kết nối hỗ trợ cho người khuyết tật, cao tuổi; không có phương án hoạt động, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn được duyệt.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Trương Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh cho biết, qua kiểm tra 14 bến khách ngang sông, lực lượng chức năng phát hiện không bến nào có phương án phòng cháy, chữa cháy; nhiều trường hợp chưa niêm yết giá vé; không lắp đặt và duy trì biển báo hiệu ĐTNĐ.
Ở huyện Núi Thành, 2 bến Tam Quang và Tam Hải không bố trí tời bến để ứng cứu phương tiện giao thông đường bộ có tải trọng lớn khi có sự cố xảy ra.
Kiểm tra các bến thủy nội địa, tổ liên ngành ghi nhận hầu hết bến chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bến thủy nội địa. Tại các bến khách ngang sông Tam Giang 1, Tam Hòa 1 và Tam Hòa 2 (Núi Thành), phương tiện hoạt động hết hạn kiểm định.
Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Đáng lên án khi chủ bến chưa khắc phục vi phạm nhưng lén lút chở khách.
Ông Trương Văn Sơn cho biết thêm, kiểm tra đột xuất các bến khách ngang sông, tổ nhận thấy chủ bến, người điều khiển phương tiện để hành khách không mặc áo phao nhưng vẫn vận chuyển qua sông.
Kiểm tra phương tiện vận tải khách du lịch hoạt động tại khu vực bến Bạch Đằng, tuyến sông Hội An, Thu Bồn chảy qua Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, tổ liên ngành phát hiện phương tiện bố trí không đảm bảo định biên thuyền viên; hành khách không mặc áo phao.
Những phương tiện này của cá nhân hoặc hộ kinh doanh, như vậy không đảm bảo quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa (theo quy định phải thành lập doanh nghiệp hoặc HTX).
Chia sẻ về công tác quản lý phương tiện thủy nội địa, ông Trương Văn Sơn cho biết trách nhiệm này thuộc về UBND cấp huyện. Song thực tế, phần lớn các địa phương chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ.
Cần sớm chấn chỉnh
Qua thực tế rà soát các quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ, tổ liên ngành cho biết, điều kiện, tiêu chuẩn về bến thủy nội địa chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy các địa phương rất lúng túng trong quá trình thực hiện.
Ở Quảng Nam không có cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện nên người dân không thể đăng ký học tập. Vì lẽ đó, nhiều trường hợp đưa phương tiện vào hoạt động nhưng thuyền viên, người lái phương tiện, người đảm nhiệm chức danh thuyền viên chưa đảm bảo điều kiện; thiếu định biên an toàn tối thiểu.
Ngoài ra, tất cả tuyến sông trung ương trên địa bàn tỉnh chưa được thông báo luồng ĐTNĐ, cho nên việc xác định phạm vi luồng, hành lang bảo vệ luồng để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định gặp khó khăn.
Cùng với đó, quy định về số lượng và khoảng cách neo đậu của các phương tiện trong bến thủy nội địa chưa có, khi xảy ra cháy nổ dẫn đến thiệt hại lớn…
Để đưa hoạt động ĐTNĐ ngày càng nền nếp và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Lê Quang Hiếu cho hay, ngành đã kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định điều chỉnh một số nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn của bến thủy nội địa để áp dụng trong công tác quản lý nhà nước; quy định về số lượng và khoảng cách neo đậu của các phương tiện trong các bến thủy nội địa; công bố luồng các tuyến thủy nội địa quốc gia.
Cục ĐTNĐ Việt Nam thông báo luồng ĐTNĐ trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; cấp kinh phí và phương tiện để Sở GTVT thực hiện quản lý nhà nước đối với các tuyến sông trung ương trên địa bàn tỉnh.
Cục cần có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng để cho người dân học tập thuận lợi.
Từ thực tế địa phương, ông Lê Quang Hiếu cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về bến khách ngang sông, phương tiện thủy nội địa thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh, công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT về ĐTNĐ, nhất là vận tải hành khách. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư không thực hiện đúng các quy định khi thi công công trình, làm ảnh hưởng đến luồng, ATGT phương tiện và thoát lũ; không thực hiện nghiêm phương án đảm bảo ATGT về ĐTNĐ đã phê duyệt.