Thường trực đối diện với thời tiết thất thường, diện tích sản xuất thu hẹp, thị trường bấp bênh là thực tế khiến người trồng mai trên địa bàn TP.Hội An đang gặp phải.
Ông Trần Công Hạnh chăm sóc mai tết. Ảnh: N.Q.V |
Ứng phó với thời tiết “đỏng đảnh”
Vườn mai của gia đình ông Trần Công Hạnh (khối An Phong, phường Tân An, TP.Hội An) là địa điểm ưa thích của người yêu hoa mai ở TP.Hội An nói riêng, khắp dải miền Trung nói chung. Trong khi các hộ trồng hoa ở TP.Hội An tập trung canh tác nhiều đối tượng hoa khác nhau thì ông Hạnh chỉ trồng mỗi loài hoa mai. Ông Hạnh cho biết, trong khoảng 2 năm trở về trước hoa mai hay nở sớm thì 2 năm trở lại đây loài hoa này lại nở muộn. Thời tiết thất thường trong 1 năm, đặc biệt là thời điểm cuối năm càng khiến cho người trồng hoa gặp khó. “Thông thường cỡ giữa tháng chạp âm lịch thì ngắt lá để hoa mai trổ đều vào dịp tết. Năm nào vào khoảng thời gian đó mà nắng nóng nhiều thì hái lá muộn còn ngược lại trời rét thì trảy lá sớm. Vậy nhưng trời đang lạnh thì nắng nóng đột ngột hay đang nắng nóng bỗng chợt lạnh kéo dài thì rất nguy” - ông Hạnh chia sẻ. Ví như dịp tết năm ngoái bỏ công chăm sóc cả năm trời, ông Hạnh chỉ bán được một chậu, do mai trổ hoa muộn. Năm trước đó cũng tương tự, cứ theo dự báo thời tiết, trời oi ả thì bỗng nhiên lạnh đột ngột kéo dài…
Theo ông Hạnh, trồng mai không chỉ để bán có thêm thu nhập mà còn là cuộc chơi, một thứ nghệ thuật. Cây hoa mai có sự đồng điệu y như vẻ đẹp của con người, thứ đạo rất đắt để học hỏi, chinh phục. Gắn bó với hoa mai đòi hỏi phải kỳ công, cả năm chăm bẵm, vun đắp từng chậu, lặt từng thớ lá, phải thường xuyên theo dõi lịch, bón phân, phun thuốc định kỳ. Hoa mai chỉ được thưởng thức vào dịp duy nhất là tết nên chỉ cần trổ hoa chậm hay sớm, hoặc hoa nhỏ kích cỡ là công cốc ngay. Vụ mai tết đã trở thành nỗi thắc thỏm, ăn không ngon ngủ không yên của nhiều người trồng mai. Vụ mai tết năm nay, ông Hạnh chăm sóc 350 chậu mai có tuổi hơn 10 năm. Những ngày này, ông thuê nhiều lao động để khẩn trương hái lá cho mai dù thời gian đến tết vẫn còn cả tháng. Vì rằng, năm nay lạnh nhiều mà dự báo thời tiết sẽ càng rét hơn nên ông Hạnh lại sợ mai trổ trễ như 2 năm trước. Cách ứng phó của ông Hạnh là ủ ấm cho cây mai, bưng chậu mai đón ánh sáng, tăng cường nước tưới. Đặc biệt là gắng sức không để cho đọt mai bị gãy hay sâu bọ tấn công. Đó không chỉ là được hay mất vụ mai tết mà còn là tín ngưỡng. Mai gãy đọt được quan niệm là gắn liền với điềm không hay.
Lão nông Bùi Quang Trung cũng là một hộ chuyên trồng hoa mai tết ở phường Cẩm Phô (TP.Hội An). Ông Trung bảo, kế sách là lấy ngắn nuôi dài. Các loài hoa ly ly, cúc, lan, quật thì trồng năm nào bán năm đó, thu lợi ngay chứ trồng mai phải mất 10 hay vài chục năm mới bán được nên không vội. Với thời tiết rét lạnh kéo dài, ông Trung chuyên bón phân kali để kích thích phát triển mạnh bộ rễ của 200 chậu mai cũng như tăng độ sinh trưởng, giúp nó có thể trổ hoa vào đúng dịp tết.
Mai ngày càng hiếm
Thống kê của Phòng Kinh tế TP.Hội An cho thấy, diện tích trồng hoa mai ngày một giảm xuống. Năm 2014, toàn thành phố có đến 5 nghìn chậu mai tết thì năm 2015 chỉ còn gần 4 nghìn chậu, và dịp tết này chỉ còn 3 nghìn chậu. Trước đây, trồng hoa mai, nông hộ rất gắn bó. Có khi bán được 1 chậu mai có thế đẹp là dư dả chơi tết nhưng dần dà nghề trồng mai càng mai một. “Trước đây, đến tết là những hộ trồng mai lựa chậu đẹp đem đến đọ sắc ở nhà văn hóa của thành phố và được trao thưởng. Người dân Hội An trước đây rất yêu hoa mai, nhất quyết phải có chậu mai chưng ngày tết truyền thống, còn nay nhiều người không mặn mà. Nhịp sống ngày càng xô bồ thì sự gắn bó với cái đẹp của hoa mai cũng nhợt nhạt hẳn đi” - ông Hạnh cảm thán. Thời điểm này, 350 chậu mai của gia đình ông Hạnh đang phát triển tốt. Nhiều người từ tận Bình Định, Quảng Ngãi đến đặt mua mấy chậu mai có thế rồng với giá cao nhưng ông Hạnh chưa muốn bán. “Mình mà bán mấy chậu mai đẹp nhất thì sẽ không có mai trông vườn, trống trải lắm. Trong tổng số, chỉ có thể bán hơn 300 chậu thôi, còn thì để lại. Nghề chi cũng mong thu lợi nhưng vật chất không là tất cả. Trồng mai còn là một thứ đạo...” - ông Hạnh bộc bạch.
Cái sự mai một của nghề trồng hoa mai ở Hội An có nguyên do từ thị hiếu chơi hoa ngày tết của người dân không đậm như trước. Thay vì chơi mai có giá đến hơn chục triệu đồng thì người dân chọn chơi quật, cúc, thược dược… cũng rộn ràng khoe sắc. Hiện vẫn còn thương lái từ nhiều tỉnh thành khác đến Hội An mua hoa mai bán dịp tết nhưng khuynh hướng giảm, thưa thớt dần. Người bán hoa mai, loại mai Bình Định dễ đáp ứng thị hiếu của người dùng hơn vì giá rẻ. Họ chơi loại mai này xong trong dịp tết là bỏ. Với loại mai truyền thống ở Hội An, không có ghép cành, lai nhiều kiểu, đòi hỏi phải tốn công sức và tiền của chăm bẵm cây cả năm trời sau dịp tết. Một xu hướng chơi hoa mai tết khác trên địa bàn TP.Hội An là thuê mai. Mỗi chậu mai có thế đẹp được các nhà hàng, khách sạn thuê về chưng dịp tết với giá 20 - 30 triệu đồng rồi trả lại cho chủ vườn.
Ông Đinh Hoa - Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, nơi có nhiều nhà vườn trồng mai tết nhất thành phố cho rằng, thị trường mai tết ngày càng thu hẹp thì cây mai ít bán chạy, người dân ít trồng cũng hợp với quy luật. Có chậu mai tết thì không khí tết cổ truyền đậm đà hơn nhưng không có thì cũng khó nói phai nhạt tết truyền thống vì đã có quật, cúc, lan…
NGUYỄN QUANG VIỆT