Trước thông tin “100% mẫu mỳ tôm có chứa chất acid oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận” được công bố trên báo chí và chưa có phản hồi từ nhà sản xuất khiến người tiêu dùng mang tâm trạng e dè, lo lắng trước loại thực phẩm rất phổ biến này.
Lo lắng
Theo thông tin GS-TS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM công bố trong hội thảo “An toàn thực phẩm và dinh dưỡng với acid oxalic” ngày 26.12.2013 thì 100% mẫu mỳ tôm, măng tươi đều có acid oxalic - tác nhân gây ra sỏi thận. Ông Sơn cũng nói rằng, người khỏe mạnh, ăn và uống nhiều nước thì chất này không gây hại gì. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau hơn một tuần thông tin được công bố trên truyền thông, các nhà sản xuất mỳ tôm nổi tiếng như Masan, Asia Food…vẫn trả lời e dè là sẽ cho kiểm tra mẫu hoặc im lặng, chưa có phản hồi chính thức đến người tiêu dùng. Riêng Acecook, trong ngày 8.1 đã khẳng định là hoàn toàn không sử dụng chất acid oxalic trong quá trình sản xuất, chế biến các loại mỳ ăn liền. Hãng này cho biết đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm HACCP… Điều này thực sự gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở Quảng Nam - một địa phương thường xuyên chịu bão lũ, thiên tai nên luôn coi mỳ tôm là món ăn cứu đói nhanh, gọn, phù hợp kinh tế.
Mỳ tôm là mặt hàng cứu trợ thường xuyên ở Quảng Nam.Ảnh: T.Anh |
“Khi đọc thông tin trong mỳ tôm có chứa chất độc hại, gia đình chúng tôi thực sự lo lắng. Bởi, mỳ tôm được sử dụng như thực phẩm thay thế các bữa ăn mỗi khi cần thiết. Với một số thành viên nhí, nó cũng là món ăn khoái khẩu” - chị Nguyễn Hoàng Nhi (nhân viên công ty Top Cement khu vực miền Trung tại Quảng Nam) nói. Đồng ý kiến, chị Lê Thị Phương Thảo - nhân viên ngân hàng VP Quảng Nam, chia sẻ: “Không chỉ ngày thường, khi xảy mưa gió bão lũ mà cả trong những dịp Tết Nguyên đán, ba mẹ tôi cũng mua cả thùng mỳ tôm để sẵn trong nhà cho mọi người sử dụng. Có lẽ do mỳ tôm ít dầu mỡ, hợp khẩu vị với đa số nên ai cũng chọn mỳ tôm thay thế. Thế nên qua theo dõi thông tin từ trước tới nay, từ phía các cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia dinh dưỡng… đều khẳng định trong mỳ tôm và thực phẩm tự nhiên có chứa chất acid oxalic mà vẫn chưa có phản hồi của nhà sản xuất càng khiến mọi người hoang mang”. Thực tế, các nhà sản xuất mỳ tôm luôn quảng cáo là sản xuất theo quy trình chặt chẽ, không có hóa chất độc hại nhưng kết quả kiểm nghiệm đôi khi thường ngược lại. Trước đây, mỳ tôm Tiến Vua quảng cáo “không có chứa chất béo transfat có hại cho sức khỏe” nhưng khi kiểm nghiệm thì cũng có transfat. Điều này khiến mỳ tôm Tiến Vua dường như biến mất khỏi thị trường tiêu thụ mỳ tôm lớn thứ 4 trên thế giới về mức tiêu thụ mỳ gói, với 5,1 tỷ gói trong năm 2012 (theo Hiệp hội Mỳ ăn liền trên thế giới, có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản).
Cần sự phản hồi
Cách sử dụng mỳ ăn liền an toàn: Sợi mỳ cần mất 4 - 5 giờ mới tiêu hóa hết được vì nó được phủ một lớp sáp. Hơn nữa, bột ngọt trong gia vị mỳ sẽ biến dạng thành chất độc khi bị đun sôi. Ba bước chế đúng cách Bước 1: Đun sôi nước cùng với mỳ tôm để lọc chất xám cũng như lớp dầu chiên mỳ. Đợi khi các sợi mỳ rời nhau và chín đều thì đổ bỏ nước sôi và trút mỳ ra bát Bước 2: Tiếp tục đun sôi một nồi nước mới rồi đổ phần mỳ vừa gắp ra bát vào lại nồi nước. Nhanh tay tắt bếp để mỳ không bị nát. Sau đó cho gói gia vị mỳ vào. Nếu muốn ăn mỳ khô có thể bỏ nước mỳ đi và trộn mỳ với gói các gia vị như bình thường. Bước 3: Nếu muốn ăn thêm trứng gà hoặc thịt, cá, tôm, rau xanh…thì hãy chế biến chúng riêng rồi thêm vào. |
Trong khi chờ phản hồi cần thiết từ phía các cơ quan chức năng, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng bán lẻ, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thì lượng mỳ gói bán ra vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm. Bà Nguyễn Thị Tâm - chủ tiệm tạp đường Nguyễn Thái Học, cho biết: “Do chưa gần tết nên ít người mua mỳ tôm trữ sẵn hay do thông tin trên báo chí mà đến thời điểm hiện tại khách hàng mua mỳ với số lượng thùng chưa có, chỉ có khách lẻ mua vài gói. Bình thường tôi cũng bán lượng mỳ tôm tương đương, chủ yếu là sinh viên”. Còn thông tin từ phía siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thì lượng mỳ gói bán ra vẫn đảm bảo so với trước khi có thông tin trong mỳ gói có chứa chất độc hại. Bà Trần Thị Như Lai lý giải: “Tôi cho rằng thông tin trong mỳ tôm có chứa chất độc hại chỉ dừng ở báo mạng, độ lan tỏa chưa sâu rộng trong khi đối tượng mua mỳ tôm thường là khách hàng bình dân. Hơn nữa, chỉ mới là thông tin từ một phía, chưa có khẳng định hay kết luận của cơ quan chức năng hay nhà sản xuất”. Không biết, liệu có phải đối tượng khách hàng thường xuyên tiếp cận thông tin từ internet mới có tâm lý lo lắng hay người chúng ta đã quá quen với thông tin có thể có chất độc trong thực phẩm nên nhắm mắt ngó lơ.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo hay thông tin chính thức từ phía Bộ Công Thương và cơ quan chức năng liên quan. Bởi, thông tin từ báo chí và đây chỉ mới là ý kiến của GS-TS. Chu Phạm Ngọc Sơn thuộc Hội Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh, không phải là người phát ngôn của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Khi nào bộ có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi sẽ ngay lập tức vào cuộc, xử lý rốt ráo”. Về phía Hội Chữ thập đỏ - đơn vị thường xuyên có những chuyến công tác cứu trợ nhân bão lũ, thiên tai, giáp hạn, ông Lê Công Ry, nói: “Thời gian gần đây, trừ khi cứu trợ cần kíp chúng tôi mới trao mỳ gói cho bà con, còn lại thường tặng vật dụng thiết yếu và tiền để bà con chủ động hơn. Những chuyến cứu trợ sắp tới nhân dịp Tết Giáp Ngọ, cũng vẫn không trao mỳ gói nữa”. Dẫu vậy, vẫn cần có câu trả lời minh bạch từ phía nhà sản xuất lẫn cơ quan chức năng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng..
CHIÊU THỤC ANH