Nỗi lo nguồn nhân lực du lịch

KHÁNH LINH 29/11/2015 08:41

Thời gian qua câu chuyện về chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn là bài toán khó không chỉ với doanh nghiệp, mà còn bộc lộ ở chính những cán bộ quản lý du lịch các cấp địa phương trong việc theo dõi, tham mưu chính quyền những vấn đề liên quan đến du lịch…

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Ảnh: K.LINH
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Ảnh: K.LINH

Thiếu

Trong số 18 huyện, thị, thành phố của tỉnh hiện nay ngoại trừ Hội An có phòng chuyên trách du lịch (Phòng Thương mại du lịch), Tây Giang có Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch thuộc huyện và Điện Bàn có Tổ thông tin xúc tiến du lịch độc lập thì hầu hết huyện còn lại việc theo dõi quản lý du lịch chủ yếu được giao cho cán bộ Phòng VHTT hoặc Trung tâm VHTT kiêm nhiệm, kể cả những địa phương có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch như Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên… Có nhiều nguyên nhân nhưng một yếu tố không thể phủ nhận là sự bó buộc của cơ chế quản lý, nhất là biên chế và sự mặn mà của mỗi địa phương. Tại Tam Kỳ dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, về nguồn… cũng như được Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chọn làm trung tâm du lịch phía nam nhưng đến nay kết quả dường như vẫn chưa có gì cụ thể. Theo lời một lãnh đạo TP.Tam Kỳ, cái thiếu nhất vẫn là con người làm du lịch có tâm huyết và chuyên ngành vì phần lớn là do cán bộ của Phòng VHTT kiêm nhiệm.

Tương tự, huyện Duy Xuyên dù sở hữu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với lượng khách mỗi năm hơn 250 nghìn lượt khách cùng các địa điểm, di tích, làng nghề nổi trội nhưng đội ngũ làm công tác quản lý du lịch cũng khá khiêm tốn. Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thừa nhận, một trong những yếu tố khó thúc đẩy du lịch Duy Xuyên phát triển thời gian qua chính là chất lượng cán bộ làm công tác du lịch. Tuy nhiên, để cải thiện nâng cao chất lượng đội ngũ này là rất khó do thiếu cơ chế hỗ trợ hợp lý, nhất là về biên chế cũng như kinh phí. Thậm chí, thời gian qua chỉ riêng việc quảng bá, xúc tiến du lịch tại địa phương hầu như giẫm chân tại chỗ chứ chưa nói đến việc kết nối hay tổ chức các đoàn famtrip, khảo sát, trao đổi ý kiến từ phía doanh nghiệp. Theo ông Đặng Văn Minh – Phó phòng VHTT huyện Duy Xuyên, hiện tại phòng cũng chỉ có 2 người theo dõi mảng du lịch theo kiểu kiêm nhiệm, vì vậy rất khó đòi hỏi sự đột phá du lịch Duy Xuyên, dù bức tranh về du lịch phía đông của huyện đang chuyển biến  mạnh mẽ, nhất là sau khi cầu Cửa Đại hoàn thành. “Nhiệm vụ chính của những cán bộ này chủ yếu là làm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch nên số lượng không cần nhiều. Riêng với Mỹ Sơn thì đã có Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn làm rồi. Nói chung, chuyện cán bộ quản lý du lịch của huyện cũng như những nơi khác luôn là một câu chuyện dài” - ông Minh chia sẻ. Đây cũng là thực trạng của nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay kể cả đồng bằng cũng như miền núi. Thậm chí, tại một số địa phương đang có cơ hội phát triển du lịch như Nam Giang, Thăng Bình, Núi Thành… cũng không có gì khác.    

Phụ thuộc biên chế

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, tổng số cán bộ quản lý du lịch tại các địa phương trong tỉnh ước khoảng 40 người, chiếm số lượng khá nhỏ trong lực lượng làm việc trực tiếp và gián tiếp liên quan đến ngành du lịch, tuy nhiên hầu hết đều chưa được đào tạo đúng chuyên ngành về du lịch và yếu về ngoại ngữ. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, sở khó có thể can thiệp vào vấn đề này vì phụ thuộc vào đặc điểm mỗi địa phương, nhất là định biên cho ngành du lịch. Hiện tại, sở đang xây dựng đề án phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh tập trung vào đối tượng chính là những lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp (lữ hành, nhà hàng, khách sạn…). “Nguồn nhân lực là hết sức quan trọng nên quá trình đào tạo là cần thiết. Theo tôi, cần tập trung vào các vấn đề như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức đào tạo tại chỗ. Thứ hai, tìm các chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo hiện nay. Thứ ba là liên kết với các địa phương có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để hai bên cùng phối hợp tạo điều kiện thúc đẩy công tác đào tạo. Riêng đối với cán bộ quản lý của các địa phương thì nằm trong hệ thống chính sách chung của tỉnh do sở Nội vụ làm, ngoài ra còn lệ thuộc vào tỷ lệ biên chế cho phép của nhà nước cũng như xuất phát từ nhu cầu công việc của mỗi địa phương để đáp ứng được công việc và đảm bảo về mặt quản lý” - ông Hài cho biết. Cũng theo ông Hài, hiện nay sở cũng đang tiến hành điều tra cơ bản về chất lượng cán bộ quản lý du lịch địa phương sau đó sẽ có một kiến nghị với lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, việc này không nằm trong đề án đào tạo nguồn nhân lực sở đang xây dựng mà thuộc về Sở Nội vụ trong việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ.

Thực tế, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần lãnh đạo địa phương quan tâm đến du lịch thì chắc chắn hiệu quả sẽ khác. Điển hình có thể kể đến Tây Giang với việc thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch trực thuộc UBND huyện quản lý với 4 biên chế cùng kinh phí hoạt động quảng bá, giới thiệu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch Tây Giang phát triển. Dù thời gian hoạt động chưa nhiều, nhưng đây là bước đi đầu tiên để hướng đến sự chuyên nghiệp. nổi bật nhất chính là Điện Bàn với việc thành lập Tổ thông tin xúc tiến du lịch chỉ chuyên làm công tác xúc tiến, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp du lịch. Kết quả rõ nét nhất không chỉ là hình ảnh, tiềm năng du lịch Điện Bàn được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động famtrip, hội thảo mà nhiều sản phẩm cũng đã được ra đời từ sự kết nối phối hợp giữa Tổ thông tin xúc tiến du lịch và các cá nhân, tổ chức… mà làng du lịch cộng đồng Triêm Tây là một trong những điển hình. Nói như lời một lãnh đạo sở VH-TT&DL, chỉ cần lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo cơ chế thuận lợi, nhất là về biên chế con người thì du lịch nơi đó chắc chắn sẽ có sự khởi sắc.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo nguồn nhân lực du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO