Lao động nghề cá thiếu và bấp bênh là nỗi lo dai dẳng của nhiều tàu. Đáng lo hơn, hầu như ngư dân đi biển đều là tay ngang, và người trẻ không mặn mà bám biển.
Thiếu bạn biển
Vụ cá chính đang diễn ra nhưng nhiều tàu cá gặp khó vì thiếu bạn biển. Ngư dân Nguyễn Lập (chủ tàu cá ở khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết, chạy tới, chạy lui tìm từ Hội An đến Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn nhưng vẫn thiếu lao động cho chuyến biển.
Từ tháng 4 - thời điểm diễn ra vụ cá chính đến nay, ông Lập chỉ thực hiện được 1 chuyến biển. Mỗi chuyến biển với nghề lưới rê, ông Lập cần 10 lao động nhưng chuyến biển duy nhất từ đầu vụ chính đến nay chỉ có 7 bạn biển.
Ngư dân Trần Công Tài, chủ 2 tàu cá hành nghề lưới chụp ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết, mỗi chuyến biển của mỗi tàu cần phải có 13 - 14 lao động, tìm bạn biển ở huyện Núi Thành rất khó, đến các huyện khác tìm cũng không đủ. Thiếu lao động nên hoạt động đánh bắt diễn ra chật vật.
“Nghề đánh bắt hải sản xa bờ rất khó tìm bạn vì bám biển dài ngày, quanh năm, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả kinh nghiệm. Tìm được bạn biển đã khó, tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn. Nghề biển thu nhập bấp bênh nên giới trẻ thường chuyển sang các nghề khác an nhàn hơn” - anh Tài cho biết.
Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, để ứng phó với tình trạng thiếu lao động nghề cá, địa phương khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào đánh bắt hải sản.
“Chúng tôi kêu gọi các chủ tàu tích lũy vốn đầu tư máy dò cá ngang để dò tìm cá hiệu quả, ít tốn công sức lao động. Ngư dân cũng cần ứng dụng máy tời thu lưới, đẩy mạnh cơ giới hóa nghề cá, đặc biệt là khâu thả lưới, thu lưới để tăng hiệu quả khai thác, giảm số lượng lao động và đảm bảo an toàn” - ông Hiệp nói.
Yếu về chất lượng
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho rằng, cần rà soát, xem xét kỹ, đánh giá lại chất lượng của nguồn nhân lực nghề biển hiện nay.
Bởi ngư dân đánh bắt xa bờ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm theo kiểu trước đây cha ông truyền gì thì nay con cháu áp dụng y vậy, không có sáng tạo hay cải tiến gì. Ngày càng ít người rành rõi về hệ sinh thái biển, quy luật vận động, đặc tính của các loài hải sản. Hầu như ngư dân đi biển đều là tay ngang, khi đi biển, học làm theo các ngư dân khác rồi thao tác mãi thành quen.
Lao động nghề biển ít bị ràng buộc với chủ lao động. Nhiều lao động có thể “nhảy tàu” bất cứ lúc nào nếu nhận thấy chuyến biển không đạt hiệu quả. Ngư dân Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 2 tàu lưới vây cho rằng, cần có doanh nghiệp hay mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã giúp ngư dân được đào tạo bài bản, có năng lực, nghiệp vụ nghề cá để đứng ra chèo lái quá trình đánh bắt hải sản. Lúc đó, tay nghề, trình độ của nguồn nhân lực nghề biển sẽ tăng lên.
Theo Thông tư 22 của Bộ NN&PTNT, chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi ra biển đánh bắt hải sản phải đáp ứng quy định bắt buộc là có đầy đủ chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy.
Nhiều chủ tàu cho biết, họ đối phó quy định trên bằng cách làm hồ sơ mang tên các bạn biển thân tín đăng ký theo học, thực chất ngư dân vẫn đi biển. Sau 1 tuần, kiểm tra qua loa, các bạn biển sẽ được cấp chứng chỉ làm giấy tờ cần thiết trình báo lực lượng biên phòng khi làm thủ tục xuất bến đi biển.
“Khóa đào tạo chỉ diễn ra trong vòng 7 ngày, thầy đứng lớp chưa truyền đạt nhiều kiến thức, ngư dân đi học cũng chỉ để đối phó chứng chỉ thôi. Có ngư dân có cả 4 chứng chỉ mà thực chất không nắm rõ chuyên môn, nghiệp vụ” - một ngư dân cho biết.