“Vườn sâm của anh cây có chết không?”. Đó là câu hỏi mà tôi được nghe từ những người trồng sâm trên dãy Ngọc Linh (Nam Trà My) khi hỏi thăm nhau trong thời gian này...
Từ xưa đến nay, việc trồng sâm Ngọc Linh bị chết hay hao hụt là điều chẳng có chi lạ - không chết, không mất mới là lạ. Có rất nhiều kiểu mất sâm như: chuột cắn mất sâm; mưa ngã cây đè mất sâm; có khi người quen trong nhà vào nhổ trộm mất sâm…
Và trong cái sự hao hụt ấy nhiều người trồng sâm cũng có thể tặc lưỡi chấp nhận được nếu xét trong tổng thể “gia tài sâm” của mình. Nhưng lần này, vấn đề có thể trở thành nghiêm trọng nên câu chuyện cây sâm chết mới được người ta hỏi thăm rộng rãi đến như vậỵ.
Gặp ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, tôi hỏi thăm và ông Dang cho hay: “Năm nay, sâm trồng ở Trà Linh chết rất nhiều”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy người ta có xử lý bán được lấy ít vốn không?”. “Bán làm sao được. Chết toàn sâm giống 1 tuổi. Vườn của tôi đầu năm đến giờ chết khoảng gần 1.000 cây” - Hồ Văn Dang thông tin.
Từ lời của Hồ Văn Dang, tôi cảm nhận được nỗi lo trong câu chuyện của người trồng sâm ở đỉnh Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh giống thường là loại sâm 1 tuổi - cách người ta tính tuổi bắt đầu từ thời gian gieo hạt cho đến lúc nảy mầm và vươn lên cao khoảng gần gang tay người lớn. Mỗi cây sâm giống 1 tuổi hiện nay được bán với giá hơn 300 nghìn đồng.
Theo kinh nghiệm của những người trồng sâm, cây sâm giống 1 năm tuổi rất mỏng manh, yếu ớt, chỉ cần một tác động tiêu cực nhỏ nào cũng có thể khiến sâm chết. Rỉ sắt và lở cổ rễ là hai loại bệnh thường gặp trên cây sâm Ngọc Linh, nhưng việc chữa trị hiện rất khó khăn…
Đáng lo hơn là cây sâm giống bị bệnh thì tốc độ lây lan rất nhanh nếu chủ vườn không kịp phát hiện sẽ gây ra chết hàng loạt. Sâm giống như cây giá đỗ, hễ bị rụng lá thì coi như xong không cứu được…
Khi sâm Ngọc Linh được bán với giá hơn 200 triệu đồng/kg/hàng loại 1 (loại củ 1 lạng), ai trồng sâm cũng phấn khởi. Thế nhưng việc trồng sâm chưa bao giờ được xem là dễ dàng, nhất là khi có người chọn đó là nghề để khởi nghiệp. Khó khăn hơn với người trồng sâm khi những năm gần đây diễn biến thời tiết ngày càng thất thường, cực đoan; bên cạnh đó, sâu bệnh trên cây sâm cũng phát triển mạnh và nhiều lý do khác làm cho hao hụt…
Nhưng chưa khi nào sâm giống lại chết nhiều như thời gian gần đây. Cây sâm giống 1 tuổi thì chưa tượng củ nên chẳng nghe đắng gì của vị sâm mà đâu đó người ta đã nghe “đắng” trong lòng của những người trồng sâm…