Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt lại xảy ra, lần này không phải tại điểm giao nhau giữa lối đi tự mở (hay còn gọi là đường ngang dân sinh, hoặc đường ngang bất hợp pháp), mà ập đến trên đường ngang hợp pháp.
Cụ thể, sáng 25.7, một ô tô đi trên đường ngang hợp pháp tại lý trình km807+095 của đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa phận xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn). Người dân địa phương cho hay, gác chắn tự động đã đóng, chuông cảnh báo vang lên nhưng tài xế vẫn cho xe băng qua, liền bị tàu hỏa đang chạy tốc độ cao tông văng, rất may không bị thiệt hại về người.
Ngoài trường hợp vừa đề cập, Phó Chánh Thanh tra phụ trách an toàn giao thông (ATGT) - ông Lê Ngọc Sơn thông tin, tính từ ngày 15.12.2019 đến ngày 15.7.2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt khiến 2 người chết và 1 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là người tham gia giao thông trên đường bộ băng qua lối đi tự mở, không quan sát nên dẫn đến hậu quả thương tâm.
Từ nhiều năm qua, TNGT thường xuyên xảy ra trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2019 xảy ra 5 vụ, làm chết 4 người, bị thương 1 người; đặc biệt năm 2018 có 9 vụ TNGT khiến 7 người chết. Đường sắt là nơi chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng, chỉ sau đường bộ. Hầu hết trong sự cố, yếu tố chủ quan của con người đều đem lại hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê nhìn nhận, hành lang ATGT bị lấn chiếm, mở lối đi trái phép, thiếu cảnh báo hay phòng vệ, chậm làm đường gom, hàng rào bảo vệ cùng ý thức tuân thủ pháp luật kém của người dân là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm.
Thực tế chứng minh, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT là một trong số ít nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo Ban ATGT tỉnh 6 tháng đầu năm, Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình cho biết, có 3 vụ xây dựng công trình đã vi phạm phạm vi bảo vệ và hành lang ATGT đường sắt qua khối phố 3 và khối phố 4 của thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành).
Một người làm công tác chuyên môn ngành đường sắt lâu năm phân tích, để cho một đoàn tàu đang chạy với tốc độ 70 - 80km/giờ dừng lại hẳn, người lái tàu cần phải hãm phanh cách đó 800m. Tuy nhiên, lái tàu bị che khuất tầm nhìn do cây cối hay công trình xây dựng trong hành lang an toàn thì khó phát hiện sớm chướng ngại vật trên đường ray. Chính vì vậy, nhiều trường hợp tử vong có chung một “kịch bản”: người bị tai nạn khi băng qua đường ngang không quan sát lúc tàu chạy đến, gặp đoạn khuất tầm nhìn khiến lái tàu trở tay không kịp. Có thể thấy, một khi các lối đi tự mở còn hiện diện, lấn chiếm hành lang ATGT tiếp tục tái diễn, đặc biệt người tham gia giao thông không tuân thủ các quy tắc an toàn thì hiểm họa TNGT luôn rình rập tính mạng chính họ, đe dọa an toàn chạy tàu.