Dậy thì sớm ở trẻ đang dần trở nên phổ biến. Tình trạng “trẻ lớn trước tuổi” này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe, mà còn gây ra những ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
Hơn nửa năm nay, cô con gái nhỏ của chị N.T.T.T. (ở phường Điện Nam, thị xã Điện Bàn) phổng phao, lớn nhanh như thổi, ai gặp cũng tấm tắc khen tài chăm con của chị. Chị mừng thầm trong bụng vì cứ nghĩ bé được ăn uống đầy đủ trong thời gian ở nhà học trực tuyến nên phát triển tốt.
Bé mới hơn 7 tuổi mà trông cao lớn như học sinh lớp 4 bởi chiều cao 1,38m, nặng 32kg. Đến khi chị vô tình nhìn thấy “vòng 1” phát triển mới lo lắng đưa bé đến phòng khám chuyên khoa sản nhi để được khám và tư vấn.
Cùng tâm trạng với chị T., chị N.T.D. (ở Bình An, Thăng Bình) đứng ngồi không yên vì con gái 9 tuổi của chị đã có kinh nguyệt. Từ một đứa trẻ vô tư, năng động nay bất đắc dĩ trở thành “thiếu nữ”, con gái chị trở nên rụt rè, ngại ngùng, không muốn chơi đùa với bạn bè, thậm chí đòi nghỉ học. Đặc biệt, chị D. phải lo hết mọi thứ cho cô con gái còn quá nhỏ của mình mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Chị D. chia sẻ: “Thời gian gần đây, nhìn thấy con lớn nhanh lại kèm theo những dấu hiệu cơ thể sắp trở thành “người lớn”, tôi cân đối chế độ ăn uống cho con nhưng mấy ngày nay con đã bắt đầu “hành kinh”. Nỗi lo thêm chất chồng, lo vì con sẽ mất cơ hội cao thêm và con sẽ lo lắng nên ảnh hưởng đến việc học tập”.
Đó chỉ là vài tâm sự trong số các trường hợp phụ huynh có con nhỏ dậy thì sớm. Nhiều cha mẹ khi thấy con phát triển nhanh hơn các bạn thường vui mừng vì cứ nghĩ con được nuôi dưỡng tốt. Cho đến khi các bé có dấu hiệu “người lớn” thì phụ huynh mới “hốt hoảng” đưa trẻ đến bác sĩ khám và tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, độ tuổi dậy thì bình thường của bé gái vào khoảng 9 - 12 tuổi, còn bé trai là 10 - 13 tuổi. Song những năm gần đây, tuổi dậy thì của trẻ em nước ta nhỏ hơn rất nhiều, có những bé gái dưới 8 tuổi đã bắt đầu dậy thì, kinh nguyệt xuất hiện sớm. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ cũng như sức khỏe sau này.
Trẻ dậy thì sớm do nhiều yếu tố nguy cơ liên quan như giới tính, yếu tố gia đình và chế độ dinh dưỡng. Mức độ ảnh hưởng của dậy thì tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì và tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình.
“Cho đến nay, vẫn chưa chứng minh được mối liên quan giữa việc ăn uống loại thực phẩm nhất định nào đó có liên quan đến dậy thì sớm. Tuy nhiên, có mối liên quan giữa béo phì và dậy thì sớm. Những trẻ thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ dậy thì sớm hơn.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và chế độ ăn uống phù hợp để tránh tình trạng béo phì. Không nên cho trẻ dùng lâu dài các loại thực phẩm hay các thuốc có chứa hormon sinh dục” - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh nói.
Dậy thì sớm ở trẻ không còn là vấn đề “lạ” mà dần trở nên tất yếu. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì quá sớm sẽ có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và thể chất của trẻ. Ở bé gái, dậy thì sớm không những ảnh hưởng đến chiều cao mà còn dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức được sự thay đổi của cơ thể để tự bảo vệ mình. “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, theo tôi, là bố mẹ hãy trấn an trẻ và trang bị cho trẻ các kiến thức về giới tính. Hãy dành thời gian bên trẻ, thủ thỉ với trẻ đâu là những giới hạn mà những người xung quanh được phép và không được đụng chạm vào các bộ phận cơ thể của mình. Đó mới là điều giúp ích cho trẻ tốt nhất. Đặc biệt, khi thấy trẻ có biểu hiện sắp thành “người lớn”, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc sức khỏe trẻ trong giai đoạn này ” - bác sĩ Trinh khuyến cáo.